KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

CÁC NHÓM LÂM SẢN NGOÀI GỖ Ở KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN

ngày 18 tháng 8 năm 2021
Các loài LSNG là thực vật bậc cao có mạch. Toàn bộ các loài thực vật bậc cao có mạch cho LSNG, trên cơ sở mục đích sử dụng được phân thành 5 nhóm theo hướng dẫn trong tài liệu “Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam” . Theo đó các loài cho Sợi bao gồm cả các loài được sử dụng để đan, dây buộc; nhóm cây lương thực, thực phẩm bao gồm các loài cho rau ăn, cho tinh bột từ hạt, từ củ, từ thân, cho quả để ăn và giải khát, cho các loại gia vị ...Nhóm cây cho các sản phẩm chiết xuất bao gồm các loài cho dầu béo, tinh dầu và nhựa, tanin và thuốc nhuộm. Nhóm cây cảnh và công dụng khác bao gồm các loài được sử dụng làm cảnh, trồng cho bóng mát, loài cho độc, thức ăn gia súc...
Phân bố của các nhóm loài LSNG ở Miền tây Nghệ An

 

  TT                               Công dụng   Số loài           Tỷ lệ (%)
   1    Nhóm cây cho thuốc    1640            78,21           
   2    Nhóm cây cảnh và công dụng khác     513            24,46
   3    Nhóm cây cho lương thực, thực phẩm     489            23,32
   4    Nhóm cây cho sản phẩm chiết xuất     357            17,02
   5    Nhóm cây cho sợi     124             5,53

 

1. Nhóm cây được sử dụng làm thuốc

Nhóm cây làm thuốc là nhóm có số loài lớn nhất trong các nhóm LSNG, với 1.640 loài chiếm 78,21 % tổng số loài. Các cây làm thuốc ở Miền tây Nghệ An phân bố trong 6 ngành, 188 họ, 751 chi thực vật bậc cao có mạch. Kết quả được trình bày ở bảng 3.9. Các loài cây làm thuốc chủ yếu được người dân sống ở khu vực vùng đệm thường xuyên sử dụng và khai thác bán cho các thương lái như: Thông đất răng (Huperzia serrata (Thunb.) Trevis.), Thông đất (Lycopodiella cernua (L.) Pic. Serm), Hoa giẻ (Desmos chinensis Lour.), Cách thư thorel (Fissistigma thorelii (Fin. & Gagnep.) Merr.), Dừa cạn (Cantharanthus roseus (L.) G. Don), Ngũ gia bì (Acanthopanax trifoliatus (L.) Merr.), Sâm thơm (Heteropanax fragrans (Roxb.) Seem)…

Sự phân bố về số lượng và tỷ lệ các taxon của nhóm cây làm thuốc

 

             Ngành                     Họ                 Chi               Loài
     Số lượng       %   Số lượng       %   Số lượng       %
         Psilotophyta           1     0,53           1     0,13           1    0,06   
      Lycopodiophyta           2     1,06         3     0,40       13    0,79
        Equisetophyta           1     0,53           1     0,14        1    0,06
       Polypodiophyta          21    11,17        34     4,53         66    4,02
           Pinophyta           5    42,66         8     1,07         12    0,73
       Magnoliophyta         158    84,04       704    93,74     1547   94,33
               Tổng         188     100       751      100     1640    100 

 

 

2. Nhóm cây cho lương thực, thực phẩm

Nhóm cây cho lương thực, thực phẩm hay còn được gọi là nhóm cây ăn được có số lượng loài khá nhiều với 489 loài chiếm 23.32% tổng số loài LSNG ở Miền tây Nghệ An. Chúng phân bố trong nhiều taxon phân loại. Kết quả được thể hiện ở bảng 3.13.
Sự phân bố về số lượng taxon các cây ăn được ở Miền Tây Nghệ An

 

                            Ngành              Họ        Chi         Loài
     SL      %   SL      %   SL      %
                     Polypodiophyta       6    6,32    8    2,87   10   2,05
                         Pinophyta       1    1,05    1    0,36    1   0,20
                     Magnoliophyta      88   92,63   270   96,77  478  97,75
                       Tổng cộng      95     100    279    100   489   100 

 

Mặc dù các loài cây ăn được xuất hiện trong 3 ngành nhưng số lượng loài chủ yếu tập trung trong ngành Ngọc lan
(Magnoliophyta) với 478 loài, chiếm 97,75%. Tiếp đến là ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) với 10 loài, chiếm6,32%; ngành Thông (Pinophyta) chỉ có 1 loài chiếm 1,05%.

