KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

HỌC TẬP KINH NGHIỆM KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN LANGBIANG

Ngày 7/6/2022
Nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ Ban quản lý Khu DSTQ miền Tây Nghệ an và các đơn vị liên quan, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để triển khai hiệu quả trong các hoạt động, Ban quản lý chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 tổ chức hoạt động học tập kinh nghiệm tại Khu DTSQ Langbiang. 

                                                                                Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà

Tại Khu dự trữ sinh quyển Langbiang (Khu DTSQ), TS Nguyễn Khắc Lâm Trưởng đoàn đã giới thiệu khái quát về Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An. Về phía Khu DTSQ Langbiang có TS Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, Phó Trưởng ban thường trực Khu DTSQ Langbiang, ông Tôn Thiện An, Phó giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rừng, ông Phạm Xuân Nguyên, Giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái & giáo dục môi trường và Trưởng, phó các phòng ban của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. 

                                      Buổi làm việc tại Khu DTSQ Langbiang

Thay mặt Khu DTSQ Langbiang, TS Lê Văn Hương giới thiệu quá trình hình thành và phát triển Khu DTSQ Langbiang. Khu DTSQ Langbiang được công nhận từ năm 2015, có diện tích 275.429 ha (34.943 ha vùng lõi, 72.232 ha vùng đệm và 168.264 ha vùng chuyển tiếp) trãi rộng trên địa bàn thành phố Đà Lạt và 5 huyện: Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Đơn Dương, Đức Trọng thuộc tỉnh Lâm Đồng (có đỉnh núi cao nhất là Bidoup 2.287 m so với mực nước biển). Khu DTSQ Langbiang có tính đa dạng sinh học cao với các loại sinh cảnh như rừng thưa lá kim nhiệt đới, đặc trưng là rừng thông 3 lá Đà Lạt (Pinus kesiya) có 19.645,16 ha, rừng kín thường xanh mưa á nhiệt đới, rừng kín hỗn giao cây lá rộng – lá kim ẩm á nhiệt đới…Tại đây đã ghi nhận 2.089 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 186 họ. Về động vật ghi nhận 131 loài thú, 386 loài chim,  83 loài lưỡng cư và 91 loaì bò sát, 87 loài cá và 542 loài côn trùng. Trong đó có rất nhiều loài động và thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ của Việt Nam và Thế giới. 

Về đặc điểm văn hóa dân cư có 13 dân tộc sinh sống khu vực Langbiang như Kinh, K’Ho, Nùng, Tày… trong đó có người người K’Ho, Mạ, M’Nông và Churu là người dân bản địa sinh sống tại vùng này và từ xa xưa họ coi rừng là tâm linh, là cội nguồn văn hóa và các vị thần linh, rừng là ngôi nhà chỡ che và nguồn cung cấp thức ăn nuôi sống họ. Để phát huy các giá trị đa dạng sinh học và văn hóa, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà tổ chức lớp học giáo dục về môi trường và các tua du dịch sinh thái của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Để quản lý, bảo tồn và phát triển các giá trị Khu DTSQ Langbiang có 15 cơ quan, đơn vị nhà nước (Các BQL rừng phòng hộ: Sêrêpôk, Phi Liêng, Đ’ran, Tà Năng, Ninh Gia, Đại Ninh, Đa Nhim, Nam Ban, Tà Nung, Lâm Viên, BQL khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương, Công ty CP giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, trong đó Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là vùng lõi của Khu DTSQ Langbiang). Ngoài ra còn có các tổ chức, doanh nghiệp được cho thuê đất, thuê rừng và các hộ gia đình, cộng đồng được giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được chi trả dịch vụ môi trường rừng.

                                                                                                                                       Phan Thị Thu Hiền-BQL Chương trình