Ngày đăng: 27/10/2020
Sáng ngày 27/10, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đại diện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam" (gọi tắt là Dự án BR).
Tới dự và chủ trì Hội thảo có Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, bà Caitlin Wiesen-Antin, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, đại diện tổ chức JICA Nhật Bản, đại diện các Bộ, Ban quản lý 03 khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) là Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm và Đồng Nai cùng nhiều chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học (BTĐDSH) và các cơ quan báo chí.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết sáng kiến về khu DTSQ thế giới đã được UNESCO khởi xướng trong hơn 50 năm qua, kể từ khi ý tưởng được đề xuất vào năm 1969 và ngay sau đó Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) được thiết lập. Việc xây dựng khu DTSQ nhằm giải quyết bài toán làm thế nào để bảo đảm sự cân bằng giữa BTĐDSH, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với phát triển kinh tế-xã hội, duy trì các giá trị văn hoá truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.
Trong 20 năm qua, Việt Nam đã có 9 khu DTSQ được công nhận. Đây là những khu vực có giá trị BTĐDSH cao, có nhiều tiềm năng trở thành các mô hình phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, việc Việt Nam tham gia mạng lưới khu DTSQ thế giới, đã được phát huy nhiều lợi thế của các khu DTSQ; nhận thức các cấp, các ngành, sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong nước đối với công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của khu DTSQ được nâng lên, quan tâm hơn. Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến nhằm quản lý hiệu quả khu DTSQ đã được áp dụng, như mô hình bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; mô hình cải thiện sinh kế; mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại các khu DTSQ được triển khai thực hiện thành công góp phần thúc giảm sức ép lên nguồn tài nguyên thiên nhiên và đẩy mạnh công tác BTĐDSH.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu quản lý bền vững các khu DTSQ, vẫn còn nhiều tồn tại đòi hỏiphải được giải quyết, từ khuôn khổ pháp lý, cách tiếp cận quản lý tổng hợp, nguồn lực, thể chế cho đến sự phối hợp các bên liên quan …trong việc quản lý, bảo vệ các khu DTSQ.
Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UNDP và các bên liên quan xây dựng, phê duyệt để triển khai Dự án BR do GEF tài trợ thông qua UNDP. Đây là dự án nhằm hỗ trợ hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc bảo vệ, quản lý khu DTSQ; tăng cường hiệu quả quản lý 03 khu DTSQ (Khu DTSQ Đồng Nai - tỉnh Đồng Nai; khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An - tỉnh Quảng Nam; khu DTSQ Tây Nghệ An - tỉnh Nghệ An) thông qua hoạt động tăng cường năng lực, hỗ trợ triển khai cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên; phục hồi và quản lý rừng bền vững; hỗ trợ các mô hình sinh kế cộng đồng nhằm giảm sức ép lên tài nguyên thiên nhiên và quản lý BTĐDSH.
Tại Hội thảo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài tin tưởng rằng, thông qua việc triển khai Dự án, công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu DTSQ sẽ được tăng cường, mang lại hiệu quả cao hơn, góp phần thiết thực vào sự phát triển bền vững các khu DTSQ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Caitlien Weisen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá: “Việt Nam được xếp thứ 16 trong số các nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới và là một trong mười trung tâm giàu đa dạng sinh học nhất của hành tinh...Trong vài thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn (PA) trên phạm vi toàn quốc với 164 khu bảo tồn trên cạn, 5 khu bảo tồn biển, hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên …Dự án BR mà chúng ta khởi động hôm nay sẽ góp phần giải quyết các rào cản hiện tại thông qua việc thực hiện các kết quả dự án có liên quan và bổ sung lẫn nhau, bao gồm việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế; lồng ghép việc lập kế hoạch và quản lý đa ngành, nhiều bên liên quan; quản lý tri thức”. Kết thúc bài phát biểu, bà Caitlien Weisen khẳng định UNDP tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với các Cơ quan có liên quan để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú của Việt Nam và cam kết thực hiện thành công tốt đẹp dự án BR.
VEA.
http://vea.gov.vn/detail?$id=922