KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

​KẾ HOẠCH SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN KHÔNG CẠN KIỆT CHO CÁC KHU VỰC DÀNH RIÊNG (SET-ASIDE) CỦA KHU DTS MIỀN TÂY NGHỆ AN

ngày 23 tháng 6 năm 2021
Khu DTSQ miền Tây Nghệ An nằm trong địa giới hành chính của 9 huyện miền núi thuộc tỉnh Nghệ An là Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương và Tương Dương, với tổng số 182 xã và thị trấn, 2.125 thôn/bản. Khu DTSQ miền Tây Nghệ An là khu DTSQ lớn nhất của Việt Nam với tổng diện tích là 1.299.795 ha và ba vung lõi là VQG Pù Mát, KBTTN Pù Huống và KBTTN Pù Hoạt và các hành lang xanh kết nối các vùng lõi của các khu bảo tồn, tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các sinh cảnh nhằm duy trì hiệu quả bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học phong phú của khu vực. 

Tính ĐDSH của Khu DTSQ được thể hiện trong các báo cáo từ trước đến nay với 4.141 loài động, thực vật (3.019 loài thực vật có mạch, 1.122 loài động vật), trong đó có đến gần 500 loài được ghi trong Danh lục Đỏ IUCN (2020) ở các cấp độ đe dọa toàn cầu cần được bảo vệ. Theo Niên giám thống kê tỉnh Nghệ An năm 2019, dân số của 9 huyện thuộc Khu DTSQ miền Tây Nghệ An là 1.014.698 người, bao gồm 7 nhóm dân tộc Kinh, Thái, Khơ Mú, Thổ, H'Mong, Đan-Lai và Ơ-đu. Khoảng 1.000 người trong số này sinh sống trong vùng lõi của VQG Pù Mát, số lượng cư dân còn lại sinh sống chủ yếu trong các vùng đệm và vùng chuyển tiếp của các VQG và KBTTN. Tỷ lệ nghèo đói trong khu vực hơn 30%, cao hơn đáng kể so với vùng ven biển ở vùng đất thấp của Việt Nam.
Với những đặc trưng về ĐDSH, văn hóa, dân số, Khu DTSQ miền Tây Nghệ An có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực miền Tây Nghệ An. Mặc dù vậy, các nghiên cứu, đánh giá gần đây đã cho thấy việc khai thác, sử dụng tài nguyên ở Khu DTSQ còn nhiều bất cập, việc khai thác tài nguyên không bền vững, dẫn đến tình trạng suy thoái, cạn kiệt, đặc biệt là các nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế. Chính vì vậy, rất cần có những chính sách tổng thể để giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH, vừa có thể phục hồi các HST, bảo tồn ĐDSH lại vừa đảm bảo sinh kế và sự phát triển KTXH của cộng đồng. 
Nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án BR và trên cơ sở các Khu vực dành riêng đã được xác định, dựa vào phương pháp tổng hợp bản đồ, khả năng đáp ứng và tham vấn nhu cầu địa phương đối với việc sử dụng không cạn kiệt các tài nguyên. Trên cơ sở đó một khu vực ưu tiên nhất có diện tích 40.757,64 ha thuộc 10 xã được lựa chọn được xác định để xem xét lập kế hoạch sử dụng tài nguyên không cạn kiệt cho các khu vực dành riêng (Set-aside) của Khu DTS miền Tây Nghệ An nằm trong khuôn khổ hoạt động của dự án BR. Các khu vực set-aside được tổng hợp theo các chủ quản lý, từ đó mô tả các khu vực cũng như phân tích các tác động, đề xuất các giải pháp, hoạt động ưu tiên. 

                           Bản đồ khu vực set-aside trong hệ thống hành lang ĐDSH và các khu bảo tồn ở Khu DTSQ miền Tây Nghệ An

Qua các kết quả điều tra, thống kê có thể thấy, hầu hết diện tích của khu vực set-aside ở các xã ưu tiên là rừng phòng hộ, thuộc quản lý của BQL RPH (33,57%), và do UBND các xã quản lý (29,65%). Mặc dù vậy, trên thực tế thì rất nhiều diện tích rừng hiện do UBND các xã quản lý về cơ bản đã được bàn giao cho cộng đồng và các hộ gia đình, số diện tích do các hộ gia đình quản lý hiện tại là 23,60%. Chỉ có một phần diện tích thuộc quản lý của Công ty lâm nghiệp, tổng độ thanh niên xung phong 10, cộng đồng các thôn bản và làng thanh niên lập nghiệp. Do đó, vai trò chủ yếu trong công tác bảo vệ, quản lý rừng thuộc về BQL các khu rừng phòng hộ, các hộ gia đình và UBND xã.
Chính vì lý do có nhiều chủ quản lý, cũng như vài trò của các chủ quản lý khác nhau, nên các tác động lên tài nguyên ở các khu vực rừng thuộc vùng set-aside cũng khác nhau

 

                                    Biểu đồ thể hiện diện tích các vùng set-aside theo chủ quản lý

Các hoạt động sử dụng không cạn kiệt tài nguyên trong vùng set-aside của dự án BR gồm 2 nhóm hoạt động: 
1. Tăng cường các hoạt động sử dụng không cạn kiệt các loại tài nguyên: xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích, xây dựng quy chế thôn bản trong quản lý và khai thác tài nguyên rừng, giao đất – giao rừng, Quản lý rừng bền vững…
2. Hạn chế các tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học: Đa dạng hóa các sinh kế không tác động xấu lên ĐDSH và các HST rừng; phát triển các mô hình kinh tế sinh thái, làm giàu rừng, tăng cường các hoạt động sản xuất, dịch vụ thân thiện với với thiên nhiên và ĐDSH…
Trên cơ sở đó, các nhóm hoạt động mà người dân ở khu vực set-aside đã tham vấn đề xuất được xếp vào 6 nhóm sau: 
HĐ 1. Bảo vệ và phục hồi rừng để bảo tồn, bảo vệ đất, nguồn nước giảm lũ lụt, hạn hán;
HĐ 2. Sử dụng và phát triển không cạn kiệt các loại lâm sản ngoài gỗ;
HĐ 3. Khai thác, sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước và thủy sản;
HĐ 4. Phát triển DLST: khai thác cảnh quan, văn hóa, sản phẩm địa phương để phát triển du lịch sinh thái;
HĐ 5. Phát triển mô hình sinh kế bền vững: Mô hình kinh tế sinh thái tạo ra các sản phẩm địa phương giá trị, có thương hiệu;
HĐ 6. Giao khoán bảo vệ rừng: Tăng cường giao đất, giao rừng cho người dân ổn định và đảm bảo sản xuất.
Mục tiêu kế hoạch là xây dựng được kế hoạch sử dụng tài nguyên không cạn kiệt cho từng khu vực dành riêng (set-aside) để sử dụng không cạn kiệt các nguồn tài nguyên cho các khu vực dành riêng đã được xác định trong Khu DTSQ miền Tây Nghệ An nhằm hạn chế được các tác động tiêu cực đến ĐDSH ở các khu vực set-aside và tăng cường các hoạt động bảo vệ tài nguyên tại các khu vực này.

                                                                                                                                                                         Nguyễn văn Điệp