Trong khuôn khổ thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia mang mã số ĐTĐL.XH.02/16, với tên gọi: “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và tài trợ, ngày 26/4/2025, Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE) cùng với Hội đồng và Tổ chuyên gia tư vấn có chuyến công tác thực địa tại KDTSQ miền Tây Nghệ An nhằm đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Thành phần tham gia gồm có:
- Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (Vụ Khoa học xã hội và Nhân văn và Văn phòng chương trình trọng điểm);
- Tổ chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Đại diện Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An:
+ Lãnh đạo Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An;
+ Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt và đại diện chính quyền địa phương;
+ Xã Yên Hoà, huyện Tương Dương: đại diện cán bộ xã/ thôn và người dân.
Nội dung làm việc:
- Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt – vùng lõi của khu DTSQ: Cuộc họp trao đổi với lãnh đạo Ban quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An và thành viên đại diện của Ban quản lý khu DTSQ tại Khu BTTN Pù Hoạt về: kết quả, hiệu quả các hoạt động đã triển khai của Đề tài nghiên cứu và các đề xuất; Thăm quan thực địa Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
- Tại xã Yên Hoà, huyện Tương Dương: thăm quan thực địa và trao đổi tại khu vực khảo sát nghiên cứu cho thiết kế đề xuất mô hình sản xuất bền vững - bản Coọc, xã Yên Hoà.
Buổi làm việc diễn ra trong không khí nghiêm túc, cởi mở và mang tính học thuật cao, tập trung vào việc đánh giá kết quả thực tiễn triển khai Đề tài tại Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, đồng thời thảo luận, tổng hợp các ý kiến chuyên gia nhằm đề xuất những định hướng quản lý phù hợp với bối cảnh và đặc thù sinh thái, văn hóa - xã hội của khu vực.
Các chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị địa phương trong việc phối hợp triển khai Đề tài và nhấn mạnh vai trò chiến lược của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An trong mạng lưới các khu DTSQ quốc gia và quốc tế. Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng, kết quả nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa khoa học, mà còn mang giá trị thực tiễn cao, góp phần hoàn thiện khung pháp lý và công cụ quản lý bền vững khu DTSQ ở Việt Nam.
Thái Bá Thám
Văn phòng Ban Quản lý