Ngày 16/12/218 tại Vườn quốc gia Pù Mát, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phối hợp với Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Tây Nghệ An tổ chức lễ ra mắt Bảo tàng thiên nhiên - Văn hóa mở.
Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát chia sẻ:
Bảo tàng cũng là cơ hội để Vườn trình diễn những kết quả trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển nâng cao sinh kế, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương 3 huyện làm tốt hơn nữa mục tiêu và nhiệm vụ vừa bảo tồn thiên nhiên, vừa gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân tộc sinh sống trong và xung quanh vùng đệm của Vườn quốc gia Pù Mát...".
Tham dự buổi lễ có PGS.TS Nguyễn Trung Minh - Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam ; GS.TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam); GS.TS Lê Xuân Cảnh - Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia; ông Nguyễn Tiến Lâm Phó trưởng Ban thường trực BQL Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT; các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và lãnh đạo huyện Con Cuông.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thứ 6 của Việt Nam, có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Vườn quốc gia Pù Mát làm trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động, thực vật, cũng là nơi sinh sống của 6 dân tộc anh em: Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh, Thổ, Ơ Đu với những nét văn hóa đặc sắc.
Để những giá trị văn hóa, đa dạng sinh học của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An được phổ biến rộng rãi, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia “nghiên cứu xây dựng mô hình Bảo tàng thiên nhiên - Văn hóa mở Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An”. Sản phẩm của Đề tài là nhiều báo cáo khoa học quan trọng và mô hình Bảo tàng thiên nhiên - văn hóa được hình thành trên cơ sở nâng cấp Bảo tàng Vườn quốc gia Pù Mát.
Việc xây dựng cũng như đi vào hoạt động của Bảo tàng thiên nhiên - Văn hóa mở sẽ mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa, tiếp nhận các nội dung giáo dục về môi trường của công chúng, cũng như giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư bản địa tại miền Tây Nghệ An.
Qua đó sẽ tạo ra tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch bền vững cho người dân địa phương, nâng cao ý thức và trách nhiệm của họ trong giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa và an ninh quốc phòng cho miền Tây Nghệ An; mở ra những cơ hội để các cộng đồng dân tộc thiểu số sống trong và cận Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của mình, khích lệ mọi người tham gia vào công việc bảo tồn thiên nhiên và văn hóa với tư cách là những chủ thể cùng tồn tại.
Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc của người dân tộc thiểu số ở vùng Khu dữ trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An tại lễ khai trương
Các đại biểu cắt băng khánh thành bảo tàng.
Tại đây, các nhà khoa học đã chỉ ra tính đa dạng của các quần thể động, thực vật bên cạnh sự giàu có về bản sắc văn hóa của các tộc người. Có thể nói, Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An nói riêng và miền tây tỉnh Nghệ An nói chung có hai lợi thế so sánh nổi trội là nông lâm nghiệp và du lịch, do đó, rất cần những cú hích để tập trung phát triển về chiều sâu, vừa giúp nâng cao đời sống người dân, vừa đảm bảo tính bền vững của phát triển.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, khu dự trữ có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285ha. Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh quyển rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng, phong phú.
Bên cạnh cảnh quan đặc sắc và nguồn tài nguyên động, thực vật quý giá, sự giàu có về đặc trưng văn hóa các tộc người sinh sống tại khu vực này đã góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên-con người đa màu, có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa và môi trường.
Việc Vườn Quốc gia Pù Mát được lựa chọn và tiếp nhận trưng bày mô hình Bảo tàng Thiên nhiên – Văn hóa mở hôm nay đặt ra cho lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Pù Mát trách nhiệm lớn trong việc duy trì hoạt động của Bảo tàng, bảo quản hệ thống hiện vật và pano, mô hình trưng bày, tạo ra sự kết nối giữa Bảo tàng với các điểm tham quan trải nghiệm và với cộng đồng dân cư bản địa tại miền Tây Nghệ An. Đây cũng là cơ hội để thu hút ngày càng nhiều hơn khách du lịch.
Nguyễn Duy - Báo Dân Trí