KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

Phát triển kinh tế tuần hoàn, xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay

Chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu phát thải ra môi trường là một yêu cầu cấp thiết. Không chỉ giải quyết các vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh và giảm chi phí nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất của các doanh nghiệp.

Kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng xanh và kinh tế bền vững tại Việt Nam, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Mô hình này dựa trên nguyên lý cơ bản: "đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác". Kinh tế tuần hoàn hoạt động theo chu trình khép kín, trong đó chất thải từ một hoạt động trở thành nguyên liệu cho một hoạt động khác, giúp tối đa hóa giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên trong nền kinh tế. Điều này không chỉ giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên đầu vào mà còn hạn chế phế thải, ô nhiễm môi trường và khí thải.

Phát triển bền vững, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang là xu thế của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Từ năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được quy định rõ ràng trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 142) và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ hướng tới việc giảm khai thác tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu chất thải và tác động xấu đến môi trường.

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022, khẳng định việc phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, phù hợp với yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Dự kiến, Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030.

Để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông lâm nghiệp, cần chú trọng một số nội dung sau:

- Giảm khí thải carbon: Áp dụng các giải pháp tiên tiến như sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất năng lượng để giảm thiểu khí nhà kính.
- Giảm dấu chân nước: Tái chế nước hiệu quả và tối ưu hóa quá trình sử dụng nước trong sản xuất.
- Giảm ô nhiễm nhựa: Cam kết giảm thiểu lượng nhựa sử dụng trong sản xuất và bao bì sản phẩm.
- Giảm chất thải: Áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải, giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường và tối đa hóa việc tái sử dụng tài nguyên.
Thông qua hệ thống chính sách và pháp luật hướng tới phát triển xanh, Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, đồng thời thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Việt Nam hiện đang đối mặt với các thách thức lớn như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đặc biệt khi dân số gia tăng và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, sự chuyển đổi chậm từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống khiến tình trạng tài nguyên cạn kiệt, rác thải gia tăng và ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn là giải pháp cấp bách giúp giải quyết vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp..

Thái Bá Thám
Văn phòng Ban Quản lý