KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

NGHỆ AN CHUẨN BỊ SẴN SÀNG THỰC HIỆN THỎA THUẬN CHI TRẢ GIẢM PHÁT THẢI VÙNG BẮC TRUNG BỘ.

Cập nhật ngày 25/10/2020, 14:45:13
Tuyên truyền chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Thỏa thuận chi trả “Giảm phát thải và chuyển quyền Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025”

 

Như chúng ta đã biết, trong thời gian gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường trước được. Các hiện tượng thiên nhiên như bão mạnh, lũ lụt, lốc xoáy, mưa đá, hạn hán…. xẩy ra thường xuyên gây thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng con người. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu, trong đó có nguyên nhân chủ quan liên quan đến những tác động của con người. Nguyên nhân này đến từ quá trình sử dụng đất, nguồn nước và sự gia tăng lượng phát thải khí Cacbonic và các khí nhà kính từ các hoạt động của con người. 

                                                Rừng săn lẻ huyện Tương Dương

Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BĐKH, trong đó có nguyên nhân quan trọng là lượng phát thải khí nhà kính lớn do chuyển đổi rừng, suy thoái rừng và sử dụng không bền vững tài nguyên rừng. Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH và gần đây nhất là Thỏa thuận Paris (2016). Theo đó, Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH. Nhiều chiến lược và chính sách đã được ban hành nhằm ứng phó với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Các chính sách và nội dung chính liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm:

- Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5/12/2011). Những nội dung liên quan gồm: phục hồi và quản lý rừng bền vững nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và suy thoái đất, tăng cường bảo vệ và phát triển rừng và hệ sinh thái đất ngập nước nhằm giảm phát thải từ rừng và tăng cường hấp thụ các- bon. Các mục tiêu liên quan tới lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) là tăng độ che phủ rừng lên 45% vào năm 2030; quản lý bền vững 16,24 triệu ha đất lâm nghiệp, bao gồm 8,10 triệu ha đất rừng sản xuất; 5,84 triệu ha đất rừng phòng hộ và 2,30 triệu ha đất rừng đặc dụng; xây dựng và triển khai các chương trình, dự án về giảm phát thải và tăng cường hấp thụ các-bon và quản lý rừng bền vững.

- Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QD-TTg ngày 25/9/2012). Chiến lược hướng đến giảm phát thải, phát triển xanh và áp dụng công nghệ sạch vào sản xuất, công nghệ thân thiện với môi trường. Các mục tiêu chính gồm: giảm phát thải 8-10% so với năm 2010 cho giai đoạn 2010-2020; tăng độ che phủ rừng lên 45% vào năm 2020 và nâng cao chất lượng rừng và tăng cường hấp thụ các- bon.

- Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+) đến năm 2030 (Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017); tập trung giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các-bon rừng và quản lý bền vững tài nguyên rừng. Một số chính sách và giải pháp đề xuất tập trung vào các hành động giảm phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và tăng cường hấp thụ các-bon thông qua nâng cao chất lượng rừng. Các mục tiêu chính gồm: (1) Tăng độ che phủ của rừng lên 42% vào năm 2020, và đạt tổng diện tích rừng 14,4 triệu ha; (2) Tăng độ che phủ của rừng lên 45% vào năm 2030; và (3) Thực hiện các giải pháp giảm phát thải, tăng cường trữ lượng các- bon rừng và quản lý rừng bền vững.

- Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam đã được đệ trình lên Ban thư ký Công ước Khung của Liên hiệp quốc vào năm 2016 sau khi Việt Nam chính thức ký Thỏa thuận Paris. Thông qua INDC, Việt Nam cam kết mạnh mẽ thực hiện các giải pháp phù hợp để giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, nông nghiệp và lâm nghiệp. Mục tiêu của Việt Nam là giảm phát thải khí nhà kính ở mức 8% so với kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực của quốc gia và sẽ giảm tới 25% lượng phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế.

- Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 2/11/2016 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP. Nghị định này quy định việc chi trả cho các dịch vụ môi trường rừng, trong đó có dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon trong lâm nghiệp. Tuy nhiên, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon vẫn chưa được thực hiện.

Một trong chính sách đang được cụ thể hóa đó là REDD+, đây là sáng kiến nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính thông qua 5 hoạt động: (1) Giảm phát thải từ mất rừng, (2) Giảm phát thải từ suy thoái rừng, (3) Bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, (4) Quản lý rừng bền vững và (5) Tăng cường trữ lượng các-bon rừng.

* Tại cuộc Hội nghị Quỹ các-bon lần thứ 17 tại Paris (tháng 2/2018), Việt Nam đã bảo vệ thành công Đề án giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, được Hội nghị thông qua Nghị quyết số CFM/17/2018/2 và là nước Châu Á đầu tiên được đưa vào danh mục đầu tư của Quỹ. 

Đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (sau đây gọi là Đề án) thực hiện trên toàn bộ phạm vi vùng Bắc Trung Bộ. Vùng này có tổng diện tích tự nhiên là 5,1 triệu ha (chiếm 16% tổng diện tích đất của Việt Nam), trong đó 80% là diện tích đất lâm nghiệp. Vùng BTB có tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực này bao gồm năm hành lang bảo tồn được quốc tế công nhận và có tỷ lệ đói nghèo cao nhất và thu nhập thấp trong cả nước. Gần 30% dân số ở vùng BTB đang sống dưới mức chuẩn nghèo quốc gia. Vùng này cũng đại diện cho các vùng khác trong nước về nhu cầu thúc đẩy phát triển bền vững, dựa trên quản lý rừng bền vững, phục hồi và bảo vệ rừng. 

