KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

HÀNH LANG ĐA DẠNG SINH HỌC

ngày 06 tháng 9 năm 2021
Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu về Hành lang đa dạng sinh học (ĐDSH) trở nên hết sức quan trọng trên toàn thế giới và cả Việt Nam. Cho đến nay, bên cạnh việc xây dựng hệ thống các Khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều nước trên thế giới và khu vực đã quan tâm đến việc thiết lập hệ thống hành lang kết nối các khu này với nhau nhằm tăng cường khả năng bảo tồn ĐDSH. Các khu vực kết nối hành ĐDSH có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng chia cắt về sinh cảnh và các HST, di chuyển và di cư cũng như tương tác của các loài, đồng thời góp phần vào các hoạt động sinh kế của cộng đồng địa phương cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo IUCN (2007) đưa ra định nghĩa Hành lang ĐDSH như sau: “Những khu vực cư trú phù hợp của các loài được quy hoạch nối các khu bảo tồn; Duy trì và phục hồi sự kết nối giữa các khu vực cư trú bị biệt lập hoặc bị phân tán. Đất hoặc các dòng chảy cho phép thực vật và động vật phát tán hoặc di trú nhằm đảm bảo nhu cầu về nước và thức ăn, tìm kiếm con đực/cái, tìm kiếm nơi trú ẩn khỏi các loài thiên địch, và thích ứng với những áp lực về thay đổi khí hậu và điều kiện cư trú, đảm bảo sự sinh tồn của quần thể loài”.
Theo Luật ĐDSH (2008) của Việt Nam: “Hành lang ĐDSH là khu vực nối liền các vùng sinh thái tự nhiên cho phép các loài sinh vật sống trong các vùng sinh thái đó có thể liên hệ với nhau”.
Theo kết quả điều tra, trong khu vực Hành lang ĐDSH rất đa dạng về các loài động vật và thực vật.

* Đa dạng tài nguyên thực vật
- Kết quả phỏng vấn người dân ở Hành lang ĐDSH bước đầu đã xác định được các loài thực vật quý hiếm cần ưu tiên bảo tồn như: Các họ Cycadaceae; Fabaceae; Bignoniaceae; Dipterocarpaceae;… với các loài Tuế lá dài (Cycas dolichophylla K.D. Hill, H.T.Nguyen & P.K.Lôc); Sao hải nam (Hopea hainanensis Merr. & Chun); Lim xanh (Erythrophleum fordii Oliv); Đinh vàng (Fernandoa collignonii (Dop) Steen.); Vàng tâm (Manglietia dandyi (Gagnep.) Dandy); Lát hoa (Chukrasia tabularis A. Juss); Song mật (Calamus platyacanthus Warb. ex Becc.);…

* Đa dạng tài nguyên động vật
Kết quả phỏng vấn người dân các xã có hành lang ĐDSH xuất hiện các loài động vật như:
- Về thú: Bộ ăn thịt (Canivora) như Hổ; Gấu; Bộ có vòi (Proboscide) Voi; Bộ linh trưởng (Primates) như Khỉ mặt đỏ; Voọc; Vượn; Bộ guốc chẵn (Artiodactyla) Mang Pù Hoạt; Sơn dương…
- Về chim: Gồm các họ như Họ Ưng (Acciptridae). Họ Khướu (Timaliidae) Khướu, Họ Hồng hoàng (Bucerotidae)… gồm các loài  Đại bàng; Gà rừng; Hồng hoàng; Trĩ sao; Công;…
- Về bò sát: Có các họ Rắn hổ (Elapidae), Trăn (Pythonidae), Tắc kè (Gekkonidae),... với các loài như: Rắn hổ mang; Trăn đất; Tắc kè;...

