KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

DỰ ÁN BR

Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) với mục tiêu tổng thể nhằm quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học được lồng ghép hiệu quả vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh địa bàn thực hiện dự án và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam.

Dự án do Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thực hiện trong 5 năm từ 2019 -2024 tại Hà Nội và 3 Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An (tỉnh Quảng Nam), Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) và Tây Nghệ An (tỉnh Nghệ An).

Hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm

Ảnh: Hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm - Tác giả: Phạm Văn Phùng

Tại phiên họp chiều 15/9 trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển UNESCO tổ chức tại Nigeria, khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) đã được công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”. Như vậy, trong giai đoạn 2000-2020, Việt Nam đã được UNESCO công nhận tổng cộng 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQ), trở thành quốc gia có số lượng khu DTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, nước có 19 khu DTSQ.

Việc UNESCO công nhận thêm 2 khu DTSQ của Việt Nam cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đối với bạn bè thế giới.

Ngày 30/11/2021, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH), Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đề cử và quản lý khu dự trữ sinh quyển (DTSQ), khu Ramsar ở Việt Nam.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà bảo tồn, chuyên gia, Khu dự trữ sinh quyển, Vườn Quốc gia - Khu Bảo tồn cùng các Ban ngành liên quan.

Sau 20 năm tham gia mạng lưới sinh quyển thế giới, đến nay công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 9 khu Ramsar Việt Nam đã được công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 9 khu Ramsar. Việc công nhận này có ý nghĩa lớn đối với quốc gia, địa phương, khu dự trữ sinh quyển nhờ đó giúp nâng cao công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tăng cường sự hợp tác và tham gia, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong mạng lưới, thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục...

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đề cử và quản lý khu dự trữ sinh quyển (DTSQ), khu Ramsar ở Việt Nam.

Ảnh: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đề cử và quản lý khu dự trữ sinh quyển (DTSQ), khu Ramsar ở Việt Nam.

Sáng ngày 02/12/2021, Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) phối hợp với Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) Đồng Nai tổ chức hội thảo Tổng kết công tác năm 2021 và khởi động chuyển đổi số trong các khu DTSQTG Việt Nam.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà bảo tồn, chuyên gia, Khu dự trữ sinh quyển, Vườn Quốc gia - Khu Bảo tồn cùng các Ban ngành liên quan.

Khu DTSTTG Đồng Nai hiện là hình mẫu trong việc thực hiện: phục hồi rừng tự nhiên, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật đang có nguy cơ tiệt chủng, phát triển cây dược liệu trong rừng, khai thác dịch vụ môi trường rừng. Sau 10 năm được công nhận, khu DTSQTG Đồng Nai bảo vệ được nghiêm ngặt diện tích rừng, bên cạnh đó, hệ sinh thái đất, nước, các loài động thực vật ngày càng phong phú; các giá trị về tự nhiên, sinh học, văn hoá - lịch sử được giữ gìn và phát triển, đời sống của người dân trong khu vực được cải thiện thông qua việc chi trả dịch vụ môi trường, khoán bảo vệ rừng, khoán chăm sóc cây rừng. Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn Thiên nhiên văn hoá - Đồng Nai, hồ Trị An, Bàu Sấu… trong Khu DTSQTG Đồng Nai đã và đang phát huy các giá trị về đa dạng sinh học và cảnh quan tự nhiên thông qua hoạt động khai thác du lịch. Có thể nói, đây không chỉ là nơi lưu giữ giá trị về đa dạng sinh học của Việt Nam, đây còn là thư viện sống, giáo dục truyền thống lịch sử, tài nguyên môi trường, thực nghiệm cho học sinh, sinh viên, người dân trong và ngoài tỉnh.

Ảnh: Hội thảo Tổng kết công tác năm 2021 và khởi động chuyển đổi số trong các khu DTSQTG Việt Nam

Ngày 06/5/2022, Hội Nông dân huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện tổ chức Hội thảo khơi động dự án "Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây Mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng tại 02 xã vùng đệm ưu tiên Tam Quang, Tam Hợp huyện Tương Dương".

