1. Lợi ích của trồng cây dược liệu dưới tán rừng
Trồng cây dược liệu dưới tán rừng (đặc biệt là rừng tự nhiên) là xu hướng hiện nay vì nó đạt được nhiều mục đích: (i) Bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên; (ii) Bảo tồn được các loài cây dược liệu bản địa và giá trị; (iii) Tạo sinh kế và tăng thu nhập bền vững.
Có rất nhiều loài cây dược liệu ưa bóng râm, chỉ phát triển dưới tán các cây khác, phát triển bộ rễ/ bộ củ to khỏe… nên chúng vừa tạo ra sản phẩm là dược liệu, vừa bảo vệ đất, chống xói mòn và vừa làm dày tán rừng, làm tăng giá trị của rừng.
Các loài có thể trồng dưới tán rừng/ ven rừng/ ven khe, ven suối ở Nga My và Yên Hòa gồm: Khôi tía, Ba kích tím, Sa nhân tím, Giảo cổ lam, Trà hoa vàng, Lạc tiên, Dây gắm, Thiên niên kiện, Thạch xương bồ, Hoàng tinh hoa trắng, Hoàng tinh hoa đỏ, Bảy lá một hoa…
2. Các nguồn lực có thể huy động để trồng cây dược liệu dưới tán rừng
2.1. Nguồn vay từ Quỹ quy vòng
Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An – Mã số VNM/UNDP/2021/06”, Quỹ quay vòng có giá trị hơn 500 triệu đã được hình thành. Người dân ở 2 xã Yên Hòa và Nga My, huyện Tương Dương có thể vay vốn từ Quỹ này để phát triển dược liệu dưới tán rừng.
2.2. Nguồn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình Phát triển dân tộc thiểu số
Hiện nay Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phát triển dân tộc thiểu số đang có nhiều dự án hỗ trợ các phát triển sinh kế cho người dân, phát triển dược liệu quý. Các UBND xã, các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã đều có thể đề xuất xin hỗ trợ để xây dựng các mô hình trồng/ ươm giống cây dược liệu, chế biến các dược liệu và phát triển theo chuỗi.
Trong năm 2023, UBND xã và các nhóm hộ Bản Cooc, bản Yên Tân của xã Yên Hòa đã đề xuất 2 dự án trồng dược liệu dưới tán rừng. Kết quả, 50 hộ dân của 2 bản đã trồng được 6,5 hà Khôi nhung và Ba kích tím, trang bị được 1 máy sấy lạnh và 1 máy đóng gói hút chân không để sơ chế và đóng gói dược liệu, chuẩn bị thành lập 1 HTX phát triển dược liệu.
2.2. Nguồn từ Chương trình REDD+
Chương trình REDD+ thuộc các hoạt động chi trả tiền Dịch vụ môi trường rừng, sẽ bắt đầu chi trả tiền cho các chủ rừng và những người quản lý rừng từ năm 2024. Trong đó, có nguồn tiền hỗ trợ các nhóm cộng đồng phát triển sinh kế, khoảng 50 triệu đồng/ bản/ năm. Đây là nguồn lực thường xuyên và bền vững để tạo sinh kế đảm bảo đời sống cho người dân để bảo vệ và quản lý rừng phục vụ Chương trình REDD+.
3. Thị trường của các sản phẩm dược liệu từ cây dược liệu
Trên địa bàn dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An”, các hoạt động đều đang tập trung phát triển các loài cây dược liệu bản địa, có giá trị, chịu bóng, như: Khôi nhung, Hoài Sơn, Ba kích tím, Trà hoa vàng, Bách bộ… Những loài này đều cho các dược liệu mà thị trường đang cần. Các tư thương có thể thu mua mọi thời điểm, các công ty dược liệu đều đang có nhu cầu đặt hàng. Trong thời gian tới, nhóm tư vấn sẽ hỗ trợ kết nối các Doanh nghiệp với UBND huyện để đi đến thống nhất 1 Bản ghi nhớ/ Bản thỏa thuận chung cùng hợp tác phát triển dược liệu, đặc biệt là dược liệu dưới tán rừng.
Theo Ban điều hành dự án VNM/UNDP/2021-06
Thái Bá Thám
Văn phòng Ban Quản lý