3. Nhóm cây cho sợi

Trong tổng số 2097 loài cây cho LSNG ở Miền Tây Nghệ An có 124 loài cây cho sợi, chiếm 5,53%. Trong đó các loài tập trung trong 3 ngành Dương xỉ (Polypodiophyta), Thông (Pinophyta) và Ngọc lan (Magnoliophyta). Kết quả được thể hiện ở bảng 3.14.
Sự phân bố của các taxon cho sợi ở Miền tây Nghệ An

 

               Ngành              Họ         Chi         Loài
   SL       %   SL      %   SL     %
        Polypodiophyta     2     7,41    2    2,74    2   1,61
            Pinophyta     1     3,70    1    1,37    3   2,42
        Magnoliophyta    24    88,89   70   95,89  119  95,97
           Tổng cộng    27     100    73     100   124   100 

 

Tuy số loài ít nhưng các loài cho sợi  lại được khai thác thường xuyên và nhu cầu thị trường khá lớn, đặc biệt là thị trường nguyên liệu mây tre đan xuất khẩu. Nên nhiều loài bị khai thác nhiều trở nên cạn kiệt trong tự nhiên như: Song mật (Calamus platyacanthus Warb. ex Becc.), Song bột (Calamus poilanei Conrard.), Mây nếp (Calamus tetradactylus Hance), Bời lời nhớt (Litsea glutinosa (Lour.) C. B. Robins…
Bộ phận được khai thác chủ yếu của các loài cho sợi là Thân cây với 77 lượt loài, Vỏ cây với 33 lượt loài và cả cây với 9 lượt loài.
Các cây cho sợi: Các loài cho sợi chính là Gạo hoa đỏ (Bomba anceps Pierre), Cọ lá nhỏ (Colona palanei Gagnep.), Gai (Boehmeria nivea (L.) Gaudich.), Sang sé (Sterculia lanceolata Cav.), Thoa hoa dày (Reevesia thyrsoidea Lind.), Tơ đồng (Firmiana simplex (L.) W. Wight), Sung rổ (Ficus variolosa Lindl. ex Benth.), Ruối leo (Broussonetia karinoki Sieb. & Zucc.), Bái nhọn (Sida acuta Burm f.)…

4. Nhóm cây cho sản phẩm chiết xuất

Nhóm cây cho tanin, thuốc nhuộm, nhựa, nhựa dầu, tinh dầu và dầu béo,... có thể được gọi chung là nhóm cây cho sản phẩm chiết xuất. Thuộc nhóm này ở Miền tây Nghệ An có 357 loài, chiếm 17,02% tổng số loài LSNG của khu vực Tây Nghệ An. Các loài cho các sản phẩm chiết xuất phân bố không đồng đều trong các taxon. Các loài chỉ phân bố trong 2 ngành là ngành Thông (Pinophyta) và ngành Ngọc Lan (Magnolyophyta). Kết quả về sự phân bố của các loài được thể hiện ở bàng sau
Sự phân bố về số lượng và tỷ lệ họ, chi, loài của nhóm cây chiết xuất ở khu vực Miền Tây Nghệ An

 

             Ngành                 Họ             Chi           Loài
   Số loài       %     Số loài     %    Số loài     %
          Pinophyta         5     0,09         9  12,68        10   2,80
             Tổng        50    90,91        62  87,32       347  97,20
         Tổng cộng        55    100.0         71    100       357    100

 

