KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHỤC HỒI CÁC HỆ SINH THÁI RỪNG TẠI HUYỆN KỲ SƠN THUỘC KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI MIỀN TÂY NGHỆ AN

Cập nhật ngày 16/9/2020, 15:04:01
Kỳ Sơn là một huyện miền núi vùng cao, nằm phía Tây Nghệ An và cách thành phố Vinh khoảng 250 km về phía tây. Kỳ Sơn có 192 km đường biên giới với các huyện Hủa Phăn và Xiêng Khoảng của nước CHDCND Lào. Đây là huyện biên giới có tầm quan trọng đặc biệt về mặt chiến lược an ninh- quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc. Địa hình huyện Kỳ Sơn rất phức tạp, chủ yếu là núi cao có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Trong đó có nhiều dãy núi cao, hiểm trở. Dãy núi Pu Xai Lai Leng thuộc xã Na Ngoi có đỉnh cao 2.171 m, là ngọn núi cao nhất của Nghệ An. 

                                                                              Bản đồ địa giới huyện Kỳ Sơn

Huyện Kỳ Sơn có 21 xã và thị trấn với diện tích là 2.094,84 km2. Dân số của huyện là trên 65.880 người với đa số là dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Người dân sống phân tán, đời sống chủ yếu dựa vào nghề rừng để sinh sống. Tuy nhiên do trình độ sản xuất còn lạc hậu, kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa kém dẫn đến thu nhập thấp. Từ những nguyên nhân trên nên đời sống của đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân chung cả tỉnh có 20/21 xã, thị trấn thuộc diện đói nghèo đặc biệt khó khăn.


                                                                      Trung tâm xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn

Thực hiện theo quyết định số 5588/QĐ-UBND ngày 20/12/2018 của UBND tỉnh Nghệ An, về việc phê duyệt Chiến lược quản lý Khu dữ trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An giai đoạn 2017-2027, tầm nhìn 2030. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định và đề xuất thực hiện là “Điều tra, đánh giá thực trạng và giải pháp phục hồi các hệ sinh thái rừng tại huyện Kỳ Sơn thuộc khu DTSQ thế giới miền tây Nghệ An”. Vì huyện Kỳ Sơn hội tụ nhiều yếu tố đặc thù- quan trọng cần được nghiên cứu một cách khoa học nhằm tìm ra giải pháp phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng gồm: (i) có vị trí địa lý sát với các nước bạn Lào, là nơi còn giữ được nhiều cánh rừng nguyên sinh trên các dãy núi đá vôi xen lẫn núi đất, tạo nên sinh cảnh khác biệt so với các địa phương khác; (ii) trên địa bàn chứa đựng nhiều cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao như Sâm Ngọc Linh, bon bo, bảy lá một hoa, sa nhân….; bên canh đó còn có nhiều loài cây gỗ quý hiếm như sa mộc, pơ mu, nghiến…; (iii) là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ thuận lợi cho phát triển du lịch như Cổng trời Mường Lống, Cửa khẩu Nậm Cắn, đầu nguồn lòng hồ thủy điện Bản vẽ, vùng sinh thái đặc trưng trên núi cao Pu xai lai leeng, các cột mốc biên giới với Lào; (iv) được sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chương trình như 327, 661, chi trả dịch vụ môi trường rừng, các dự án … và nỗ lực của địa phương đã góp phần bảo vệ và phát triển những cánh rừng trên địa bàn huyện, giữ độ che phủ rừng năm 2019 đạt 50,03 % .
Để phục hồi lại rừng chỉ có hai cách: khoanh nuôi phục hồi rừng (KNPHR) và trồng mới. KNPHR là quá trình lợi dụng tối đa các quy luật tái sinh và diễn thế tự nhiên của thực vật cộng với sự can thiệp hợp lý của con người để trong khoảng thời gian nhất định, phục hồi được những thảm rừng có giá trị kinh tế và sinh thái cao.


