KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN TÂY NGHỆ AN - ĐIỂM ĐẾN THU HÚT CÁC CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LIÊN HIỆP QUỐC, CHƯƠNG TRÌNH TÀI TRỢ CÁC DỰ ÁN NHỎ QUỸ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU ( UNDP- GEF SGP)

1. Đa dạng về tài nguyên sinh học và phong phú về văn hóa nhân văn, tiềm năng du lịch.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285ha; , thuộc địa bàn 9 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các sinh cảnh duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc giảm bớt khó khăn về chia cắt nơi sống do các hoạt động kinh tế của con người tạo ra.
Trong số gần 2.500 loài thực vật bậc cao có mặt tại khu vực này, thì có gần 2.000 loài thuộc nhóm chồi trên mặt đất chiếm tỷ lệ 74%, là yếu tố chủ đạo cấu thành nên hệ sinh thái rừng nhiệt đới và nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam. Khu hệ động vật hiện có 130 loài thú lớn, nhỏ, 295 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 84 loài cá, 39 loài dơi, 305 loài bướm ngày, 14 loài rùa, hàng ngàn loài côn trùng khác.
Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm: núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Đây là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt Lào. Trong khu vực có 1.297 loài thực vật đã được điều tra và ghi nhận. Một báo cáo gần đầy nhất thì khu vực này có khoảng 2.500 loài, trong đó có khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao (74%); có 130 loài động vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó có một số loài đặc biệt quý hiếm như: sao la, hổ, thỏ vằn trường sơn...; 295 loài chim; 54 loài lưỡng cư và bò sát; 83 loài cá và 39 loài dơi.
 Đây cũng là nơi có tính đa dạng về văn hóa dân tộc lớn nhất trong số các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam với 9 dân tộc. Đặc biệt có 2 dân tộc chỉ có duy nhất ở Nghệ An và đang trong tình trạng bị suy thoái, mai một nghiêm trọng về bản sắc văn hóa đó là dân tộc Đan Lai (còn khoảng 3.000 nhân khẩu ở huyện Con Cuông) và dân tộc Ơ Đu (còn khoảng 570 nhân khẩu ở huyện Tương Dương). 
Sự đa dạng và đậm đà bản sắc văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số là đặc trưng lớn nhất và là niềm tự hào của miền Tây Nghệ An. Đây là miền đất, ngôi nhà chung của các dân tộc anh em sinh sống lâu đời và hiện vẫn lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và các di tích lịch sử-văn hóa quan trọng gắn với quá trình phát triển.
Nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm nét văn hóa bản địa đặc sắc.
Nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa (đền, chùa, lễ hội) đã được trùng tu, phục hồi và đang phát triển tốt thông qua việc huy động nguồn lực theo hình thức xã hội hoá như di tích và lễ hội đền Choọng (huyện Quỳ Hợp), lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong), đền Vạn-Cửa Rào (huyện Tương Dương), lễ hội Hang Bua (huyện Quỳ Châu), lễ hội Mường Ham (huyện Quỳ Hợp)...
Người dân, doanh nghiệp địa phương với sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền đã đóng góp các nguồn lực để tôn tạo di tích và phục hồi các lễ hội, tập tục văn hóa truyền thống, từ đó thu hút đông đảo người dân địa phương và các vùng lân cận đến thăm quan và sinh hoạt tín ngưỡng.
Đặc biệt, khu DTSQ có đặc trưng văn hóa-nhân văn nổi bật của cộng đồng người Thái, với những giá trị bản địa sâu sắc và không thể bỏ qua giá trị cội nguồn của tộc người Ơ Đu có dân số ít nhất trong cộng đồng dân cư Việt Nam.
Đây còn là khu vực nghiên cứu lý tưởng về sự biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của con người với các đỉnh núi cao như Pù Xai Lai Leng, Pù Đen Đin Pù Mát....
Tuy nhiên Khu DTSQ Tây Nghệ An cũng là nơi đang còn rất nhiều người nghèo thuộc đồng bào DTTS, cả vùng còn có 4 huyện nghèo 30A là Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu với hàng trăm ngàn người dân đang sống lệ thuộc vào tài nguyên rừng gây sức ép rất lớn lên Đa dạng sinh học và Chức năng hệ sinh thái rừng.

