ngày 12 tháng 8 năm 2021
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An rất phong phú và đa dạng về lâm sản ngoài gỗ (2097 loài) trong nhiều năm qua đã được khai thác và sử dụng phục vụ cho các lĩnh vực của đời sống, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
* Khai thác chế biến Tre mét (tre nứa, lùng rừng tự nhiên và rừng trồng).
Nứa tự nhiên chủ yếu được nhân dân địa phương vùng gần rừng, liền rừng khai thác làm măng (làm thực phẩm), làm vật liệu xây dựng, và làm nguyên liệu giấy cho một số nhà máy (Giấy Sông Lam, Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Con Cuông). Mét rừng trồng chủ yếu được khai thác để làm vật liệu xây dựng (cọc chống), một số ít được dùng sản xuất đũa ăn (Tương Dương, Con Cuông). Lùng tập trung tại Quỳ Châu, Quế Phong được các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp (DN Khánh Tâm, huyện Quế Phong, Công ty TNHH Đức Phong), khai thác để làm Tăm Hương, hàng mây tre đan và than hoạt tính để xuất khẩu.
Rừng luồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Phương thức khai thác các loài Tre, Nứa, Mét, Lùng là khai thác chọn. Quy trình khai thác do Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, phê duyệt hồ sơ xin khai thác của các chủ rừng tổ chức. Đối với các hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quản lý hướng dẫn của UBND huyện, Hạt Kiểm Lâm, Phòng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện.
Sản lượng khai thác nguyên liệu tre nứa mét hàng năm của Nghệ An tăng lên hàng năm từ 2012 – 2018 (trừ củi) như dưới đây:
Bảng 4.1. Sản lượng khai thác vùng nguyên liệu mây tre. Đơn vị: 1.000 cây
Sản phẩm | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 |
Tre, mét | 3.150 | 5.323 | 5.530 | 5.762 | 6.277 | 6.792 | 7.307 |
Lùng,trúc | 23.417 | 20.718 | 21.880 | 22.744 | 24.541 | 26.338 | 28.135 |
Nứa | 34.470 | 29.883 | 29.750 | 30.494 | 31.451 | 32.408 | 33.365 |
Mây (Tấn) | 609 | 968 | 1.108 | 1.147 | 1.150 | 1.153 | 1.156 |
Măng tươi (Tấn) | 8.375 | 7.878 | 8.631 | 9.028 | 9.500 | 9.972 | 10.444 |
Củi (ste) | 2.609.615 | 2.117.512 | 2.130.500 | 2.130.000 | 2.404.500 | 2.394.100 | 2.450.000 |
(Nguồn số liệu từ niên giám thống kê tỉnh Nghệ An) - Báo cáo quy hoạch Mây tre đan
- Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An. Năm 2018 ước thực hiện kế hoạch
Công suất chế biến: toàn tỉnh mỗi năm sử dụng 52,5 triệu cây tre nứa trong đó làm bột giấy và XDCB là 35 triệu cây, chỉ có 17,5 triệu cây làm hàng tiểu thủ công nghiệp và thủ công mỹ nghệ, chiếm khoảng 22% lượng tre nứa khai thác trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm Mây tre đan thủ công mỹ nghệ vừa tiêu thụ trong tỉnh, trong nước, vừa xuất khẩu đi nước ngoài, chủ yếu sang Châu Âu hoặc đi Nhật.
*Khai thác, chế biến dược liệu dưới tán rừng.
Dược liệu dưới tán rừng trong nhiều năm qua chủ yếu do người dân khai thác theo nhu cầu của thương lái về chủng loại, số lượng, mùa vụ và giá cả của thị trường. Hầu hết các loài cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao đang mất dần khả năng khai thác lớn. Do khai thác liên tục nhiều năm, thiếu ý thức bảo vệ tái sinh, cộng với việc làm rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nên nhiều loài cây thuốc có trữ lượng lớn nhưng hiện nay bị giảm sút nghiêm trọng, mất dần khả năng khai thác hàng hóa như Hoàng Tinh hoa trắng, Bách Bộ, Bổ Béo đen, Cốt Toái bổ, Giảo Cổ lam, Phá Lửa, Ba Kích, Hoàng Đằng, Đẳng Sâm, Sa Nhân, Hoàng Thảo, Bình Vôi, Ngũ Gia bì chân chim, Ngũ Gia bì gai, Kê Huyết đằng.
