Khu Dự trữ sinh quyển (KDTSQ) miền Tây Nghệ An là KDTSQ lớn nhất Việt Nam, được UNESCO công nhận vào ngày 18/9/2007 đã đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của UNESCO về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), phát triển kinh tế bên vững và duy trì sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là một trong những khu vực bảo tồn quan trọng nhất Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái rừng nhiệt đới và bảo vệ các nguồn nước chính tại khu vực miền Tây Nghệ An.
Tổng diện tích của KDTSQ miền Tây Nghệ An là 1.299.795 ha, trãi dài trên địa bàn 9 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong. Trong đó, khu vực này được chia làm ba vùng chính: vùng lõi (191.922 ha), vùng đệm (503.270 ha) và vùng chuyển tiếp (608.093 ha). Vùng lõi bao gồm Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt – những khu vực có độ đa dạng sinh học cao, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Với những đặc trưng như vậy, KDTSQ miền Tây Nghệ An là một trong 3 địa điểm được lựa chọn thực hiện Dự án: "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam" (Viết tắt là Dự án BR).
Trong bối cảnh nguồn lực của tỉnh còn hạn chế và ngân sách chưa cân đối được đầy đủ, dự án BR triển khai tại Nghệ An, dù nguồn hỗ trợ kinh phí không lớn, nhưng với sự đầu tư trọng tâm và có trọng điểm, đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực giúp tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của Khu Dự trữ Sinh quyển cũng như toàn tỉnh. Dự án đã hỗ trợ tỉnh giải quyết một số nhiệm vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời lồng ghép hiệu quả vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại 9/11 huyện thuộc miền Tây Nghệ An, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Trong quá trình triển khai, dự án đã lựa chọn các nội dung phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong công tác quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển và Di sản thiên nhiên. Đồng thời, dự án đã tổ chức lựa chọn được đơn vị tư vấn có năng lực, thực hiện hiệu quả 19 hoạt động trọng tâm. Tất cả các hạng mục của dự án đã được nghiệm thu và thanh toán theo đúng quy định, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình triển khai.
Dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý từ cấp tỉnh đến người dân và cộng đồng tại khu vực thực hiện dự án. Năng lực quản lý và nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học được cải thiện rõ rệt thông qua 56 cuộc tuyên truyền, tập huấn với sự tham gia của 6.934 cán bộ quản lý và người dân. Các hoạt động này đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cộng đồng địa phương, góp phần duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Dự án đã triển khai thành công nhiều mô hình sinh kế, tạo tiền đề để nhân rộng ra cộng đồng. Những mô hình này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giảm áp lực lên tài nguyên rừng và hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Một số mô hình tiêu biểu bao gồm trồng dược liệu dưới tán rừng, nuôi ong và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, đem lại thu nhập ổn định và cải thiện sinh kế cho người dân.
Dự án tiên phong trong hoạt động phục hồi rừng thông qua các giải pháp lâm sinh, bao gồm khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung trên diện tích 8,1 ha và nuôi dưỡng 1.992,9 ha rừng. Hoạt động này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp thiết đối với công tác quản lý tài nguyên rừng của tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 790 nghìn ha rừng tự nhiên, trong đó hơn 57% là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và tre nứa là những đối tượng bị tác động hoạt động, dễ bị tổn thương hiện bị suy thoái. Việc phục hồi rừng không chỉ góp phần cải thiện chất lượng rừng, gia tăng độ che phủ mà còn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu sạt lở đất, duy trì đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.
Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục triển khai các chương trình bảo tồn và phát triển bền vững tại Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An. Các hoạt động của dự án đã tác động tích cực đến các huyện thuộc Khu DTSQ, nâng cao năng lực quản lý rừng, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và các hoạt động kinh tế bền vững khác. Đây là nền tảng vững chắc để Nghệ An tiếp tục lồng ghép các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững lâu dài.
Phan Thị Thu Hiền
Văn phòng Ban Quản lý