KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

XÂY DỰNG CƠ CHẾ CHIA SẺ THÔNG TIN GIỮA MẠNG LƯỚI GIÁM SÁT RỪNG ĐỘC LẬP (FICM) VỚI CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC BÊN LIÊN QUAN ĐỂ BẢO VỆ RỪNG Ở NGHỆ AN

21/4/2022

Chương trình quốc gia về REDD+ (NRAP) được Thủ tướng phê duyệt ngày 05 tháng 04 năm 2017, là Chương trình REDD+ cấp vùng đầu tiên ở Việt Nam với mục tiêu giảm 32,09 triệu tấn CO2. Trong đó, giai đoạn 2019-2024 sẽ giảm phát thải 26 triệu tấn và ngân hàng tế giới (WB) đã cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 51,5 triệu đô la Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng đã cam kết với WB sẽ giới thiệu được một cơ chế Giám sát độc lập thay đổi rừng (FCIM) tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ mà các tổ chức xã hội (CSOs) và các tổ chức cộng đồng (CBOs) làm nòng cốt đảm bảo quản trị rừng tốt, góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Cho nên, dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” - CSO-LA/2029/411-843, do Ủy ban châu Âu (EU) tài trợ nhằm mục tiêu tăng cường sự tham gia, xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội (CSOs) và các tổ chức cộng đồng (CBOs) trong lĩnh vực lâm nghiệp, giúp họ hợp tác với nhau và với các cơ quan lâm nghiệp tạo nên nền tảng cơ bản để tham gia hiệu quả vào giám sát các chương trình REDD+.

                                                        Hội thảo khởi động dự án (tháng 10/2020)

Dự án bắt đầu thực hiện từ ngày 01 tháng 09 năm 2021 cho đến nay đã tròn 1 năm hoạt động trên địa bàn 6 xã (Tam Đình, Tam Quang, Tam Thái, Hữu Kiệm, Tây Sơn, Na Ngoi) thuộc 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Bước đầu, dự án đã hình thành được một mạng lưới FCIM từ cấp khu vực Bắc Trung Bộ đến cấp thôn bản. Trong đó, hạt nhân là 18 nhóm FCIM của 18 bản dự án (3 bản/1 xã); mỗi nhóm gồm 10 thành viên là những người có tinh thần tự nguyện, tích cực, uy tín, thông thạo địa bàn, sử dụng được điện thoại thông minh thuộc các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng (như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đội tuần tra bảo vệ rừng, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Ban công tác Mặt trận bản). Nhằm nâng cao năng lực và hỗ trợ cho mạng lưới FCIM, 102 thành viên thuộc các nhóm FCIM cấp huyện, xã, bản được tham dự 04 khóa tập huấn sử dụng hệ thống Terra-i để giám sát thay đổi rừng. 

Khóa tập huấn nâng cao năng lực sử dụng Terra-i cho các nhóm FCIM tại huyện Kỳ Sơn và Tương Dương (tháng 03/2021)

Sau các đợt tập huấn, các thành viên đã sử dụng thành thạo các thiết bị hỗ trợ (điện thoại thông minh, máy GPS) để thực địa giám sát mất rừng theo cảnh báo trên hệ thống Terra-i và đã thu được một số kết quả nhất định trong 4 tháng qua (từ tháng 04/2021 đến tháng 08/2021). Đặc biệt, 02 nhóm FCIM bản (Huồi Giảng 1 - Kỳ Sơn, Quang Yên - Tương Dương) hoạt động có hiệu quả và tích cực đã được dự án cấp các khoản tài trợ nhỏ để thực hiện tốt hơn các hoạt động thực địa, giám sát thay đổi rừng và báo cáo kết quả lên hệ thống Terra-i, viết các tin bài truyền thông hoạt động dự án đến bà con nhân dân các thôn bản. 

Các nhóm FCIM tại huyện Kỳ Sơn và Tương Dương thực địa xác nhận mất rừng theo các điểm cảnh báo trên hệ thống Terra-i 

Để các kết quả giám sát của các nhóm FCIM được sử dụng hiệu quả, có ý nghĩa hơn với các hoạt động quản lý bảo vệ rừng của địa phương và Chương trình REDD+, Ban quản lý (BQL) dự án đã tổ chức được 04 cuộc họp hàng quý giữa mạng lưới FCIM với chính quyền địa phương cấp xã, huyện và các bên liên quan để bàn bạc cách thức sử dụng, trao đổi thông tin và công bố các kết quả giám sát, nhằm định hướng các hoạt động của dự án để các nhóm FCIM hoạt động thật sự hiệu quả trong thời gian tới. 

