Ngày 12 tháng 12 năm 2021
Miền tây Nghệ An là vùng núi non trùng điệp, giàu có về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của 6 dân tộc ( Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Mông) đã tạo ra cho nơi đây nhiều sản phẩm độc đáo mang nét đặc trưng bản địa.
Mỗi dân tộc có mỗi nét phong tục, tập quán riêng, có ngành nghề truyền thống riêng. Đồng bào dân tộc Thái với những bức thổ cẩm rực rỡ thì đồng bào dân tộc Mông miền Tây Xứ Nghệ được nhiều người biết đến với nghề rèn truyền thống mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình. Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông tại huyện Kỳ Sơn có từ lâu đời, gắn liền với hoạt động sống và canh tác ở vùng cao. Ở Nghệ An, nghề rèn đã theo người Mông ở phương Bắc vào từ xa xưa.
Ở các xã vùng cao có người Mông sinh sống như Nậm Càn, Na Ngoi, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Mường Lống, Tây Sơn, Tà Cạ… hầu như bản nào cũng có một vài người làm nghề rèn vừa phục vụ cho gia đình, phục vụ bà con dân bản vừa kiếm thêm thu nhập.
Người thợ đang rèn sản phẩm một cách tỉ mỉ
Trước đây, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể rèn nên những sản phẩm bền đẹp, tinh xảo. Thợ rèn giỏi người Mông chỉ cần gõ nhẹ vào dao là đã biết tốt hay xấu. Thợ rèn giỏi thường được sinh ra trong những gia đình có nghề rèn truyền thống. Và bí quyết rèn của họ được lưu truyền qua dòng họ, gia đình.
Muốn có một cái dao tốt người thợ rèn phải chuẩn bị kỹ mọi công đoạn. Ngày xưa, rèn dao không có sắt tốt như bây giờ nên người thợ phải lấy thau sắt đập bỏ hết lớp sơn bên ngoài đem nấu. Còn bây giờ thì loại được ưa dùng nhất là nhíp ô tô.
Khi đốt phải dùng loại than củi của những loại cây khó cháy, cháy lâu mới đảm bảo độ nóng của sắt. Trong lúc rèn, nếu tôi thép non quá thì sản phẩm hay bị móp, ngược lại tôi già quá sẽ hay bị mẻ.
Mọi công đoạn đều cần sự chính xác về độ nóng của than
Ngày nay, trong một số công đoạn làm rèn, người Mông đã sử dụng máy móc, như quạt thổi lò, máy mài. Nhờ máy móc hiện đại, thợ rèn người Mông có thể làm nhanh, làm đẹp
Với đồng bào dân tộc Mông, ngoài phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, nghề Rèn còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mình.
Phan Thị Thu Hiền – BQL Chương trình PTLN bền vững gđ 2016-2020