KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

ĐA DẠNG VỀ KHU HỆ CÁ SUỐI Ở KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PÙ HOẠT, TỈNH NGHỆ AN

ngày 18 tháng 1 năm 2021
Khu BTTN Pù Hoạt nằm ở chóp Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, đây là một trong ba vùng lõi thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An; cách thành phố Vinh khoảng 150 km về phía Tây Bắc, cách quốc lộ 1B (đường Hồ Chí Minh) theo đường 48 đi vào từ thị xã Thái Hòa khoảng 75 km. Khu vực có nhiệt độ bình quân năm là: 23,10C, nhiệt độ tối cao vào mùa hè là 41,30C, nhiệt độ tối thấp vào mùa đông là 100C; độ ẩm bình quân năm 86%; lượng mưa bình quân năm là: 1.734,5mm. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thuộc vùng đầu nguồn của hai hệ sông. Hệ sông Chu bắt nguồn từ phía Tây Pù Hoạt (Lào) đến khu bảo tồn rồi sang địa phận Thanh Hoá, với chiều dài hơn 64 km. Dọc hai bên sông, bên các suối lớn là vùng sinh sống và canh tác của cộng đồng các dân tộc thuộc xã Thông Thụ và xã Đồng Văn. Hệ sông Hiếu bắt nguồn từ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, có diện tích lưu vực chiếm khoảng 30% diện tích khu bảo tồn, với các chi lưu Nậm Việc, Nậm Giải, Nậm Quàng. Chính vì thế mà hệ cá suối tại khu vực này rất đa dạng và phong phú.
 

                              Rừng SAMU Dầu thuộc Khu BTTN Pù Hoạt

Với sự hỗ trợ kinh phí từ Dự án sự nghiệp môi trường tỉnh Nghệ An, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã tiến hành nhiều đợt khảo sát để thu thập mẫu cá trong hệ thống suối thuộc Khu BTTN Pù Hoạt; từ đó lập danh lục cá và xác định các loài cá có ý nghĩa bảo tồn ở khu vực nghiên cứu. Những dẫn liệu khoa học này sẽ góp phần định hướng công tác bảo tồn đa dạng sinh học cá tại Khu BTTN Pù Hoạt.
Cá là nguồn thực phẩm lâu đời của con người; không những thế trong y học phương Đông, nhiều loài cá được dùng làm thuốc chữa bệnh. Vì vậy, việc tiến hành sưu tập và phân loại cá nhằm bảo vệ và khai thác chúng một cách có hiệu quả là rất cần thiết. Trên phương diện sinh thái học, cá là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi-lưới thức ăn tự nhiên; bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm có liên quan hết sức mật thiết với việc bảo tồn cá tự nhiên. Đây là lý do quan trọng để tiến hành sưu tập và phân loại cá trong các khu bảo tồn ở nước ta; trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Kết quả điều tra thành phần loài Cá suối ở KBTTN Pù Hoạt
Trong 03 đợt khảo sát chúng tôi đã sưu tầm được 693 mẫu cá trong hệ thống khe suối tại KBTTN Pù Hoạt. Kết quả định loại, lập danh lục đã xác định được 48 loài Cá thuộc 40 giống, 15 họ và 05 bộ; trong đó có 04 phênon mới định danh đến giống.
Các loài cá có giá trị kinh tế và bảo tồn nguồn gen: Trong tổng số 48 loài cá ghi nhận được, 2 loài có tên trong danh lục đỏ của IUCN-2020, 1 loài trong Sách Đỏ Việt Nam-2007, 18 loài có giá trị kinh tế cao (Bảng 01). Ngoài ra có 1 loài là taxon độc nhất (Cá sóc). Đây là 20 loài cá cần được ưu tiên trong triển khai công tác bảo tồn đa dạng sinh học cá tại KBTTN Pù Hoạt.
Các loài cá ghi nhận bổ sung cho khu vực nghiên cứu: So với các kết quả điều tra cá ở khu vực Tây Bắc Nghệ An trước đó; kết quả điều tra năm 2020 đã ghi nhận lại 40 loài và bổ sung 08 loài cho khu vực Tây Bắc Nghệ An.


Một số hình ảnh về các loài Cá mới ghi nhận trong Khu BTTN Pù Hoạt


                        1. Cá Đục đanh chấm hải nam                                                                     2. Cá bám khuyết 
                Microphysogobio kachekensis (Oshima 1926)                                                             Beaufortia sp


                      3. Cá Chạch vây bằng vẩy lan cang                                             4. Cá Chạch vây bằng vẩy bu-xây 
                   Balitora lancangjiangensis (Zheng, 1980)                                                  Balitora brucei Gray, 1933


                   5. Cá Chạch vây bằng vẩy quảng tây                                                         6. Cá chiên suối   
               Balitora cf. kwangsiensis Kottelat &Chu, 1988                                                    Glyptothorax sp  

                                7. Cá chiên thác bẹt                                                                             8. Cá chiên bẹt  
               Oreoglanis cf. infulatus Nguyen & Freyhof, 2001                           Pareuchiloglanis cf. nebulifer Ng & Kottelat, 2000


                                                                                                                                                   Văn Mạnh-Khu BTTN Pù Hoạt