Ngày 31/10/2019, Tại thành phố Hội An, Ủy ban Nhân dân TP. Hội An, Ban Quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An; Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo "Tổng kết công tác 2019 và phương hướng hoạt động 2020 thực hiện kế hoạch hành động Lima 'Thúc đẩy du lịch sinh thái trong các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam".
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Đại diện Ban Quản lý khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An, thành viên Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS.TS. Enny Sudarmonowati, Chủ tịch MAB ICC UNESCO, Chủ tịch MAB Indonesia, các chuyên gia bảo tồn đến từ Indonesia, Thailand, Jica Nhật Bản trong mạng lưới MAB Châu Á Thái Bình Dương; đại diện 09 khu DTSQ thế giới của Việt Nam: Cát Bà, Châu thổ Sông Hồng, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An, Đồng Nai, Cần giờ, Cà Mau, Kiên Giang, Langbiang, các ban ngành tại địa phương, các doanh nghiệp quan tâm cùng đông đảo các chuyên gia khoa học.
Đây là một trong những sự kiện quan trọng của UBQG MAB thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, được tổ chức luân phiên hàng năm tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam. Hội nghị có sự tham gia của Chủ tịch MAB ICC UNESCO, thu hút hơn 100 Đại biểu đến từ các sở ban ngành địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp. Hội nghị lần này với chủ đề "Thúc đẩy du lịch sinh thái trong các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam".
Tại Hội nghị các Đại biểu sẽ có cơ hội kết nối với Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam và khu vực; chia sẻ sự phong phú của môi trường sống không chỉ ở môi trường tự nhiên nguyên sơ mà còn về văn hóa, lịch sử và truyền thống - đây là một kho báu để bảo tồn trong tương lai cho các thế hệ. Những kinh nghiệm của mỗi khu SQTG sẽ là những điển hình tốt để chúng ta học tập. Với phương châm bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn, mỗi khu DTSQ đã tự xác định kế hoạch quản lý, xây dựng các kế hoạch hành động riêng.
Trong năm 2019, nổi bật nhất của MAB Việt Nam là sự kế thừa và tiếp tục thực hiện Kế hoạch Hành động LIMA 2016 - 2025 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện và triển khai; thể hiện vai trò Chủ tịch Hội đồng Điều phối MAB (ICC MAB) và được UNESCO đánh giá cao hoạt động của Chương trình MAB Việt Nam, cũng như hoạt động của các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.
Bộ KHCN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO và MAB Việt Nam tiếp tục hỗ trợ 05 đề xuất cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Đến nay, toàn bộ 09 Khu dự trữ sinh quyển đều có nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia nghiên cứu về các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội như du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa, sinh kế bền vững cho người dân,... góp phần vào phát triển bền vững cho địa phương. Các nhà khoa học trong lĩnh vực tự nhiên đã phối hợp liên ngành với các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, dân tộc, du lịch,... để tìm ra những mô hình phát triển bền vững. Trong năm 2019, có 02 nhiệm vụ sẽ được nghiệm thu cấp quốc gia.
MAB Việt Nam đã mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế, trong chuyến thăm và làm việc với khu dự trữ sinh quyển tại Cộng hòa Liên bang Đức đã ký kết hợp tác và cử tình nguyện viên hỗ trợ hai khu DTSQ Đồng Nai và Langbiang; cử các cán bộ khu DTSQ tham gia các Diễn đàn Thanh niên Sinh quyển, Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu Thanh niên Liên hiệp quốc, tại New York, Hoa Kỳ.
Hướng dẫn, Hỗ trợ khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An và Mũi Cà Mau đánh giá định kỳ 10 năm lần thứ nhất, MAB Việt Nam đã thông qua báo cáo và đệ trình Ban thư ký MAB quốc tế; Ban thư ký MAB quốc tế đã thông báo nhận đầy đủ báo cáo và sẽ có phản hồi sau kỳ họp MAB ICC năm 2020.
Phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái, VQG Núi Chúa và Chư Mom Ray xem xét tính khả thi và xúc tiến xây dựng hồ sơ đề cử các khu DTSQ tỉnh Yên Bái, Ninh thuận và Kon Tum.
Các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ Ban quản lý/Ban điều phối khu sinh quyển thế giới, các bên liên quan và người dân thực hiện các hoạt động/nhiệm vụ bảo tồn và phát triển.
Nghiên cứu khoa học được triển khai mạnh tại các khu SQTG. Các nhiệm vụ cấp quốc gia và nhiều đề tài cấp địa phương và các dự án quốc tế đã và đang được thực hiện tại các khu SQTG. Nội dung nghiên cứu đa dạng sinh học như nghiên cứu loài sinh vật, đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa - lịch sử, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sinh kế, nghiên cứu phát triển du lịch, nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tàng thiên nhiên, đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái, hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội...
Truyền thông giáo dục môi trường và quảng bá khu DSTQ là những hoạt động phổ biến trong báo cáo của các khu SQTG.
Kế hoạch Hành động Lima được coi là phương hướng chung, định hướng hoạt động cho toàn bộ mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam; Hầu hết các hoạt động trong năm 2019 của các khu SQTG của Việt Nam đều mới bắt đầu triển khai hoặc đang được tiến hành đúng hướng, các khu SQTG đang tiếp tục duy trì các hoạt động này trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch Hành động Lima; Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất cho tất cả các khu SQTG là sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ từ các UBND tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý, đây là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất đảm bảo cho sự thành công của các khu SQTG.
Toàn cảnh Hội thảo.
Năm 2020, MAB Việt Nam và các Khu DTSQ tiếp tục thực hiện kế hoạch của Việt Nam nhằm triển khai 04 mục tiêu chiến lược và 05 lĩnh vực hành động của Chiến lược MAB đến 2025 và kế hoạch hành động Lima; thúc đẩy cơ chế dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm, dịch vụ của các khu DTSQ, thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa mà các khu SQTG đã xây dựng và cam kết thực hiện, thúc đẩy du lịch sinh thái trong các khu DTSQ của Việt Nam.
Với vị thế là thành viên ICC, MAB Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế với các Ủy ban MAB của các quốc gia và hoạt động hợp tác giữa các Khu DTSQ của Việt Nam và Khu DTSQ trên thế giới trong mạng lưới MAB. Tham gia họp và trao đổi tại Ban Chấp hành về những định hướng chiến lược của MAB, đề xuất các dự án ưu tiên cho các nước đang phát triển trong thực hiện Kế hoạch hành động LIMA, trong đó có Việt Nam. Quảng bá những bài học thành công của các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động LIMA. Triển khai việc thực hiện Kế hoạch hành động LIMA tại các khu Dự trữ sinh quyển Việt Nam trong hợp tác quốc tế. Xây dựng kế hoạch dài hạn về khoa học công nghệ theo chủ trương UNESCO/MAB ‘Science-Policy-Society’, hướng dẫn cho các khu sinh quyển thế giới đề xuất.
Bộ KH&CN với vai trò là Trưởng tiểu ban Khoa học Tự nhiên sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Chương trình Con người và Sinh quyển cũng như các Khu DTSQ ở Việt Nam thực hiện các chiến lược và chương trình hành động của MAB, hướng tới thực hiện và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.