KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

LỄ HỘI ĐỀN VẠN CỬA RÀO-HUYỆN TƯƠNG DƯƠNG

Lễ hội được tổ chức vào ngày 20-22 tháng 1 âm lịch tại Đền Vạn, thuộc xã Xã Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Cách thành phố Vinh 205 Km về hướng tây bắc theo quốc lộ 7 từ Ngã Ba Diễn Châu bằng đường bộ, hoặc theo đường thuỷ từ Bến Thuỷ ngược sông Lam độ 300 Km là Di tích Đền Vạn-Cửa Rào. Một di tích lịch sử văn hoá được công nhận và xếp hạng thuộc huyện Tương Dương - Vùng đất Trà Lân trong sử sách với những võ công oai hùng của cha ông "... Miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay..."

                                                    Đền Vạn-Cửa Rào nhìn từ ngoài

Theo các bậc cao niên trong vùng kể lại, ban đầu đây chỉ là một ngôi Miếu nhỏ được người dân địa phương dựng lên vào khoảng đầu thế kỷ XIV trên Cồn Đền - Khu vực ngã ba sông nơi hợp lưu giữa dòng Nậm Mộ, Nậm Nơn - hai dòng sông nhánh chính của sông Lam (sông Cả) để ghi nhớ công ơn và thờ cúng đoàn Nhữ Hài (1280- 1335) cùng các tướng sỹ thời Trần phụng mệnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông dẹp giặc Ai Lao quấy nhiễu bờ cõi Tây Nam, đã tử trận tại đây. Sau đó, ngôi miếu được người dân làm nghề vạn chài ở các huyện đô Lương, Anh Sơn… lên làm ăn, buôn bán lập nghiệp, trước những linh thiêng của Miếu đã góp tiền của, công đức tôn tạo thành ngôi Đền và đưa Tam Toà Thánh Mẫu vào phối thờ. Ngày trước, Đền có tên gọi là Đền Trần (thờ đoàn Nhữ Hài và tướng sỹ nhà Trần tử trận)  hay còn gọi là Đền Vạn   (vì   nằm ngay tại vị trí Ngã ba sông). Nay Đền chính thức mang tên là Đền Vạn - Cửa Rào (Cửa Rào - cửa sông, tiếng địa phương) nay thuộc xã Xá Lượng huyện Tương Dương (Nghệ An). Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhất là qua hai cuộc chiến tranh, ngôi Đền bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng trong tâm thức của đồng bào các dân tộc huyện miền núi Tương Dương vẫn nguyên những giá trị văn hoá tâm linh. Năm 2005,  Đền  Vạn - Cửa Rào được trùng tu theo đúng kiến trúc ban đầu. Năm 2006, thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc tại đây trước những giá trị văn hoá tâm linh của ngôi  Đền thiêng, UBND huyện Tương Dương đã lập tờ trình và hồ sơ  khoa học đề  nghị  công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử  cho ngôi Đền. Qua quá trình khảo sát, nghiên  cứu thẩm định khoa học,đầu năm 2009 Đền Vạn - Cửa Rào chính thức được công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh với một Lễ hội văn hoá truyền thống được công nhận và tổ chức hàng năm.
Toạ lạc trên Cồn Đền, một quả đồi thấp có diện tích 11.268 m2 tại vị trí ngã ba sông, nơi vào năm 1985 đã phát hiện ra nhiều hiện vật chứng minh sự có mặt rất sớm của người Việt cổ tại đây thông qua những rìu đá, rìu đồng, chuông đồng, các loại vũ khí bằng đồng. Đền Vạn - Cửa Rào nằm theo hướng đông Nam.  Bên phải, bên trái là  hai dòng sông Nậm Mộ và Nậm Nơn, trước mặt là dòng Sông Lam. Đền là một công trình kiến trúc có giá trị văn hoá lịch sử, có kiến trúc theo lối chữ Nhị gồm nhà Bái đường có ba gian hai hồi diện tích 86,3 m2 lợp ngói âm dương, hai đầu hồi đắp nổi Lưỡng Long chầu Nguyệt cùng với hai chim Phượng ngậm giải lụa đang vỗ cánh bay lên. Nhà Hậu cung cũng có ba gian hai hồi nhưng diện tích nhỏ hơn nhà Bái đường (52,89 m2) kiến trúc theo kiểu nhà Tứ trụ. đây chính là nơi thờ cúng các vị Thần được thờ trong Đền, ngoài bài vị các tướng sỹ triều Trần tử trận là ba pho tượng Tam Toà Thánh Mẫu và 5 pho tượng Ngũ vị Tôn Ông có chiều cao 0,70 m mỗi pho. Ngày trước, hàng năm vào ngày Mùng 7 tháng Giêng đồng bào tại đây thường tổ chức Lễ tế cầu  mưa thuận gió hoà với các hoạt động văn hoá tâm linh đa dạng  mang đậm bản sắc  vùng miền như Lễ rước thần trên sông,Lễ cầu đồng.