* Mục tiêu hướng tới của Hành lang ĐDSH đến năm 2030
- Thiết lập 01 hành lang đa dạng sinh họch, kết nối giữa Vườn Quốc gia Pù Mát - Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống - Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
- Tiếp tục bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên đang có trên hành lang đa dạng sinh học bằng các biện pháp:
+ Bảo vệ rừng, không chuyển đổi rừng sang mục đích khác trong hành lang xanh; Tăng cường các hoạt động quản lý rừng và bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện còn.
+ Cung cấp các giải pháp tạo sinh kế góp phần giảm nghèo và cải thiện đời sống cho các dân tộc ít người tại các huyện miền núi nghèo của vùng đề án.
- Tiếp tục duy trì và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên đã có, nâng cao chất lượng, trữ lượng các loại rừng;
- Nghiên cứu tình hình tái sinh phục hồi tự nhiên các loài lâm sản ngoài gỗ quý hiếm, đặc hữu và các loài cây dược liệu, thực hiện các giải pháp bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và phát triển trong hành lang đa dạng sinh học; Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm các loài vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao;
- Nâng cao năng lực và thu nhập cho cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng bền vững các giá trị đa dạng sinh học, đảm bảo sinh kế cho cộng đồng;
- Tiếp tục phát triển các hình thức bảo tồn đa dạng sinh học có sự tham gia, chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Huy động rộng rãi sự đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào các hoạt động bảo tồn và phát triển, góp phần nâng cao nhận thức nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên, nâng cao đời sống, văn hoá - xã hội của nhân dân trong vùng xây dựng đề án hành lang ĐDSH.
Sau khi tiến hành khảo sát, tham vấn các nhà khoa học, các nhà quản lý, chính quyền và  cộng đồng dân cư tại các địa phương có liên quan, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An tiến hành xác định Hành lang ĐDSH có quy mô Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được xác định trên địa bàn 14 xã của 03 huyện, cụ thể như sau:

                                                                                                                Đơn vị tính: ha

TT Đơn vị hành chính xã Tổng cộng Loại đất, loại rừng QHLN Rừng ngoài đất LN Đất khác
Cộng Đất có rừng

Đất chưa có rừng

Tổng cộng

56.049,81

53.084,46

46.303,31

6.781,15

1.513,19

1.452,16

 

 

           
1 Châu Khê 5.383,78 5.373,83 5.271,75 102,08 4,57 5,38
2 Lạng Khê 6.666,64 6.336,64 5.909,96 426,68 232,76 97,24
  H. Quế Phong            
3 Cắm Muộn 2.400,89 2.330,25 1.638,89 691,36 55,06 15,58
4 Nậm Nhoóng 899,81 875,22 739,59 135,63 7,37 17,22
5 Tri Lễ 3.531,30 3.295,34 1.811,94 1.483,40 104,12 131,84
  H. Tương Dương            
6 Hữu Khuông 3.894,84 3.889,81 2.449,97 1.439,84 0,00 5,03
7 Nga My 1.974,24 1.941,88 1.784,03 157,85 13,58 18,78
8 Nhôn Mai 327,34 323,66 251,14 72,52 0,00 3,68
9 Tam Đình 7.639,87 6.846,27 5.990,27 856,00 276,98 516,62
10 Tam Quang 5.094,85 4.940,63 4.695,46 245,17 2,32 151,90
11 Xiềng My 1.329,23 1.230,41 1.129,87 100,54 40,13 58,69
12 Yên Hòa 7.053,24 6.343,85 6.214,46 129,39 630,62 78,77
13 Yên Thắng 3.955,79 3.486,74 2.942,38 544,36 124,23 344,82
14 Yên Tĩnh 5.897,99 5.869,93 5.473,60 396,33 21,45 6,61

 

Hành lang ĐDSH là khu vực nối liền các vùng sinh thái tự nhiên cho phép các loài sinh vật sống trong các vùng sinh thái đó có thể liên hệ với nhau; Khu vực cư trú phù hợp của các loài được quy hoạch nối các khu bảo tồn, duy trì và phục hồi sự kết nối giữa các khu vực cư trú bị biệt lập hoặc bị phân tán. Đất hoặc các dòng chảy cho phép thực vật và động vật phát tán hoặc di trú nhằm đảm bảo nhu cầu về nước và thức ăn, lựa chọn điều kiện sinh sản, tìm kiếm nơi trú ẩn khỏi các loài thiên địch, và thích ứng với những áp lực về thay đổi khí hậu và điều kiện cư trú, đảm bảo sự sinh tồn của quần thể loài. Do vậy, hơn lúc nào hết việc xây dựng Hành lang ĐDSH kết nối các vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là công việc hết sức cần thiết và cấp bách.

                                                                    Sông Giăng – Đoạn qua Vườn Quốc gia Pù Mát

 

                                                                                                                                                             Nguyễn Văn Điệp
                                                                                                                                                     BQL Chương trình PTLNBV