Qua điều tra, thu thập và giám định các mẫu cây thuốc chữa bệnh và dược liệu, kết hợp tra cứu các tài liệu về thực vật; Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã xác định được tại khu vực có 831 loài cây thuốc chữa bệnh và dược liệu, thuộc 516 chi và 162 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Ngành Ngọc lan có tới 652 loài, chiếm 84,35% tổng số loài cây thuốc chữa bệnh và dược liệu phát hiện được trong đợt điều tra. Ngành Dương xỉ có 34 loài, Ngành Thông đất có 12 loài, ngành Thông có số 11 loài, ngành Cỏ tháp bút chỉ có 1 loài. Họ có nhiều loài ở khu vực điều tra khảo sát làm thuốc bao gồm: Cúc, Thầu dầu, Đậu, Cà phê, Cỏ roi ngựa, Long não. Các chi có số loài làm thuốc nhiều gồm: Re, Sung, Cơm nguội, Tu hú, Ngọc nữ, Lãnh công, Quyển bá, Màng tang, Riềng.
Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã phát hiện được 76 loài cây thuốc chữa bệnh và dược liệu là thực vật quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tại Việt Nam. Cây thuốc chữa bệnh và dược liệu có tên trong nghị định 84/2021 có 35 loài, nhóm IA có 2 loài, nhóm IIA có 33 loài. Trong Sách Đỏ Việt Nam, 2007 có 38 loài cây thuốc quý hiếm. Cây thuốc chữa bệnh và dược liệu là thực vật đặc hữu của Việt Nam có 10 loài. Trong Danh lục Đỏ của IUCN có 14 loài, gồm 2 loài thuộc nhóm Rất nguy cấp; 2 loài thuộc nhóm Nguy cấp; 7 loài thuộc nhóm Sẽ nguy cấp và 3 loài thuộc nhóm Sắp bị đe dọa.
Cây thuốc chữa bệnh và dược liệu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống chủ yếu tập trung phân bố ở sinh cảnh rừng đang phục hồi, rừng già và trảng cây bụi. Bảo vệ rừng ở đây cũng chính là bảo vệ được nguồn tài nguyên cây thuốc chữa bệnh và dược liệu đặc biệt là các loài cây thuốc quý hiếm có phân bố tại khu vực. Cây thuốc chữa bệnh và dược liệu tại khu vực thuộc 6 nhóm dạng sống, gồm: nhóm Cây chồi trên có 579 loài làm thuốc; Nhóm chồi sát đất có 98 loài cây thuốc chữa bệnh và dược liệu; Nhóm Cây một năm có 70 loài; Cây chồi nửa ẩn có 51 loài; Cây chồi ẩn có 30 loài; Nhóm cây thủy sinh (Hy) mới phát hiện có 3 loài. Các dạng sống có nhiều loài cây thuốc chữa bệnh và dược liệu tại khu vực gồm: Cây chồi trên lùn (Na) có 182 loài; Dây leo gỗ (Lp) có 150 loài; Cây chồi trên nhỏ (Mi) có 115 loài; Nhóm chồi sát đất (Ch) có 98 loài cây thuốc chữa bệnh và dược liệu. Kết quả này cũng phù hợp với phổ dạng sống chung của hệ thực vật tại khu vực Pù Huống. Những dạng sống của cây thuốc chữa bệnh và dược liệu chiếm ưu thế hầu hết là có chồi trên thấp, lùn, chồi sát đất, cây một năm, dây leo, là những cây dễ thu hái các bộ phận của thực vật làm thuốc.
Bộ phận lá, cả cây; rễ; thân, cành; vỏ là các bộ phận của thực vật được sử dụng nhiều nhất để làm thuốc tại khu vực. Đây là các bộ phận dễ thu hái sử dụng, tuy nhiên khi khác thác ít nhiều đều ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây đặc biệt là khai thác rễ, thân, cả cây và vỏ. Việc sử dụng các bộ phận như thân, vỏ, củ, rễ, cả cây làm thuốc đã ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng của cây, có thể gây nên cạn kiệt hoặc tuyệt chủng cây thuốc chữa bệnh và dược liệu tại địa phương. Mùa vụ khai thác cây thuốc chữa bệnh và dược liệu của khu vực thường diễn ra quanh năm trừ một số loài do đặc tính sinh học của loài thường tàn lụi vào mùa thu đông nên những loài này thường có mùa khai thác tâp trung vào vụ hè thu hoặc xuân hè.
Trong các nhóm bệnh mà cây thuốc và dược liệu tại địa phương có thể chữa được số loài tập trung nhiều vào việc chữa các nhóm bệnh: tiêu hóa (404 loài); ngoài da (319 loài); xương khớp (299 loài); tiêu viêm (267 loài); phổi, họng (233 loài); cảm sốt (211 loài); giải độc (202 loài); phụ nữ (200 loài); thận (191 loài); máu (173 loài); an thần (108 loài); thuốc bổ (104 loài); gan (103 loài). Ngoài công dụng làm thuốc thì cây thuốc chữa bệnh và dược liệu tại Khu BTTN Pù Huống còn cho nhiều công dụng khác như: Dùng làm thức ăn cho người và gia súc (303 loài); Cây có hoa, làm cảnh và bóng mát (177 loài); Cây lấy gỗ (118 loài); cây cho tinh dầu (60 loài) và một số công dụng khác. Kết quả trên cho thấy thực vật làm thuốc tại Khu BTTN Pù Huống có tính đa dạng về giá trị sử dụng cao.
Những tác động bất lợi đến tài nguyên cây thuốc và dược liệu tại địa phương gồm: Khai thác lâm sản trái phép; Đốt nương làm rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép; Chăn thả gia súc; Do sự mai một của kiến thức bản địa.
Căn cứ vào các kết quả thu được tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, đã đề xuất được các nhóm giải pháp về kỹ thuật và nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, kinh tế xã hội để quản lý bảo vệ, khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc và dược liệu rất có giá trị tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Nhiệm vụ đã đề xuất được danh sách 10 loài cây thuốc và dược liệu quý, hiếm có tiềm năng phát triển dưới tán rừng hoặc tại vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống gồm: Tắc kè đá, Lá khôi; Vàng đắng; Na rừng, Hoàng tinh hoa trắng, Trọng lâu; Râu hùm, Đảng sâm, Sâm cau, Bình vôi.
Tổng hợp theo Tài liệu Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống
Thái Bá Thám
Văn phòng Ban Quản lý