KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

Sự đa dạng và đậm đà bản sắc văn hoá của các nhóm dân tộc thiểu số là đặc trưng lớn nhất và là niềm tự hào của miền Tây Nghệ An. Khu SQTG hội tủ đầy đủ các nét đặc trưng nhất về văn hoá, tập quán, lịch sử, truyền thống của vùng miền TNA nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. 
Đây là miền đất, ngôi nhà chung của 6 dân tộc anh em (Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu) sinh sống lâu đời và hiện vẫn lưu giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống độc đáo và các di tích lịch sử-văn hóa quan trọng gắn với quá trình phát triển.

Nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm nét văn hoá bản địa đặc sắc.
Nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa (đền, chùa, lễ hội) đã được trùng tu, phục hồi và đang phát triển tốt thông qua việc huy động nguồn lực theo hình thức xã hội hoá như: di tích và lễ hội đền Choọng (huyện Quỳ Hợp), lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong), đền Vạn - Cửa Rào (huyện Tương Dương), lễ hội Hang Bua (Huyện Quỳ Châu), lễ hội Mường Ham (huyện Quỳ Hợp),... Người dân, doanh nghiệp địa phương với sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền đã đóng góp các nguồn lực để tôn tạo di tích và phục hồi các lễ hội, tập tục văn hóa truyền thống, từ đó thu hút đông đảo người dân địa phương và các vùng lân cận đến tham quan và sinh hoạt tín ngưỡng. Hiện nay có một số ngôn ngữ, văn hoá của dân tộc bản địa có nguy cơ mai một, đặc biệt là chữ viết và Ban Dân tộc, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An và các huyện đang nỗ lực gìn giữ, phát triển vốn văn hoá đặc sắc này.
Công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành của 9 huyện miền Tây Nghệ An và toàn tỉnh Nghệ An quan tâm thực hiện. Gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa nhiều hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc được khôi phục và bảo tồn. Mô hình dạy học tiếng và chữ viết dân tộc Thái, dân tộc Mông được triển khai có hiệu quả, thu hút hàng trăm học viên ở nhiều lứa tuổi tham gia, tiêu biểu ở các huyện như Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Quế Phong. Các nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, sáo, nhị, cò ke, khèn… cũng được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống tinh thần của đồng bào; việc bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã được đồng bào và lớp trẻ đón nhận, ngày càng quan tâm tiến bộ hơn. Đặc biệt, hàng năm các hoạt động Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 được tổ chức đã khơi dậy ý thức về văn hóa dân tộc trong tâm thức của đồng bào, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số.