(Baonghean.vn) - Để phát triển nhanh bền vững ngành công nghiệp, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ thì Nghệ An cần phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cần phát triển rừng kinh doanh theo chuỗi giá trị, hướng tới công nghệ hiện đại.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Trường
Sáng 25/3 tại TP. Vinh, UBND tỉnh tổ chức “Hội thảo định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035”. Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp về lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản của Việt Nam.
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Nghệ An có diện tích rừng lớn nhất cả nước với trên 1.160.000 ha rừng, phong trào trồng rừng khá mạnh, hàng năm trồng mới được 15.000 - 19.000 ha, sản lượng khai thác rừng trồng hàng năm đạt 1.659.000 m3.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Văn Trường
Chế biến dăm gỗ đạt 700.000 - 1.000.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 110 - 130 triệu USD. Lâm nghiệp Nghệ An có những tiềm năng, lợi thế như: Nguồn nhân lực dồi dào, kỹ năng trồng rừng thâm canh và ý thức quản lý bảo vệ rừng của người dân tốt. Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi để kết nối các vùng miền.
Tuy nhiên, việc trồng rừng nguyên liệu, khai thác chế biến lâm sản của tỉnh Nghệ An vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Rừng nguyên liệu gỗ nhỏ chiếm phần lớn, chưa có diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC, các doanh nghiệp, nhà đầu tư được phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu nhưng chậm hoặc không triển khai.
Các doanh nghiệp chủ yếu khai thác xuất khẩu nguyên liệu thô (gỗ dăm), chưa có sản xuất chế biến sâu, chưa tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và chế biến, thị trường chủ yếu là Trung Quốc. Việc phát triển lâm sản ngoài gỗ nói chung và dược liệu nói riêng cơ bản đang dừng lại ở quy hoạch…
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu sản phẩm gỗ ép cho các đại biểu TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Trường.
Để ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phát triển tương xứng tiềm năng, Nghệ An đưa ra các giải pháp từ năm 2020 đến 2025: Nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Phát triển nghề rừng, kinh tế rừng theo chuỗi từ quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa.
Phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ 283.562 ha rừng nguyên liệu gỗ (khai thác, trồng lại 145.526 ha; trồng mới 129.559 ha; cải tạo rừng tự nhiên 8.477 ha). Bảo vệ khai thác tốt 106.698 ha rừng tre, nứa, lùng tự nhiên. Rà soát, xây dựng, bổ sung quy hoạch chế biến lâm sản tỉnh Nghệ An. Đánh giá quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà đầu tư. Xác định lựa chọn nhà máy chế biến, lĩnh vực trọng điểm để ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Nâng cao chất lượng rừng
Tham luận của các đại biểu tại hội thảo tập trung vào các vấn đề: Để phát triển nhanh bền vững ngành công nghiệp, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ thì Nghệ An cần phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cần phát triển rừng kinh doanh theo chuỗi, hướng tới công nghệ hiện đại.
Quy hoạch phát triển sản xuất cho lâm nghiệp, xác lập cụ thể từng loại hình, công suất của từng loại sản phẩm đảm bảo độ cân bằng trong sản xuất (ván MDF, ván dăm, ghép thanh, đồ mộc …). Khuyến khích khai thác cây keo trên 15 tuổi tạo sản phẩm tốt xuất khẩu và môi trường. Công nghệ và thị trường gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, một số kinh nghiệm và giải pháp phát triển cụm công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Nghệ An.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu; trân trọng tiếp thu các ý kiến tư vấn, tham vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nhân; học tập kinh nghiệm, cách tiếp cận của các tỉnh bạn, các Hiệp hội gỗ và lâm sản của các địa phương.
"Từ kết quả của Hội thảo, chúng tôi xác định một số định hướng chính, như sau: Tiếp tục nâng cao công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư đúng thời gian quy định.
Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, khuyến công để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư trên địa bàn. Tổ chức các chương trình khảo sát thị trường, tìm kiếm nguồn nguyên liệu theo nhu cầu của doanh nghiệp, cải tiến công nghệ sản xuất" - đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh.
Nghệ An sẽ tổ chức các chương trình đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, giới thiệu cơ hội đầu tư...
Phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, áp dụng các biện pháp thâm canh, sử dụng giống chất lượng cao để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng rừng trồng và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cả nước và trên thế giới.
Tham mưu hủy bỏ các quy hoạch vùng nguyên liệu đã được phê duyệt nếu nhà đầu tư không thực hiện và có chính sách liên kết cụ thể với các hộ trồng rừng.
Ở Nghệ An đa số đang khai thác rừng non. Ảnh tư liệu: Văn Trường
Bên cạnh đó, đầu tư cụm công nghiệp chế biến gỗ tập trung các doanh nghiệp chế biến gỗ nội ngoại thất xuất khẩu và các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành chế biến gỗ (như: sản xuất bulong, ốc vít, tay nắm cửa, bản lề…).
Nghiên cứu, thành lập Hội chế biến gỗ và lâm sản Nghệ An làm cầu nối liên kết các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh và cả nước. Phấn đấu Nghệ An trở thành trung tâm chế biến gỗ lâm sản ngoài gỗ lớn nhất Bắc Trung bộ.