Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025 với chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững” (Harmony with nature and sustainable development), vào ngày 22/5/2025 tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) GmbH đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong việc triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) và thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NBSAP).
Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao, xếp hạng 16 trên thế giới với nhiều loài động, thực vật quý hiếm và nguồn gen hoang dã có giá trị cả về khoa học lẫn kinh tế. Hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên ngày càng được mở rộng với 178 khu bảo tồn, bao gồm rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và đất ngập nước. Trong số đó, nhiều khu vực đã được quốc tế công nhận như 9 khu Ramsar, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 12 vườn di sản ASEAN. Những thành tựu này là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong công tác bảo tồn thiên nhiên. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác bảo tồn đang phải đối mặt với những thách thức lớn do áp lực từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự xâm lấn của các loài ngoại lai.
Trước thực tế đó, tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường – ông Nguyễn Quốc Trị – nhấn mạnh vai trò tiên phong của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời kêu gọi sự đồng hành của toàn xã hội thông qua các hành động cụ thể như:
- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
- Triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái và đảm bảo tính kết nối sinh học.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và huy động nguồn lực tài chính cho bảo tồn.
- Tăng cường truyền thông, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội đối với việc bảo vệ thiên nhiên.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Cao Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình – khẳng định vai trò then chốt của địa phương trong công tác bảo tồn. Tỉnh sẽ lồng ghép các mục tiêu đa dạng sinh học vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng đầu tư vào các dự án phục hồi cảnh quan, bảo vệ hệ sinh thái và phát triển sinh kế bền vững cho người dân.
Đại diện tổ chức đồng hành, ông Patrick Haverman – Phó trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam – đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng khung pháp lý, chính sách minh bạch, cũng như sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc thực hành các nguyên tắc phát triển bền vững. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cộng đồng địa phương, phụ nữ và người dân tộc thiểu số như những nhân tố quan trọng trong quản lý và bảo vệ tài nguyên sinh học.
Ngay sau lễ kỷ niệm, các đại biểu đã tham gia Tour "Về nhà" – hoạt động tái thả động vật hoang dã sau khi được cứu hộ và phục hồi tập tính sinh tồn tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Tám cá thể Gà lôi trắng (Lophura nycthemera – Nhóm IB theo Nghị định 84) đã được tái thả về môi trường sống tự nhiên. Đây là hành động mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ loài và gìn giữ đa dạng sinh học cho thế hệ mai sau.
Thái Bá Thám
Văn phòng Ban Quản lý