KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

Các kết quả điều tra cho thấy Khu DTSQ miền Tây Nghệ An có  12 kiểu  hệ  sinh  thái,  sau  đây là các  hệ sinh  thái  tiêu biểu nhất:

Ảnh: Rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới, hỗn giao

Rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới, hỗn giao, Đây là kiểu rừng có nhiều loài thực vật quý hiếm và đặc hữu. Về mặt khoa học đây là kiểu rừng có giá trị lớn nhất về đa dạng thực vật, xuất hiện nhiều loài thực vật cổ xưa như pơ mu, sa mu, bách xanh, kim giao.
Kiểu rừng này có thành phần thực vật với các họ Dẻ, họ Dâu tằm, họ Nguyệt quế, họ Mộc lan, họ Long não, Thích, Hoa hồng… các họ Hạt trần như Hoàng đàn, Bụt mọc, Kim giao với các loài điển hình như re, chắp, giẻ... Rừng có cấu trúc 3 - 5 tầng, tầng cây trội vượt tán với các họ Mộc lan và Re có chiều cao trung bình khoảng 30m, tầng ưu thế sinh thái cao khoảng 25m với các loài cây thuộc họ Dẻ, tầng dưới tán rừng chiều cao trung bình là 15m, hai tầng dưới gồm tầng cây bụi với chiều cao trung bình khoảng 6m và tầng dưới cùng là tầng thảm cỏ cao 1-2m Tầng ưu thế sinh thái tạo thành tán rừng với các loài cây lá rộng điển hình như sa mu dầu, pơ mu. Về mặt sinh khối, kiểu rừng này trữ lượng trung bình đạt 160 - 200m3/ha, chiều cao trung bình 16 - 20m, đường kính 22 - 28cm.
Kiểu phụ rừng lùn
Xuất hiện tại nhiều khu vực có độ cao tuyệt đối trên 1.500m Tại VQG Pù Mát phân bố trên 1500m trên các giông và chỏm núi dốc có đá nổi. Tại KBTTN Pù Huống, thực vật điển hình là đỗ quyên, sơn liễu, truông treo phân bố ở đỉnh tam giác Pù Huống. Tầng rừng chỉ cao không quá 5m, đường kính cây gỗ nhỏ dưới 30cm, cây gỗ nhỏ, lá cứng. Tầng thảm mục chưa phân hóa, luôn có mây che phủ, ẩm ướt và lạnh. Tại KBTTN Pù Hoạt rừng lùn xuất hiện độ cao trên 2300m của đỉnh Pù Hoạt.

Ảnh: Rừng lùn trên núi cao

Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh mưa mùa trên núi đá vôi
Hệ sinh thái này không liên tục mà phân bố rải rác trong khu vực, có nhiều hang động là nơi cư trú, sinh sống của các loài thú, các loài linh trưởng. Do sự chi phối của mặt địa hình nên mặt tán thường nhấp nhô không đều, thành phần chủ yếu là các họ xoan, dâu tằm, bồ hòn, côm, dẻ, thị và thực vật chỉ thị  núi đá như mạy tèo, ô rô, nghiến, đại phong tử,  dâu da xoan.  Tại đây cây tái sinh xuất hiện cục bộ trong hang hốc, khe rãnh, chân dốc trung bình từ 800-1.000 cây/ha, các loài điển hình như săng quýt, mạy tèo, dâu da xoan.

Ảnh : Rừng đặc dụng săng lẻ tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương

Kiểu rừng tre nứa
Kiểu này phân bố ven hệ thống suối do đặc điểm đất ẩm và giàu mùn. Rừng nứa phân bố theo bụi với cấu trúc 2 tầng chủ yếu. Tầng rừng chính là loài cây nứa cao trung bình từ 6 đến 10m. Tầng dưới là thảm tươi với các loài cây dương xỉ và lá dong cao khoảng 1m đến 2m. Trong kiểu phụ thứ sinh có sự tác động này còn có các loài cây khác với ưu hợp là cây giang  (phân bố rải rác) mà mật độ che phủ cao trên 85%.

Ảnh: Rừng tre nứa trong Khu BTTN Pù Hoạt

Hệ sinh thái rừng trồng
Hầu hết là rừng thuần loại được trồng chủ yếu cho mục tiêu kinh tế kết hợp phòng hộ bao gồm các loài: keo các loại, mỡ, lát hoa, quế, tre mét, xoan đâu.

Ảnh: Rừng trồng keo