Những họ có khá nhiều loài cho tanin là: Họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), họ Dẻ (Fagaceae), họ Trúc đào (Apocynaceae), loài phổ biến Xoay (Dialium cochinchinensis), Mang kiêng (Pterospermum truncatolobatum Gagnep.), Lòng mang lá cò ke (Pterospermum grewiaefolium Pierre), Hoắc quang nhuộm (Wendlandia tinctoria (Roxb.) DC.), Vối (Cleistocalyx operculatus (Roxb.) Merr. & Perry),…
Các họ có nhiều loài cho nhựa gồm: Họ Trám (Burseraceae), họ Hồng xiêm (Sapotaceae), họ Cam (Rutaceae), họ Long não (Lauraceae), họ Thích (Aceraceae). Nhựa chủ yếu được khai thác dùng trong công nghệ dược phẩm, mỹ phẩm và trong các ngành công nghiệp điện tử với các loài chủ yếu là Trám trắng (Canarium album (Lour.) Raeush. ex DC.), Giom turie (Melodinus tournieri Pierre ex Spire), Guồi nam bộ (Willughbeia edulis Roxb.), An tức bắc bộ (Styrax tonkinensis (Pierre) Craibex Hand.),…
 Các họ có nhiều loài cho dầu, tinh dầu gồm: Họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), họ Long não (Lauraceae), họ Hòa thảo (Poaceae), họ Gừng (Zingiberaceae), họ Bạc hà (Lamiaceae). Với các loài phổ biến như: Mãng cầu xiêm (Annona muricata L.), Sa nhân (Amomum muricarpum C. F. Liang & D. Fang), Ngải hoa trắng (Hedychium coronarium Koenig), Gừng núi (Zingiber montanum (Koenig) Link ex Dietr.), Gừng tím (Zingiber ottensii Valeton),…
 Các cây cho dầu béo: Đây là nhóm mà các loài thực vật dùng hạt hay các bộ phận khác nhau để ép dầu trong công nghiệp hay trong thực phẩm với các loài chính là Chè hôi (Ternstroemia gymnanthera (Wight et Arn.) Bedd.), Sở (Camelia oleifera C. Abel), Trường mật (Pometia pinnata Forst. et G. Forst.), Dầu dấu lá tần bì (Tetradium fraxinifolium (Hook.) Hartley),…
 Các cây cho nhuộm: Người dân sử dụng màu tự nhiên của các loài thực vật dùng để nhuộm vải, nhuộm các thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày như: Dung lá trà (Symplocos laurina (Retz) Wall.), Nghể tràm (Polygonum tinctorium Ait.), Mán đỉa (Archidendron clypearia (Jack.) C. Nielsen), Keo tuyến to (Acacia megaladina Desv.), Nam hoàng (Fibraurea recisa Pierre), Hoàng đằng (Fibraurea tinctora Lour.).

3.3.5. Nhóm cây LSNG cho các công dụng khác

Nhóm này có gồm 513 loài, chiếm 24,46 % tổng số loài LSNG. Cây làm cảnh, cho hoa: Hệ thực vật Miền Tây Nghệ An, có nhiều loài được sử dụng làm cây cảnh, cây bóng mát là: Họ Cau  (Arecaceae), họ Bằng lăng (Lythraceae), họ Vang (Caesalpiniaeae), họ Ngọc lan (Magnoliaceae), họ Côm (Elaeocarpaceae),… Những họ có nhiều loài được sử dụng làm cây hoa gồm: Họ Đỗ quyên (Ericaceae), Họ chè (Theaceae), họ Lan (Orchidaceae),… 
Lan cổ lý (Collabium chinense (Rolfe) Tang & Chen), Ngọc kiếm (Cymbidium aloifolium (L.) Sw.), Lưỡi điểm hạc (Dendrobium anosmum Lindl.), Tiểu thạch hộc (Dendrobium podagraria Hook. f.), Ẩn trụ hoa nhỏ (Thelasis micrantha (Brogn.) J. J. Sm.),…
 Nhóm cây cho thức ăn gia súc: Ráy (Alocasia macrorrhizos (L.) G. Don), Ráy thùy dài (Alocasia longiloba Miq.), Môn to (Colocasia gigantean (Blume ex Hassk.) Hook. f.), Khoai nước (Colocasia esculata Schott), Cói bạc đầu lá ngắn (Kyllinga brevifolia Rottb.), Lác đuôi (Mariscus umbellatus Vahl), Cói dùi bấc (Scirpus juncoides Roxb.), Cói quăn năm cạnh (Fimbristylis qingquangularis (Vahl) Kunth),…
Nhóm cây có độc: Các loài thực vật này có độc tính cao được xem là nguồn tài nguyên tiềm năng để khai thác ứng dụng trong công nghiệp y, dược,… với các loài chủ yếu là: Sui (Antiaris toxicaria (Pers.) Lesch.), Mã tiền lông (Strychnos ignatii Bergius), Củ chi (Strychnos angustiflora Benth.), Cóc kèn mã lai (Derris malaccensis (Benth.) Prain),…

                                                                                                                                                            Nguyễn Văn Điệp
                                                                                                                                                    BQL Chương trình PTLNBV