KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

THÁC XAO VA-VẺ ĐẸP CỦA CÔ THÔN NỮA NƠI NÚI RỪNG QUẾ PHONG

Đến với Quế Phong mùa hè này du khách sẽ được đắm mình vào dòng suối trong lành, mát rượi và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, huyền ảo của thác Xao Va… trải nghiệm rừng nguyên sinh cùng hệ sinh thái động thực vật đa dạng.

Thác thuộc địa bàn huyện Quế Phong nằm trong vùng lõi của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 170km về phía tây bắc. Thác Xao Va cao, rộng, mỗi chiều chừng 30 đến 35m, nước từ trên cao mạnh mẽ dội xuống vách đá hai bên và chân thác tung bọt trắng xóa phả vào quý khách một cảm giác mát mẻ, tươi mới lạ thường.
Hòa trong tiếng thác chảy là tiếng con chim rừng lảnh lót, đây đó có tiếng những làn điệu dân ca của đồng bào Thái, Thổ…, tiếng gió khắc khoải lướt trên dòng Nậm Việc tạo thành một bản phức âm vẫy gọi sự sống. Đến thăm Xao Va, quý khách có thể có cơ hội để cùng các chàng trai, cô gái Thái chung uống một sừng rượu cần, hát một điệu nhuôn, lăm…

Với vẻ đẹp như là sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, ngay từ những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỉ trước, thác Xao Va đã luôn là một địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách gần xa.
Từ lâu thác đã là nơi sinh hoạt cộng đồng của các bản người Thái xung quanh đó, nơi các cô gái thỏa sức hòa mình vào dòng nước trong lành, khung cảnh rừng núi đại ngàn hoang sơ mà đậm chất trữ tình khiến bao chàng trai phải ngây ngất trước vẻ đẹp của tạo hóa ban cho người con gái dân tộc Thái vùng này.
Mùa hè – mùa nước về, thác Sao Va ngày đêm ca hát, vang vọng những lời giao duyên của cô gái mới lớn hòa cùng nhịp điệu của những lời ca tiếng hát bản Thái xung quanh.
Từ cao nhìn xuống, dòng thác tuôn xả như mái tóc trắng muốt của các nàng tiên nữ, buông dài như dải lụa, vắt ngang mềm mại giữa màu xanh của thượng ngàn. Một món quà tặng độc đáo của thiên nhiên, không phải nơi nào cũng có được.

Thác Xao Va có hồ nước lớn nơi chân thác. Hồ nước này nhìn có vẻ hiền từ nhưng lại có độ sâu ít ai đo được. Theo bà con ở đây kể lại, nó có độ sâu hai mươi sải tay, tương đương với 30m. Hàng năm, về mùa mưa lũ, nơi thượng nguồn sẽ có lũ lớn đổ về, cùng với độ dốc hai bên sườn núi sẽ làm cho đất đá lở xuống và tấp về hồ nước này không ít.
Từ thác Sao Va, du khách có thể ngược dốc Phú Phương lên đỉnh Pú Pỏm để đến với Đền Chín Gian, nơi khai lập 9 mường lớn, xem những dấu tích của lịch sử từ những thế kỷ XV còn được mọi người kể hoặc được ghi lại trong sử sách, để chứng kiến các nghi lễ truyền thống như Lễ rước, Lễ chém trâu, Lễ Đại tế, Lễ tạ.
Hoặc đi xuôi xuống huyện Qùy Châu thăm thú quần thể hang động di chỉ khảo cổ gồm Thẩm Ồm, Thẩm Khuyên, Thẩm Bua.

Ngoài những danh thắng đẹp mê hoặc lòng người thì khi du khách đến du lịch tại Quế Phong không thể không thưởng thức văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc của con người miền sơn cước nơi đây. Một trong những đặc sản của mảnh đất Quế Phong đó chính là măng đắng, Dù măng đắng có nhiều ở các vùng núi rừng Tây Bắc và Đông Bắc nhưng măng đắng ở Quế Phong, Nghệ An vẫn có sức hút lạ kỳ đối với du khách tham quan.

Măng đắng Quế Phong không chỉ là điểm hẹn của những địa điểm du lịch nổi tiếng về các món hải sản mà còn là nơi có nhiều món ăn dân dã, giản dị mà ngon gắn với cuộc sống đời thường của người dân địa phương, nổi tiếng được nhiều du khách biết tới.
Theo chân những người dân bản địa, du khách đến đây không chỉ được thả mình trong dòng suối mát, ngắm thác Sao Va mà còn được ăn đặc sản núi rừng: nhím, lợn ri, vịt bầu Cắm Muộn, thịt gà đen Tri Lễ, lợn nít, cơm lam… thật lý tưởng cho những ai mang ý định ngược nguồn.
Ngoài ra, Quế Phong còn nổi tiếng với những đặc sản văn hóa ẩm thực khác như Khoai sáp vàng, dưa chuột mẹo, nấm Ngọc cẩu, uống rượu cần,…
Mùa hè rực rỡ đã đến nếu bạn đang muốn tìm cho mình một địa điểm thú vị và hoang sơ để trốn cái ồn ào, tấp nập và nóng nực nơi phố xá, Thác Xao Va sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn.

                                                                                                                                                                       Nguyễn Văn Điệp
                                                                                                                                                        BQL Khu DTSQ miền Tây Nghệ An