    Tham dự cuộc họp hàng quý về giám sát độc lập diễn biến rừng, về phía chính quyền có đại diện UBND các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, UBND các xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Hữu Kiệm, Tây Sơn, Na Ngoi; các bên liên quan có đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Ban quản lý Rừng phòng hộ, Hạt kiểm lâm Kỳ Sơn và Tương Dương; Cán bộ Kiểm lâm địa bàn. Về phía các nhóm FCIM, có đại điện các nhóm FCIM cấp huyện, xã và 18 bản thuộc dự án; đại diện Hội các ngành Sinh học Nghệ An; đại diện Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Nghệ An và cán bộ dự án.

Bà Đào Thị Minh Châu, Phó Giám đốc dự án, trình bày các báo cáo tại cuộc họp hàng quý giữa mạng lưới FCIM với chính quyền địa phương và các bên liên quan

          Cuộc họp đã thảo luận và thống nhất nhiều nội dung về: (1) mức độ hợp lý và độ tin cậy của mạng lưới giám sát độc lập thay đổi rừng (FCIM); (2) kết quả giám sát của hệ thống Terra-i và hỗ trợ cho công tác giám sát, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cho các chủ rừng là tổ chức và cơ quan quản lý rừng tại huyện Kỳ Sơn; (3) cơ chế chia sẻ thông tin giữa mạng lưới FCIM với chính quyền địa phương (UBND xã), các cơ quan quản lý rừng và các chủ rừng là tổ chức; (4) các giải pháp hạn chế mất rừng, suy thoái rừng mà mạng lưới FCIM có thể phối hợp, tham gia với các bên liên quan để hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trao đổi với BQL dự án, Ông Hoàng Văn Huynh, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn cho rằng, dự án bắt đầu thử nghiệm hệ thống Terra-i có nhiều ưu điểm, nhanh hơn với cảnh báo sớm 16 ngày/lần, cho phép các lực lượng chức năng sớm có kế hoạch và phương án để triển khai xác minh, xử lý. Tuy nhiên, Kỳ Sơn là một huyện đặc thù, chưa giao đất giao rừng, người dân chủ yếu làm nương rẫy với chu kỳ 7 năm/lần, chặt phát rừng trồng, dọn thực bì hàng năm. Cho nên, dự án cần xem xét để cân đối các diện tích theo dõi, loại trừ các diện tích nương rẫy để giảm số điểm giám sát, tăng tính chính xác và dễ dàng kiểm tra. Đặc biệt, hệ thống khó phát hiện các điểm mất rừng nhỏ do người dân khai thác 1-2 cây Pơ-mu, Sa-mu nên sẽ rất khó khăn trong việc giám sát. Về cơ chế chia sẻ thông tin, Kiểm lâm Huyện cùng với Kiểm lâm địa bàn mong thông tin sẽ được chia sẻ về UBND xã làm đầu mối, trao đổi với Kiểm lâm địa bàn để tìm giải pháp xử lý trước khi công bố các thông tin liên quan. 

                                         Ông Hoàng Văn Huynh, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn, tham luận tại các cuộc họp

Đồng ý với các quan điểm trên, Ông Lương Vĩnh Phước, Kiểm lâm huyện Tương Dương, dự án thực hiện thí điểm tại 3 xã Tam Đình, Tam Quang, Tam Thái với kết quả đạt được như vậy là ổn, giúp cho kiểm lâm địa bàn kiểm tra giám sát các hoạt động vi phạm lâm luật. Việc ở các cơ sở thôn bản mà thực hiện được các hoạt động giám sát rừng dưới sự hỗ trợ của dự án, thì việc mở rộng ra các huyện nói chung, Tương Dương nói riêng là khả thi. Tuy nhiên, việc phát hiện mất rừng ở các nhóm FCIM thôn bản phải kịp thời để xác định nguyên nhân, có hướng điều tra, biện pháp xử lý. Nếu phát hiện, không có chế tài xử lý, răn đe thì rừng vẫn cứ mất. Vì vậy, các tổ chức xã hội hỗ trợ việc giám sát rừng là rất tốt, nhưng cần trao đổi, định kỳ phối hợp chặt chẽ với UBND xã, kiểm lâm địa bàn, các chủ rừng để kịp thời thực hiện các chế tài xử lý.