Dự án do Quỹ môi trường toàn cầu (chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam - UNDP GEF GSP) tài trợ được thực hiện trong 30 tháng từ tháng 01/2022 đến tháng 6/2023. Dự án được tổ chức với 17 hoạt động chính và 03 mục tiêu, kết quả dự kiến: (1) Nâng cao kiến thức năng lực phát triển sinh kế bền vững từ cây mét cho bà con; (2) Xây dựng 4 mô hình sinh kế từ cây mét theo chuỗi giá trị bao gồm: bảo vệ, phục tráng, khai thác hợp lý 500,87 ha rừng trồng mét đã có trên địa bàn tỉnh; trồng bổ sung 86,92 ha rừng mét trên đất rừng tự nhiên nghèo kiệt; trồng 44,12 ha mét trên đất rừng sản xuất chưa có rừng; tạo quỹ vay vốn quay vòng nhân rộng các mô hình của dự án; số hộ tham gia và hưởng lợi từ dự án 458 lượt hộ/333 hộ, đến cuối năm thứ 2 trước khu dự án kết thúc, giá trị thu nhập từ cây mét của các hộ tham gia mô hình được tăng 20% so với hiện tại; và (3) Nhân rộng mô hình ra toàn huyện.

Dự án được triển khai sẽ góp phần bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An.

Ảnh: Hội Nghị Khởi Động Dự Án

Ngày 15/8/2022, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Cục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và Ban quản lý Dự án WLP - Dự án BR phối hợp với các đối tác tổ chức tập huấn và hướng dẫn thành lập và quản lý Quỹ quay vòng dựa vào cộng đồng trong khuân khổ các Khoản tài trợ nhỏ của dự án tại Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An.

Thông qua 03 khoản tài trợ nhỏ với $370,000 USD đã được phê duyệt để thực hiện, 1.254 hộ gia đình (ưu tiên hộ có phụ nữ trụ cột kinh tế và dân tộc thiểu số) trong vùng dự án thuộc Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An sẽ có cơ hội được đầu tư để phát triển các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng cây Mét, chè hoa vàng, Lùng, và cây Bon bo. Các mô hình sinh kế bền vững này sẽ giúp bà con tăng thu nhập, đồng thời giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng. Trong đó, các Quỹ quay vòng tại các xã sẽ được thành lập nhằm tăng số hộ hưởng lợi và nhân rộng các mô hình sinh kế cho các hộ gia đình khác trên địa bàn.

Trao đổi tại buổi tập huấn, đại diện của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nga My và Yên Hòa – huyện Tương Dương và xã Thông Thụ - huyện Quế Phong đều đồng tình và khẳng định phụ nữ có vai trò quan trọng và sẵn sàng tham gia các hoạt động phát triển các mô hình sinh kế bền vững và quản lý Quỹ Quay vòng góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương. Bà Lương Thị Ngọc – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Nga My, huyện Tương Dương cho biết “Hội LHPN xã đã có kinh nghiệm nhiều năm tham gia vào công tác quản lý các nguồn quỹ cộng đồng. Ở xã Nga My, chúng tôi đã có 3 cán bộ hiện trường vào công tác này. Chúng tôi có thể đóng góp nhiều kinh nghiệm cho các hoạt động của dự án”.

Bà Vi Thị Tâm – Chủ tịch hội LHPN xã Thông Thụ - huyện Quế Phong khằng định phụ nữ sẽ được tạo điều kiện tham gia đầy đủ và phát huy năng lực của mình trong các hoạt động của dự án.

Khóa tập huấn là một phần hoạt động của Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP. Mục tiêu của dự án nhằm nâng 20% thu nhập của 2,500 hộ hưởng lợi tại ba Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm – Hội An và Đồng Nai thông qua các khoản tài trợ nhỏ (LVG) của UNDP để hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Ảnh: Tổ chức tập huấn

Thực hiện Quyết định 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/01/2022 về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, Tổng cục Môi trường và Ban quản lý Dự án WLP - Dự án BR tổ chức Hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến “Hướng dẫn thực hiện Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Định hướng quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam” tại Tp. Đà Nẵng trong 02 ngày 25 và 26/8/2022.