Lịch sử và truyền thuyết kể lại rằng: Vào thời Trần, khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Trần Anh Tông để lui về làm Thái Thượng Hoàng. Nghệ An là vùng đất phên dậu với Ai Lao, thường bị giặc Ai Lao quấy nhiễu tại miền đất Nam Nhung (thuộc Tương Dương ngày nay). Năm 1335, quân Ai  Lao  xâm  phạm  bờ  cõi  và  chiếm Nam Nhung. Thượng Hoàng Trần Nhân Tông thân chinh đem quân đi đánh dẹp và cử đoàn Nhữ Hài lúc đó đang quản lĩnh hai hiệu quân Thần Sách, Thần Vũ kiêm Kinh lược sứ Nghệ An làm đốc tướng. Quân Trần đến đâu, giặc Ai Lao  tan  đến  đó. Lúc bấy giờ đại quân Ai Lao cùng với voi chiến, ngựa chiến đang lập đồn  trại ở ấp  Nam Nhung dọc hai bờ khúc sông Tiết La thượng nguồn sông Lam. Trong trận đánh này, đạo quân của đoàn Nhữ Hài bị quân Ai Lao mai phục. Hai bên đánh nhau ác liệt,  do quân sỹ nhà Trần gặp khi thời tiết bất lợi, sương mù dày đặc, nước sông chảy xiết
...bị tổn thất nhiều.đoàn Nhữ Hài tử trận khi đang chỉ huy quân phá giặc. Sau khi đoàn Nhữ Hài tử trận, quân Trần dẹp xong giặc Ai Lao. Thương tiếc vị tướng quân trung nghĩa và các tướng sỹ tử trận, đồng bào trong vùng đã lập miếu thờ hương khói bốn mùa và gọi là Đền Trần. Tương truyền Miếu rất thiêng,  người  dân sở tại mỗi lần cầu xin bất cứ điều gì đều linh ứng.
Khoảng những năm cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIX, vùng đất ngã ba sông này còn hoang vắng. Hai dòng Nậm Nơn - Nậm Mộ lắm cá nhiều tôm, dân cư thưa thớt.  Một bộ phận cư dân làm nghề vạn chài ở các địa phương miền xuôi dọc hai bờ sông Lam ngược lên làm ăn buôn bán. Thấy đây là vùng đất đẹp,  người địa phương nhân  hậu mến khách, họ dừng chân cắm sào ở lại lập nghiệp. Thấy trên quả đồi thấp tại ngã ba sông có ngôi Miếu nhỏ nhưng nổi tiếng linh thiêng. Là  những cư  dân làm nghề  sông nước,  thường xuyên ngược thác, xuôi ghềnh trên thượng nguồn sông Cả.  Từ  trong tâm thức vẫn thờ Tam Toà Thánh Mẫu gồm ba ngôi đó là Mẫu Liễu Hạnh (Bà Chúa Liễu Hạnh) Mẫu đệ Nhất- Một trong Tứ bất tử trong tâm thức dân gian Việt   Nam. Mẫu Thượng Ngàn - Mẫu đệ Nhị- tương truyền là công chúa  La Bình con gái  của Thánh Tản Viên và Nàng Mỵ Nương con gái Hùng Vương thứ 6 (Thánh Tản Viên cũng là một trong Tứ bất tử trong tâm thức dân gian) và Mẫu Thoải- Mẫu đệ Tam-Vị  nữ Thần xuất hiện từ thời Kinh Dương Vương theo truyền thuyết cư dân vùng Ngàn Hống (Nghệ Tĩnh) có công lớn trong việc trị thuỷ, diệt trừ thuỷ quái.Với họ đây là những vị  thánh thường xuyên phù hộ độ trì cho việc làm ăn. Trước ngôi Miếu thiêng  tại miền biên ải, nhận được sự đồng cảm của cư dân sở tại, họ đã cùng nhau góp tiền của, công sức để nâng cấp xây dựng ngôi Miếu thành một ngôi Đền lớn ngay tại vị trí  cũ. Ngôi Đền được xây xong, những cư dân này đã về xuôi thỉnh và đưa Tam Toà  Thánh Mẫu lên phối thờ tại Đền Trần, cũng từ đó  ngoài tên  gọi Đền Trần  từ trước,  ngôi Đền còn được gọi là Đền Vạn. Từ năm 2005, thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc tại đây, sau khi được trùng tu, ngôi Đền chính thức mang tên Đền Vạn -  Cửa Rào. Với những giá trị lịch sử