Rừng nguyên sinh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
* Khai thác, chế biến Nhựa thông.
Thông Nhựa chủ yếu phân bổ tại các huyện đồng bằng, ven biển của các huyện, thị xã: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Đô Lương, Nam Đàn với diện tích 15.474,00 ha thuộc các chủ rừng: BQL rừng đặc dụng Nam Đàn, BQL rừng phòng hộ Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu, công ty TNHHMTV lâm nghiệp Đô Lương, các hộ gia đình và UBND các xã nơi chưa giao được rừng. Nhựa thông thu gom và bán nhựa thô cho các nhà máy chế biến nhựa thông tại Hoàng Mai, Quảng Ninh hoặc xuất nguyên liệu thô đi nước ngoài.
* Khai thác, chế biến cao su.
Cao su đã và đang khai thác chủ yếu do các nông trường, hộ gia đình trồng tại các huyện, thị Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp. Cao su trồng trên đất lâm nghiệp của công ty CP cao su Nghệ An, Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu mới trồng từ 2012 trở đi, số diện tích trồng năm đầu tiên đã bắt đầu khai thác thử nên sản lượng chưa đáng kể. Cao su được chế biến thô thành mủ crếp các loại làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp như sản xuất lốp ô tô, vải tráng cao su…
Các loài LSNG khác chưa thống kế được đầy đủ và có số liệu chính xác. Đã thống kế được các loại sản phẩm như sau:
Thống kê sản lượng khai thác nhựa thông, mủ cao su. ĐVT: Tấn
Sản phẩm khai thác | Năm 2012 |
Năm 2013 |
Năm 2014 |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
Nhựa thông | 2.655 | 3.022 | 3.128 | 3.342 | 3.510 | 3.684 | 3.500 |
Mủ cao su (mủ khô) | 4.600 | 4.600 | 5.000 | 4.800 | 4.900 | 6.670 | 8.204 |
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Nghệ An và Báo cáo SCT năm 2011-2017, báo cáo tổng kết thực hiện NQTW 7 về Nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Nghệ An, năm 2018 Ước KH thực hiện.
* Sử dụng LSNG của người dân địa phương
Theo kết quả thống kê từ 30 phiếu phỏng vấn người dân và 30 cán bộ quản lý lâm nghiệp cho thấy, 100% các hộ đều sử dụng LSNG cho các sinh hoạt hàng ngày; 95% số hộ tham gia khai thác LSNG để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình và để bán. LSNG được người dân sử dụng phổ biến nhất là để ăn (rau, củ, trái cây, gia vị, dầu ăn,...), làm thuốc chữa bệnh cho người và vật nuôi, làm thức ăn chăn nuôi, đồ dùng trong gia đình như mâm, ghế, bàn, váy, áo, chăn, gối, khăn,... dùng trong xây dựng như làm nhà, lợp nhà, làm hàng rào, làm giàn cho cây leo, cột chống,... Ngoài ra, LSNG còn được sử dụng để làm giá thể trồng nấm, cải tạo đất, làm đẹp, làm các dụng cụ hoặc trò chơi trong lễ hội, làm dầu đốt, diệt côn trùng, dòi bọ, săn bắt và đánh cá,... Bảng 4.3 thống kê kết quả phỏng vấn về tỷ lệ số hộ khai thác và sử dụng các nhóm LSNG vào các mục đích khác nhau.