Đề án có tầm quan trọng chiến lược về các khía cạnh sau: (i) Hỗ trợ các hoạt động sử dụng đất và rừng quy mô lớn; (ii) Giải quyết mối liên quan giữa nông nghiệp và phá rừng; (iii) Hỗ trợ giảm nghèo; và (iv) Áp dụng các cơ chế tài trợ sáng tạo để thanh toán các dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là tín chỉ giảm phát thải và tăng hấp thụ các-bon. Thực hiện Đề án sẽ cung cấp những bài học và mô hình quan trọng không chỉ trong vùng BTB mà cả trong và ngoài nước. Đối với từng vấn đề, Đề án chủ yếu dựa vào các cam kết của chính phủ, thể hiện qua các chính sách, chương trình, dự án liên quan đang và sẽ triển khai ở vùng BTB.

Đề án được xây dựng và thực hiện nhằm giải quyết các nguyên nhân gây mất rừng, suy thoái rừng để giảm phát thải. Thực hiện Đề án đóng góp trực tiếp vào cam kết của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững và đặc biệt là Chương trình hành động quốc gia về REDD+ đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017. Những vấn đề sẽ giải quyết trong Đề án gồm:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho giảm phát thải: Đây là các vấn đề liên quan đến cơ chế và chính sách nhằm cung cấp và tăng cường khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phù hợp thực hiện giảm phát thải liên quan đến mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường trữ lượng các-bon rừng. Các hoạt động sẽ giải quyết các nguyên nhân cốt lõi và tiềm ẩn liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng nghèo kiệt sang loại hình sử dụng đất có giá trị cao hơn và tăng cường quản lý rừng, thực thi pháp luật. Can thiệp này sẽ tạo môi trường thuận lợi và các tác động lan tỏa trong thực thi các chính sách về giảm nhẹ và thích ứng BĐKH ở vùng BTB và trên phạm vi cả nước. 

- Thúc đẩy quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các-bon rừng: Ngành lâm nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ rừng. Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã được phê duyệt vào tháng 7 năm 2013 để tăng cường tính cạnh tranh của ngành, huy động vốn đầu tư có hiệu quả và thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững. Các hoạt động của Đề án được xây dựng dựa trên các nỗ lực này để hỗ trợ các ưu tiêu phát triển lâm nghiệp của Chính phủ ở vùng BTB nhằm: (i) Bảo tồn diện tích rừng tự nhiên hiện có; (ii) Tăng cường trữ lượng các-bon rừng trồng và (iii) Tăng cường và phục hồi rừng tự nhiên nghèo.

- Thúc đẩy nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững cho người dân sống phụ thuộc vào rừng: nhận thức được rằng phát triển bền vững trong dài hạn phụ thuộc vào cải thiện sinh kế cho người dân sống trong và gần rừng, nhu cầu cấp thiết đặt ra là phải đa dạng hóa và duy trì sinh kế cho người dân và cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, đặc biệt là ở các điểm nóng về mất rừng và suy thoái rừng. 

Hiện tại, Thỏa thuận chi trả Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN-PTNT (Cơ quan thực hiện Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ) và Ngân hàng thế giới (WB) với tư cách là cơ quan được FCPF ủy thác. Với thỏa thuận này Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) với tổng số tiền là 51,5 triệu USD. Trên cơ sở ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng thế giới, để điều phối và phân chia nguồn thy tương ứng UBND các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ phân phối sẽ chỉ đạo các chủ rừng, các bên liên quan tham gia thực hiện thỏa thuận theo các điều khoản ràng buộc. 

Tại Nghệ An, trong giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng thực hiện, công tác tuyên truyền đóng góp quan trọng đến sự thành công của Đề án này. Với sự hỗ trợ của dự án FCPF2, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Nghệ An đã tổ chức các cuộc hội thảo tuyên truyền về Chương trình REDD+, Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025 tại 12 huyện và 56 xã trong vùng thực hiện REDD+ của tỉnh. Số lượng đại biểu tham gia bình quân đạt 50 người/ cuộc, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số có cuộc sống gắn liền với rừng. Thông qua các cuộc hội thảo, các đại biểu tham gia đã nắm bắt được các nội dung, nâng cao nhận thức về REDD+ và các hoạt động được triển khai, các lợi ích khi tham gia vào REDD+. Từ đó làm tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn và cộng đồng dân cư người sinh sống. Các thông tin về REDD+ đã được các đại biểu chia sẻ rộng rãi trong các đơn vị, các hộ dân, cộng đồng địa phương các dân tộc thiểu số. Các đại biểu đã được giải đáp những thắc mắc liên quan đến nội dung cũng như các kế hoạch thực hiện REDD+; bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã nêu lên các ý kiến của mình về vai trò của rừng, các nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng tại địa phương và đóng góp các ý kiến trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. 

Thực hiện tốt Thỏa thuận chi trả “Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025” cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ lá phổi xanh của trái đất, đối phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo cho cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn./.

 

                                                                                                                                                                   Nguyễn Huy Ninh- Dự án BR