Đại diện BQL Rừng phòng hộ Tương Dương, Ông Dương Văn Chuẩn chia sẻ, việc giám sát rừng cần có kinh nghiệm xác định loại rừng để đánh giá chính xác hiện trạng mất rừng, kiểm tra báo cáo kịp thời với các bên liên quan. Ông cũng đồng ý rằng các nhóm FCIM duy trì hoạt động thường xuyên sẽ giúp quản lý rừng tốt hơn nhưng dự án cần thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên tổ giám sát hiểu được hiện trạng rừng, lĩnh vực rừng: cây tái sinh/ diện tích, rừng giàu, rừng nghèo, rừng phục hồi sau nương rẫy.

Về phía chính quyền địa phương, đại diện UBND xã Tây Sơn, Ông Vừ Bá Rê cho rằng, khi thôn bản phát hiện được mất rừng, cần thông báo lên UBND xã, phối hợp với Kiểm lâm địa bàn để báo với hộ gia đình, chủ rừng quản lý, thống nhất kết quả, trước khi báo cáo lên hệ thống Terra-i. Điều này, giúp cho nguồn thông tin được chính xác, UBND xã cũng quản lý được để có giải pháp và chế tài thích hợp. Tránh tình trạng, nhóm FCIM phát hiện, đã cảnh báo lên hệ thống Terra-I nhưng UBND xã, kiểm lâm, chủ rừng, hộ gia đình chưa biết, không phát hiện được. Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, ông Mùa Bá Giờ cho rằng, thông tin từ  mạng lưới FCIM từ cấp thôn bản lên cấp xã, rồi cấp huyện sẽ được quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn, đảm bảo phối hợp được giữa các bên liên quan. Đặc biệt, thống nhất với các quan điểm này, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, thành viên Ban chỉ đạo dự án cũng đã thống nhất được cơ chế chia sẻ thông tin từ FCIM thôn bản đến chính quyền (UBND xã, huyện) và các bên liên quan (Kiểm lâm, BQL RPH), rồi lên cấp Tỉnh và khu vực.

                                         Ông Mùa Bá Giờ, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện BQL dự án, các nhóm FCIM thôn bản cũng đã có nhiều phản hồi tích cực, làm rõ các thông tin liên quan đến hoạt động giám sát biến động rừng. Trong đó, các nhóm FCIM mong muốn hệ thống sẽ hiệu chỉnh để hoạt động chính xác, được hỗ trợ kinh phí để thường xuyên tiến hành các hoạt động thực địa, điều chỉnh một số khoảnh thuộc các tiểu khu để loại bỏ bớt các diện tích rừng thuộc khu vực sản xuất. BQL dự án cho rằng, FCIM là mạng lưới độc lập, có Quy chế hoạt động riêng, có trách nhiệm kiểm tra giám sát , báo cáo kết quả hiện trường, trách nhiệm xử lý thuộc UBND xã và lực lượng Kiểm lâm nên cần cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa 2 bên một cách hiệu quả. Trong thời gian tới, hệ thống Terra-I tiếp tục cải tiến để hoạt động hiệu quả hơn, tập huấn mở rộng về hệ thống Terra-i cho chính quyền địa phương và các bên liên quan.

Các cuộc họp đã đi đến nhiều kết luận quan trọng, là chính quyền cấp huyện, xã và các bên liên quan đều ủng hộ việc xây dựng mạng lưới FCIM từ cấp thôn bản đến cấp huyện, hướng đến xây dựng mở rộng mạng lưới FCIM ở khu vực Bắc Trung Bộ để trình cho WB, hỗ trợ tốt hơn cho chương trình REDD+. Dự án đánh giá cao hoạt động mạng lưới FCIM trong việc nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng, để khuyến khích họ tham gia 1 cách hiệu quả hơn vào trong công tác bảo vệ rừng. Thống nhất được cơ chế  chia sẻ thông tin giữa 2 bên (1 bên là cấp chính quyền và các bên liên quan; 1 bên là mạng lưới FCIM). Các bên thống nhất, sau khi thành công ở các khu vực thí điểm dự án nên triển khai tập huấn mở rộng cho chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và các bên liên quan để nắm bắt được hệ thống Terra-i này.

                                                                                                                    Phan Sỹ Ninh - Ban triển khai dự án BR