                                                                                    Hội nghị tập huấn Giám sát cộng đồng

                                                                                      Hội nghị tọa đàm phát triển cây Lùng

2. Điểm đến thu hút các chương trình dự án đầu tư của Chương trình phát triển liên hiệp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu ( UNDP- GEF SGP).
       Trăn trở trước những khó khăn về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn,phát triển văn hóa gắn với phát triển sinh kế cho đồng bào các DTTS trong vùng. Nhiều năm qua các tổ chức chính trị xã hội địa phương, chính quyền các cấp trong tỉnh đã cố gắng tìm tòi thu hút các nhà tài trợ thông qua việc đề xuất các dự án. Chưa kể dự án Đặc biệt từ năm 2014 đến nay đã thu hút được 8 Dự án của  Chương trình phát triển liên hiệp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu ( UNDP- GEF SGP).Đó là: 
-  Xây dựng mô hình trồng cây Hương bài và đào tạo nghề làm hương cho đồng bào Thái xã Châu Cương huyện Quỳ Hợp,tỉnh Nghệ An do Trung tâm Khuyến viên và dịch vụ Nghề vườn Việt Nam thực hiện từ tháng 10/2014- 10/2016.
-  Xây dựng mô hình bảo tồn,phát triển và sử dụng bền vững loài cây Bon bo dựa vào cộng đồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An do Trung tâm tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An xây dựng và thực hiện tại các xã Nậm Nhoóng, Châu Thôn từ 10/2014- 10/2016.
-  Thúc đẩy tiến trình thể chế hóa và xây dựng mô hình quản lý khu bảo tồn cấp cộng đồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn kiến thức bản địa và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể cho cộng đồng đồng bào DTTS huyện nghèo 30 a huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An do Trung tâm tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An xây dựng và thực hiện tại các xã Nậm Nhoóng, Nậm Giải từ 4/2018- 4/2020.
               -  Nâng cao năng lực thực thi Luật lâm nghiệp 2017, gắn kết bảo vệ và phát triển rừng với du lịch cộng đồng dồng bào DTTS vùng đệm VQG Pù Mát, góp phần BVR, bảo tồn ĐDSH Khu DTSQ miền Tây Nghệ An do Trung tâm tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An phối hợp Hiệp hội Du lịch tỉnh Nghệ An đề xuất, Hiệp Hội Du lịch tỉnh Nghệ An thực hiện huyện Con Cuông, huyện Tương Dương từ 6/2019- 12/2021.
- Nâng cao kiến thức năng lực quản lý rừng cộng đồng và xây dựng mô hình sinh kế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH và phát triển bền vững cho đồng bào DTTS huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An do Trung tâm tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An phối hợp Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn đề xuất, Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn thực hiện tại các xã Mỹ Lý, Mường Lống từ 7/2021- 6/2023.
- Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây Mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên ĐDSH và chức năng hệ sinh thái rừng tại 2 xã vùng đệm Tam Quang, Tam Hợp huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An do Trung tâm tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An phối hợp Hội Nông dân huyện Tương Dương đề xuất, Hội Nông dân huyện Tương Dương thực hiện từ 01/2022- 6/2024
- Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây Chè hoa vàng,cây Lùng, cây Mét và cây Bon bo nhằm giảm áp lực lên ĐDSH và chức năng hệ sinh thái rừng tại 2 xã vùng đệm Đồng Văn, Thông Thụ, Khu BTTN Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An do Trung tâm tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An xây dựng và thực hiện từ 01/2022- 6/2024.
- Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn ĐDSH ở Khu DTSQ Tây Nghệ An do Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học đề xuất và thực hiện tại các xã Nga My, Yên Hòa, huyện Tương Dương từ tháng 5/2022-5/2024.

                                      Hình ảnh tập huấn chăm sóc cây Mét tại huyện Tương Dương

Các dự án do UNDP- GEF SGP tài trợ rất đa dạng về lĩnh vực như biến đổi khí hậu bảo tồn ĐDSH, bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước… nhưng đều có tác dụng tổng hợp nâng cao kiến thức, năng lực cho cộng đồng, cán bộ địa phương và các đối tác liên quan,xây dựng nhân rộng các mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị, phát triển nguồn vốn quay vòng phát triển sinh kế, gắn kết bảo vệ, bảo tồn tri thức bản địa, văn hóa truyền thống và phát triển bền vững nên mức độ thành công rất cao và duy trì lan rộng thành quả sau khi dự án kết thúc.
Với các dự án đã và đang triển khhai nêu trên, tin tưởng với sự cố gắng chung trong thời gian tới Khu DTSQ Tây Nghệ An tiếp tục là Điểm đến thu hút các chương trình dự án đầu tư của Chương trình phát triển liên hiệp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu ( UNDP- GEF SGP) và nhiều Chương trình, dự án tài trợ khác.

                                                                                  Hình ảnh tập huấn trồng Mét tại hiện trường

                                                                                                                                                           Phan Sỹ Ninh - Ban triển khai dự án BR