KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

Thêm một Cơ sở chế biến, tiêu thụ cây Lùng cho nhân dân vùng dự án Quế Phong

Cây Lùng là một loài lâm sản ngoài gỗ, phân bố hẹp tại một số xã như Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong...của huyện Quế Phong, có giá trị kinh tế cao, được coi là "vàng xanh" để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, tăm hương, than hoạt tính...phục vụ trong nước và xuất khẩu. Để tăng cường phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và phát huy các giá trị kinh tế cao của cây Lùng, UBND huyện Quế Phong đã có Đề án phát triển các loài Nông lâm sản có giá trị kinh tế chủ lực, trong đó có cây Lùng.
Thực hiện Dự án Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây Chè hoa vàng, cây Lùng, cây Mét và cây Bon bo nhằm giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng tại các xã vùng đệm Đồng Văn, Thông Thụ, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Mã số dự án VNM/UNDP/2021/05, Ban điều hành dự án đã hỗ trợ cho 227 hộ đồng bào Dân tộc thiểu số thuộc 6 thôn bản: Na Hứm, Na Lướm, Ăng Đừa (xã Thông Thụ), Khủn Na, Pù Duộc, Mường Hinh (xã Đồng Văn) quản lý, bảo vệ, chăm sóc, khai thác bền vững 1.494 ha rừng Lùng trên địa bàn của 227 hộ đồng bào Dân tộc thiểu số.
Khó khăn lớn nhất trong phát triển cây Lùng hiện nay là tìm kiếm đầu ra ổn định cho các hộ có rừng Lùng. Nhằm tạo điều kiện cho người dân địa phương tiêu thụ sản phẩm từ cây Lùng, UBND huyện Quế Phong, thông qua Phòng Tài chính- Kế hoạch đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 27C8001517 đăng ký lần đầu ngày 02/2/2023 cho Hộ Đinh Văn Sơn đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Phương Lam, xã Đồng Hoa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam ngành nghề SXKD sản xuất Tăm nhang và mua bán Nứa, Lùng, địa chỉ trụ sở kinh doanh và cơ sở chế biến tại Bản Na Chảo, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong.


Qua làm việc với chủ hộ được biết Cơ sở thu mua Lùng với các kích cỡ 0,52; 0,62; 0,72, 0,82cm..., giá mua hiện tại từ 1,4-1,5 triệu đồng/tấn Lùng tươi để sản xuất Tăm hương phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Với công suất hiện tại, hàng năm Cơ sở sản xuất có nhu cầu thu mua 3.000 tấn Lùng tươi để sản xuất ra 600 tấn sản phẩm Tăm hương. Thu hút trên 20 lao động tại địa phương để sơ chế sản phẩm Tăm hương từ cây Lùng.

Cơ sở sản xuất cây Lùng


Theo ông Đinh Văn Chung, đại diện chủ Cơ sở sản xuất, bên cạnh nhiều thuận lợi được UBND huyện Quế Phong, UBND xã Đồng Văn, các cơ quan chức năng tạo thuận lợi cho SXKD. Khó khăn của cơ sở hiện nay là nguồn điện nhiều lúc chưa ổn định, vào mùa vụ một số cây trồng sản phẩm tại địa phương cơ sở thiếu lao động và nguyên liệu lùng đầu vào để chế biến.
Hy vọng với sự hoạt động ổn định, phát triển bền vững của Cơ sở Tăm hương này, người dân tại địa phương của huyện Quế Phong có thêm Cơ sở tiêu thụ cây Lùng để phát triển sinh kế từ cây Lùng bền vững.

Nguyễn Tiến Hưng

Ban triển khai Dự án BR