Lễ hội được tổ chức vào ngày 9-10 tháng 2 âm lịch tại Đền Bạch Mã thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Đền Bạch Mã từ phía ngoài
Từ thời Lê đến thời Nguyễn, lễ hội Đền Bạch Mã được tổ chức rất nghiêm túc với quy mô lớn. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày mất của Phan đà (13/6 âm lịch), triều đình phong kiến lại đứng ra tổ chức và giao cho quan sở tại chuẩn bị các lễ vật để làm lễ tế thần. Nhân dân tổng Võ Liệt còn mở hội rước sắc và tổ chức các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian đa dạng, phong phú như vật cù, kéo co, chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ thẻ, đấu võ, đánh trận giả, thi hát ca trù, hát bội…
Trò chơi Chọi gà tại Lễ Hội
Hiện nay Lễ hội Đền Bạch Mã vẫn được tổ chức quy mô, với phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ gồm Lễ khai quang, yết cáo, tế thần và lễ tạ. Phần Hội gồm lễ rước nước và một số hoạt động văn hóa, thể thao như giao lưu văn nghệ, thi người đẹp, đua thuyền sông Lam, đánh cờ người… Ngoài ra, các ban ngành cấp Huyện phối hợp với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trưng bày bộ triển lãm về phong trào cách mạng 1930- 1931. đây là một trong những hoạt động rất thiết thực để nhân dân và thế hệ trẻ Thanh Chương có dịp tìm hiểu về những truyền thống tốt đẹp của quê hương. Trải qua các triều đại, Đền được sắc phong thêm và ban nhiều mỹ tự. Dưới thời Lê có 28 đạo sắc phong. Dưới thời Nguyễn có 10 sắc phong. Tháng giêng năm Ất Hợi 1935, Đền Bạch Mã có thêm hai vị chính thần được dân xã Võ Liệt cùng thờ phụng (Quan Tả,Quan Hữu). Hoa Lương Văn đạo đại Tướng quân đại vương, Hùng tài Dũng quyết địch nghị Dương võ Quang ý Trung đẳng công thần.Thiết Cương Anh Quả đại Tướng quân đại vương, cảm ứng Uy linh Hộ quốc Hùng đoán Quang ý Trung đẳng công thần.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, ngày 24/3/1994 Bộ Văn hoá - Thông tin đã có quyết định số 226/Qđ-BVH xếp hạng Đền Bạch Mã là Di tích Lịch sử văn hoá kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Nguyễn Tiến Hưng
BQL Khu DTSQ miền Tây Nghệ An