Lễ hội được tổ chức vào ngày 24-25 tháng 12 âm lịch tại đền Pu Nhạ thầu, thuộc xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Lễ hội Pu Nhạ Thầu diễn ra hàng năm diễn ra với các nghi thức: Lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động giao lưu văn nghệ, thi trang phục dân tộc và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc (kéo co, đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ...). Đây là dịp để đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn gửi gắm tâm linh, vui chơi giải trí để bắt đầu một mùa sản xuất mới, cũng là dịp để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Sự tích kể lại rằng, thuở xa xưa, công chúa La Bình, con gái Sơn Tinh và Mị Nương là một người có bề dày tâm đức và tài năng, thích chu du khắp các núi rừng, hang động để bảo ban giúp đỡ dân lành, giúp bản làng có cuộc sống yên vui, sung túc.Với lòng ngưỡng mộ, được bà con 9 bản 10 mường suy tôn là Mẫu Thượng Ngàn (mẹ của núi rừng). Khi công chúa không còn nữa, nhân dân đã lập miếu thờ. đến thế kỷ XIII, giặc Ai Lao xâm lấn vùng đất này, Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông nhiều lần cất công đi dẹp giặc và đã cử đốc tướng đoàn Nhữ Hài chỉ huy quân thần vũ và quân Nghệ An trấn thủ, giữ yên bờ cõi Tây Nam của đất nước. Khi vào tới đất Nam Nhung thuộc Mộc Châu (nay thuộc 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương) tướng quân nhà Trần chọn một ngọn núi cao thuộc bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm làm trung tâm doanh trại để quan sát giặc, vừa có điều kiện luyện binh. để bảo vệ bản làng yên vui, đồng bào nơi đây góp công sức, cung cấp lương thực cho binh lính, động viên con em gia nhập đoàn quân.Trong đó, có một người phụ nữ tuổi đời đã cao vẫn động viên chồng con tham gia đánh giặc. Người chồng làm quân lính trực tiếp chiến đấu, con trai làm nhiệm vụ bảo quản kho vũ khí và lương thực. Người phụ nữ đó trực tiếp làm giao liên, lên xuống núi để tiếp tế quân lương. Quân giặc biết quân ta đang tập trận trên núi đã tìm kế đánh úp bất ngờ. Nhưng đốc tướng đoàn Nhữ Hài kịp thời phát hiện được và cho quân vòng theo sườn núi đến ngã 3 sông để chặn bọn chúng lại. Nhưng cũng không may bị chúng phục sẵn voi ngựa ở sông Tiết La và đã tiêu diệt gọn quân lính của ta.
đốc tướng đoàn Nhữ Hài cũng bị chìm chết ở ngã ba sông này. Sau khi đoàn Nhữ Hài qua đời, triều đình nhà Trần giao cho nhân dân vùng ấp Nam Nhung lập đền thờ và tổ chức cúng tế vào dịp cuối năm, sau khi thu hoạch xong mùa màng. Người mẹ nuôi quân cũng không còn nữa và ngọn núi cao này được đặt tên là Pu Nhạ Thầu. Dân bản tôn vinh người phụ nữ này như người mẹ của núi rừng. Thấy công lao to lớn của đốc tướng nhà Trần và sự hy sinh của người mẹ già nuôi quân, nhân dân bản Na Lượng đã rước linh hồn của các vị về phối thờ ở Miếu thờ Mẫu Thượng Ngàn và được xây dựng thành đền thờ. Từ đó, nhân dân các bản làng đến thắp hương cứ quen gọi là đền nhà Trần hoặc đền Pu Nhạ Thầu. Trong kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi lãnh đạo nghĩa binh từ Thanh Hóa theo con đường Thượng đạo tiến quân về miền Trà Lân, khi đi qua miếu thờ này, được các vị thần báo mộng giúp quân của Lê Lợi đánh thắng được bọn giặc Minh ngay tại thành Trà Lân. Sau kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, nhân dân đã tổ chức lễ tạ ơn tại miếu thờ.
Sự tàn phá của chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt, đến nay, đền thờ đã bị hư hỏng nặng và mất hết các đồ tế khí. Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân bản Na Lượng đã góp công góp của dựng lại một gian thờ tại vị trí này để tổ chức cúng tế hàng năm.
Trải qua bao biến động của thời gian, đến nay ngôi đền đã được phục dựng nhưng quy mô còn khá khiêm tốn và hàng năm được tổ chức cúng tế vào dịp thu hoạch xong mùa màng. đền Pu Nhạ Thầu đã được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử - văn hóa. đây là cơ sở pháp lý để các cấp các ngành liên quan và nhân dân tổ chức trùng tu, phát triển quy mô đền thờ và nâng cấp lễ hội trong thời gian tới. Rồi đây đền Pu Nhạ Thầu sẽ được xây dựng lại khang trang, xứng đáng với công lao các vị thần được thờ trong đền và lễ hội đền Pu Nhạ Thầu sẽ là điểm đến tâm linh của người dân vùng Tây Nam Nghệ An và du khách thập phương.
Nguyễn Tiến Hưng
BQL Khu DTSQ miền Tây Nghệ An