văn hoá đã ăn sâu vào tâm thức dân gian, mùa xuân năm 2009 Đền Vạn- Cửa Rào chính thức được công nhận và đón  nhận  bằng Di  tích văn hoá cấp tỉnh. đây là Di tích lịch sử văn hoá có bề dày truyền thống với một Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào được phục dựng và chính thức trở thành Lễ hội chính đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu trong đời sống văn hoá của  đồng bào các dân tộc  vùng đất  lịch sử " Trận Bồ đằng sấm vang chớp giật- Miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay...".
Theo lệ xưa, người dân sở tại hàng năm vào dịp Tết Khai hạ thường tổ chức Lễ cầu cúng trong phạm vi nhỏ vào ngày Mùng 7 tháng Giêng để cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, vạn vật sinh sôi với đầy đủ những phẩm vật tế khí do chính các quan viên, chức sắc địa phương chủ trì và tham dự. Vào buổi tối, ngay trước sân Đền, mọi người thường tổ chức múa hát theo những nghi thức tâm linh. Ban ngày làm Lễ tế  Thần. Theo tục xưa, để tế lễ, dân làng mổ thịt một con trâu đực to khoẻ được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt để dâng lên các đấng thần linh. Chủ tế nhất thiết là Trưởng bản hoặc vị Trùm vạn. Sau Lễ tế Thần, mọi người cùng nhau tham gia các trò vui dân gian thể hiện tinh thần thượng võ và mang đậm bản sắc văn hoá như Kéo co, đấu vật, bắn  nỏ, đua thuyền trên sông Lam, chọi gà, Thi hội cồng chiêng, hát Nhuôn, hát Xuối, nhảy sạp.... Ngoài Lễ chính vào ngày Mùng 7 tháng Giêng, cư dân sở tại còn tổ chức Giỗ Mẫu vào ngày Mùng 3 tháng 3 âm lịch, Lễ Phật đản  8/4 và Rằm tháng  7 với  những nghi lễ trang nghiêm thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành lễ. Mùa xuân năm 2010, trên cơ sở thực tế sinh hoạt đời sống của đồng bào các dân tộc tại đây, nhằm từng bước đưa Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào xứng với những giá trị lịch sử, trở thành một Lễ hội mang tầm vùng miền.Thể theo nguyện vọng của đồng bào, thay vì được tổ chức vào dịp Tết khai hạ Mùng 7 tháng Giêng hàng năm, Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào chính thức được tổ chức trong các ngày từ 20 đến 22 tháng Giêng hàng năm. đến với Lễ hội, ngoài những nghi thức, hoạt động văn hoá, thể thao, du khách trong và ngoài địa phương đến tham dự còn được tham gia các hội thi mang đậm dấu ấn văn hoá vùng miền như Hội thi viết chữ Thái Lai Pao, Hội trại truyền thống, đêm hội thi Người đẹp Đền Vạn - Cửa Rào, thi văn hoá ẩm thực với các món ăn truyền thống của đồng các dân tộc tại đây. Các cuộc thi thực sự sôi nổi cuốn hút những quan tâm chú ý và hưởng ứng của mọi  người. điều đáng quan tâm trong mùa Lễ hội hàng năm đó là Nhà máy  thuỷ điện Bản Vẽ đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2010. Với một vùng lòng hồ có lưu vực trên 8 Km2 mênh mông đẹp như một bức tranh thuỷ mạc chỉ cách vị trí tổ chức Lễ hội trên 14 Km trên một tuyến đường trải nhựa. Hẳn mỗi lần Đền Vạn - Cửa Rào khai hội, du khách thập phương lại có dịp thực hiện một chuyến du lịch sinh thái kỳ thú với non xanh nước biếc của hồ.

                                                                                                                                                                             Nguyễn Văn Phúc
                                                                                                                                                                      Cán bộ BQL Dự Án FMCR