Bảng 4.3. Tỷ lệ số hộ gia đình khai thác, sử dụng các nhóm LSNG
TT | Mục đích sử dụng LSNG | % số hộ khai thác LSNG | % số hộ sử dụng LSNG | |
Dùng trong gia đình | Để bán | |||
1 | Nhóm cây sợi (song, mây, tre, nứa,…) | 95% | 100% | 58,5% |
2 | Nhóm cây cho thực phẩm | 96% | 100% | 62,5% |
3 | Nhóm cây làm thuốc | 88,2% | 79,2% | 71% |
4 | Nhóm cây dầu nhựa, nhựa dầu, tinh dầu | 51% | 32% | 10% |
5 | Nhóm cây cho tanin, thuốc nhuộm | 55,5% | 45,2% | 0% |
6 | Nhóm cây khác | 63% | 82% | 25% |
Phương pháp và công cụ khai thác LSNG truyền thống của người dân địa phương sống ở miền tây Nghệ An là phương pháp thủ công: hái bằng tay, chặt bằng dao, cắt bằng hái, đào bằng cuốc thuổng,... Trước đây lượng lượng thu hái không nhiều, chủ yếu tự cung cự cấp, và việc thu hái diễn ra hàng ngày thì người dân thường có ý thức bảo vệ, giữ gìn và để dành cho những lần thu hái sau. Tuy nhiên, từ khi LSNG trở thành hàng hóa với nhu cầu thu mua lớn, người khai thác đông, lượng khai thác lớn, địa bàn khai thác rộng khắp,... thì người dân bắt đầu có tâm lý “tranh phần”, họ thi nhau vào rừng thu hái, dù rừng đã được giao khoán và có chủ, nhưng chỉ là đất đai và gỗ, còn LSNG vẫn là “tài nguyên chung”, vì thế không ai bảo vệ, mọi người mặc sức khai thác. Để thu hái được nhiều nhất có thể, người dân địa phương đã sử dụng nhiều biện pháp khai thác hủy diệt và cạn kiệt, sau đây là một số ví dụ:
- Để khỏi phải trèo cây hái quả (trám, sấu, tai chua,...), người dân đã làm cây rụng quả bằng cách đẽo vỏ, rịt tro và muối vào vết đẽo, khiến cây không chỉ rụng quả mà rụng luôn cả lá và chết khô.
- Khi khai thác Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria) hoặc Huyết đằng (Millettia reticulata), người dân thường tận thu, đào cả bụi, lấy hết toàn bộ từ cành, thân đến gốc, rễ nên cây mất cơ hội tái sinh.
- Khi thu hái Lan kim tuyến (Anoectochilus sp.), để tiết kiệm thời gian, người dân thường “vơ sạch, nhổ sạch”, mang về nhà mới hái lại và bỏ đi phần gốc rễ, vừa lãng phí vừa làm cây lại mất cơ hội tái sinh.
- Lá cây Khôi tía (Ardisia silvestris) thường được các thầy lang địa phương dùng để trị bệnh dạ dày, họ thường chỉ hái những lá khá già và hái vào mùa, vào giờ nhất định tùy vào thể trạng của người bệnh. Nhưng từ khi lá Khôi tía được thu mua thì mọi người dân địa phương đều thu hái, để được nhiều, họ thường bẻ ngang thân, hoặc ngang ngọn, làm cây trọc hết lá, mất cơ hội tái sinh.
- Trước đây, các “ông lang, bà mế” cũng thường thu hái Cẩu tích (Cibotium barometz), Thiên niên kiện (Homalomena occulta), Thổ phục linh (Smilax glabra) để trị các bệnh đau nhức xương khớp, nhưng họ chỉ thu hái từng phần, từng đoạn gốc của bụi cây nên cây vẫn tiếp tục phát triển. Còn trong nhiều năm gần đây, việc thu hái ồ ạt để bán sang Trung Quốc khiến những loài này bị tận diệt. Người dân khai thác tới đâu thì “đào hết, lấy sạch” tới đó, hậu quả không chỉ mất rừng mà còn xói mòn, rửa trôi đất đai.
- Các loài song mây, nứa, giang, lụi, móc... trong rừng cũng bị khai thác bừa bãi, không lựa chọn theo kích thước thân, hoặc theo tuổi, thậm chí khai thác cả khóm, tút cả ngọn để làm rau,... khiến nguồn tài nguyên này cạn kiệt.
Hiện nay, hầu hết các điểm thu mua đã đóng cửa, nhiều loài LSNG đã cạn kiệt, thậm chí lâm vào tình trạng nguy cấp. Để gia tăng giá trị của rừng và cải thiện thu nhập, đời sống của người dân, rất cần bảo tồn các loài LSNG giá trị hiện còn, có phương án khai thác bền vững với các loài còn trữ lượng và có khả năng tái sinh tốt, tìm biện pháp gây trồng và phát triển các loại LSNG mà thị trường đang cần.
Nguyễn Văn Điệp
BQL Chương trình PTLNBV