Mục tiêu của hội thảo nhằm (1) Hướng dẫn thực hiện Chiến lược và các nội dung liên quan; và (2) Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam về quản lý khu dự trữ sinh quyển cũng như thảo luận về định hướng quản lý hiệu quả các khu dự trữ sinh quyển.

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính các tỉnh, các Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển, đại diện các khu bảo tồn, đại diện Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam và các chuyên gia trong lĩnh vực.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết “Trong vòng hơn 20 năm qua, với sự nỗ lực của các bên liên quan, mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển ngày càng được mở rộng, phát triển và được Chính phủ ngày càng quan tâm; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là cơ sở để mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, bao gồm khu dự trữ sinh quyển, thông qua việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về đề cử và quản lý; hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, tổ chức hoạt động và nâng cao năng lực của các Ban quản lý; xây dựng các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển bền vững, cải thiện sinh kế cộng đồng tại các Khu dự trữ sinh quyển”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày và trao đổi, thảo luận theo các chủ đề bao gồm: Giới thiệu một số nội dung chính của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hướng dẫn triển khai Chiến lược tại địa phương; Hướng dẫn lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong Quy hoạch tỉnh; Kinh nghiệm quốc tế về quản lý tổng hợp Khu dự trữ sinh quyển của Chuyên gia quốc tế; Giới thiệu các quy định mới về quản lý Khu dự trữ sinh quyển; Hướng dẫn lập hồ sơ và đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới mới; Thực trạng và định hướng chiến lược phát triển mạng lưới và nâng cao hiệu quả quản lý các Khu dự trữ sinh quyển và các bài tham luận về định hướng hoạt động của một số Khu dự trữ sinh quyển tham gia Hội thảo.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học khẳng định “Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các bên liên quan, báo cáo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản hướng dẫn cho hoạt động quản lý các Khu dự trữ sinh quyển”.

Ảnh: Hướng dẫn thực hiện Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Định hướng quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam

Ngày 19/10/2022, UBND huyện Quế phong phối hợp với Trung tâm tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An tổ chức cuộc họp Ban điều hành (mở rộng) dự án “Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây Chè hoa vàng, cây Lùng, cây Mét và cây Bon bo nhằm giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng tại các xã vùng đệm Đồng Văn, Thông Thụ, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An”. Dự án là một trong ba Khoản tài trợ nhỏ (LVG) hỗ trợ phát triển sinh kế tại Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An thuộc khuôn khổ hoạt động của Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP.

Cuộc họp thu hút sự quan tâm và tham gia của Ban điều hành, các chuyên gia dự án, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hạt Kiểm lâm Quế Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn; Chủ tịch Hội LHPN, Chủ tịch Hội Nông dân các xã Đồng Văn, Thông Thụ; đại diện Ban quản lý và Ban giám sát cộng đồng 08 thôn bản tham gia dự án.

Trao đổi tại cuộc họp, Ông Bùi Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong đã đánh giá việc triển khai nhiệm vụ các hoạt động trong quý 3/2022 và xác định nhiệm vụ trọng tâm của quý 4/2022. Theo đó ưu tiên việc hoàn thành kế hoạch năm thứ nhất của Dự án, bao gồm: trồng, bảo vệ, xử lý thực bì, vệ sinh, chăm sóc, khai thác hợp lý bền vững diện tích 1.731,6 ha mô hình của dự án, trong đó Lùng 1.483,8 ha, Chè hoa vàng 134,5 ha; Mét 20 ha, Bon bo 92,5 ha; Xúc tiến thành lập các tổ hợp tác, nhóm cộng đồng để kết nối tiêu thụ sản phẩm và giải ngân thanh toán kinh phí cho 421 hộ gia đình tham gia, đảm bảo việc triển khai thực hiện mô hình năm 2022.

Ảnh: Hội Nghị Giao Ban Trực Tuyến