Vịt bầu chỉ có ở vùng đất Phủ Quỳ (bao gồm các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Nghĩa đàn). Trong các giống vịt thịt ở Việt Nam, chưa có giống nào nổi tiếng như thể vịt Bầu Quỳ. đây là giống đặc sản của dân tộc Thái, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Vịt bầu Quỳ có những nét rất đặc biệt đó là khả năng bơi lội, mò mẫm khá tốt. Tại Quỳ Châu, vịt có ở các xã Châu Hoài, Châu Hạnh, Châu Bình, Châu Thuận, Châu Bính, Châu Tiến, Châu Hội, Diên Lãm. Vịt Bầu Quỳ có giá cao gấp đôi vịt thường, hơn cả Ngan.
Thịt vịt bầu Quỳ chắc, hơi dai, không nhũn như các giống vịt công nghiệp. Thêm nữa thịt vịt bầu Quỳ thơm chứ không hôi như các giống vịt khác. Thớ thịt dày, không mỏng như các giống vịt trứng. Thịt có vị ngọt, có lẽ nhờ hàm lượng rất cao của một loại amin acid cần thiết là glutamic, chiếm 2,9% ở thịt đùi và 3,2% ở thịt lườn. Hàm lượng 16 amin acid cần thiết trong thịt vịt giống này đều cao. Chính vì thế nó rất hợp với kiểu ăn uống của người Việt, đặc biệt, đối với bữa tiệc ngày hội, ngày hè, thêm ít bia, bạn bè “chén chú - chén anh”thì thịt vịt bầu Quỳ ăn nhiều mà không thấy chán, thấy ngấy. Thực khách nhớ nhất vịt bầu Quỳ ở chất lượng thịt thơm ngon, vị ngọt. Các nhà chăn nuôi đánh giá đây là giống vịt ngon nhất Việt Nam hiện nay.Thế mới có câu: “đến Quỳ Châu chưa nếm vịt Quỳ Châu coi như chưa đến”. Ngày nay Vịt bầu Quỳ đã đi vào các nhà hàng, quán ăn tại một số thành phố lớn.
đặc điểm của vịt bầu Quỳ là cổ vịt bầu rất ngắn, trông lừ khừ nhưng chạy rất nhanh, ưa hoạt động và khéo lẩn lút. Chúng giỏi kiếm thức ăn ở các khe suối, đồng ruộng. Vịt bầu vùng Phủ Quỳ có sức chống chịu bệnh cao, thích ứng với thời tiết khí hậu nóng, lạnh, khô, ẩm, gió Lào. Vịt bầu Quỳ nổi tiếng ngon là do được nuôi theo hình thức thả rông. Thức ăn chủ yếu là cá, tép dưới khe suối, họa hoằn mới được gia chủ cho ăn thêm ít vỏ trấu, sắn, thóc. đặc điểm khí hậu đặc biệt (mùa đông lạnh, mùa hè không quá nóng) giúp giống vịt bầu phát triển.
Nhằm phát triển đặc sản vịt bầu Quỳ, bên cạnh tự phát triển chăn nuôi của các hộ gia đình, Huyện Quế Phong, Quỳ Châu và nhiều xã trong vùng đã có đề án phát triển loại vịt này. đơn cử như xã Quang Phong, huyện Quế Phong đã có 2 lò ấp trứng, với tổng đàn lên tới 12.000 con. đặc biệt ông Thái Diệu đã có công lớn trong việc phục hồi và phát triển giống vịt quý này. Khi các hộ gia đình chỉ có tập quán chăn nuôi 5 - 10 con/hộ, khi các nhà hàng đặc sản đổ xô lên rừng săn lùng, các gia đình ồ ạt bán, đẩy giống vịt Quỳ trở nên cạn kiệt. Thời điểm đó, ông Thái Diệu (quê ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành) lên vùng đất này lập nghiệp. Ông Diệu và vợ đã tìm cách khôi phục lại đàn vịt và bảo vệ giống vịt này cho địa phương. Sau đó, ông thành lập doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu chuyên sản xuất và cung cấp giống vịt bầu Phủ Quỳ thuần chủng, chất lượng cao; mỗi tháng doanh nghiệp Diệu Châu xuất được khoảng 24.000 con vịt giống thuần chủng.
Đậu Đình Cường
Cán bộ BQL Khu BTTN Pù Hoạt