                                                                                    Thị trấn huyện Kỳ Sơn

Tuy nhiên, để KNPHR thành công thì đối tượng được lựa chọn cần phải có những điều kiện nhất định chủ yếu là điều kiện địa hình, đất và thực vật. Nếu đất đã bị thoái hóa quá mức, lớp cây bụi, thảm tươi kém phát triển, cây tái sinh hợp mục đích có số lượng và chất lượng không đủ nhiều thì thời gian phục hồi rừng sẽ rất dài và hoạt động KN có thể xem như khó thành công. Mặt khác, những biện pháp can thiệp lâm sinh cũng cần phải tính đến đặc điểm của đối tượng KNPHR. Trong trường hợp đất có độ phì cao, thảm thực vật phát triển tốt, số lượng cây tái sinh đủ nhiều, hoặc ở những nơi xa dân cư.v.v.. thì biện pháp can thiệp có thể chỉ đơn giản là bảo vệ rừng KN để tránh sự chặt phá của con người, tác động của gia súc, hay phòng chống cháy rừng v.v... Nhưng trong trường hợp độ phì đất kém hơn, hoặc số lượng cây tái sinh không đủ mà phải dựa vào nguồn tái sinh từ cây mẹ tại chỗ hoặc ở các khoảnh rừng lân cận, hoặc muốn gia tăng tỷ lệ tái sinh của những loài ưa sáng, rừng KN ở gần khu dân cư có điều kiện đầu tư cao hơn v.v... thì biện pháp lâm sinh có thể phải bao gồm cả phát dọn dây leo, xới đất, điều chỉnh tỷ lệ che phủ của lớp cây bụi, gieo hạt hoặc trồng cây bổ sung, xới cỏ quanh gốc cây tái sinh có triển vọng, loại bỏ những cây xấu, cây bệnh, hoặc cây tạp v.v.. Như vậy, để hoạt động KN có hiệu quả không những cần xác định được đối tượng có thể đưa vào khoanh nuôi, mà còn phải phân loại được những đối tượng đó theo những đặc điểm có liên quan đến nhu cầu phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh. Đây là công việc phức tạp, đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn rõ ràng, đơn giản và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của từng địa phương.
Để đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đặt ra, BQL Khu DTSQ đã tiến hành Điều tra, đánh giá thực trạng và giải pháp phục hồi các hệ sinh thái rừng tại huyện Kỳ Sơn với những nội dung chủ yếu sau:
* Tổng quan  về nghiên cứu các hệ sinh thái rừng
- Một số khái niệm có liên quan đến nghiên cứu các hệ sinh thái rừng
- Các nghiên cứu về phục hồi rừng
* Mục tiêu, đối tượng và phương pháp nghiên cứu
- Mục tiêu nghiên cứu
- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Nội dung nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu
* Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội trong khu vực
- Điều kiện tự nhiên của huyện Kỳ Sơn
- Điều kiện kinh tế- xã hội
* Kết quả nghiên cứu về các hệ sinh thái rừng
- Đặc điểm các loại rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Kỳ Sơn
- Đặc điểm tài nguyên thực vật và ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên, kinh tế- xã hội đến tái sinh phục he3ồi rừng
- Cơ sử dữ liệu khoa học phục vụ quá trình xây dựng các giải pháp phục hồi rừng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn
- Đề xuất các giải pháp và kế hoạch nhằm phục hồi rừng trong giai đoạn 2020-2025, định hướng thực hiện trong giai đoạn 2025-2030
Đề xuất các giải pháp nhằm phục hồi rừng cho huyện Kỳ Sơn
Kế hoạch nhằm phục hồi rừng trong giai đoạn 2020-2025 và định hướng thực hiện trong giai doạn 2025-2030
Đây là công trình nhiên cứu, đề xuất những tiêu chuẩn cụ thể để phân loại đối tượng KNPHR. Đây không chỉ là căn cứ khoa học phục vụ việc quản lý, chỉ đạo thực hiện hoạt động KNPHR của các cơ quan Nhà nước như trong công tác kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu, xác định biện pháp kỹ thuật, quyết định mức và hướng đầu tư mà còn giúp cho người điều tra xác định đúng đối tượng KNPHR. Từ đó làm cho công tác quy hoạch, thiết kế nói chung và hoạt động KN nói riêng đạt được các mục tiêu phục hồi các hệ sin h thái rừng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

                                                                                                                      Nguyễn Tiến Hưng-BQL Khu DTSQ miền Tây NA