KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

SAO LA - CHÚ KỲ LÂN CHÂU Á - BIỂU TƯỢNG KHU DTSQ MIỀN TÂY NGHỆ AN

ngày 28 tháng 1 năm 2021
Sao la (danh pháp khoa học: Pseudoryx nghetinhensis) hay còn được gọi là "Kỳ lân Châu Á" và là Biểu tượng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây nghệ An. Một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992. Sao la được xếp hạng ở mức Nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam.
 

                                                Ảnh: WWF-Việt Nam​


Lịch sử khám phá
Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5 năm 1992 trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang. Sau đó, các nhà khoa học đã tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thêm 20 con sao la nữa cũng trong năm 1992.
Việc khám phá ra loài sao la đã gây chấn động trên thế giới vì giới khoa học đã cho rằng việc tìm thấy một loài thú lớn vào cuối thế kỷ 20 là chuyện khó có thể xảy ra. Sau này sao la cũng được tìm thấy ở các nơi khác trong phạm vi của rừng Trường Sơn thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và nhiều tỉnh thuộc Lào.
Mãi đến năm 1996 người ta mới bắt và chụp ảnh được một con sao la còn sống tại Lào, nhưng sau đó vài tuần nó đã chết. Tháng 10 năm 1998 một lần nữa các nhà khoa học đã chụp ảnh được sao la trong tự nhiên, tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Đầu tháng 8 năm 2010, người dân tại tỉnh Borikhamxay của Lào bắt được một con sao la đực và chụp ảnh khi nó còn sống, nhưng sau đó, con vật đã chết trước khi các chuyên gia của Sở Nông lâm tỉnh kịp đến để tìm hiểu.

Ngày 7 tháng 9 năm 2013, sau 15 năm biệt tăm ở Việt Nam kể từ năm 1998, hình ảnh sao la trong tự nhiên đã được ghi nhận ở Quảng Nam, thông qua máy ảnh của WWF và Chi cục Kiểm lâm tỉnh; trước đó, lần cuối cùng sao la được trông thấy trong tự nhiên là vào năm 1999 tại Bolikhamxai, Lào cũng nhờ bẫy ảnh.

      

                                                                          Ảnh: WWF-Việt Nam​


Với thân hình dài khoảng 1,3 đến 1,5 m, cao 90 cm và có trọng lượng khoảng 100 kg. Da màu nâu sẫm, trên mỗi móng có một đốm trắng, cùng cặp sừng dài cong vuốt thẳng theo thân; với màu lông ở mõm hơi giống với chòm râu dê, với thân hình thon nhẹ một ít tương đồng với Sơn Dương, một ít với bò và ngựa; với bộ móng xẻ guốc của trâu bò - chúng khiến người ta liên tưởng tới loài kỳ lân trong truyền thuyết.
Những chú “kỳ lân” này chưa từng được chiêm ngưỡng rộng rãi, bởi chúng vô cùng quý hiếm và bí ẩn. Chúng chủ yếu sống trong các khu rừng rậm chủ yếu gần nơi có suối trên độ cao 200 - 600 m trên mực nước biển dọc dãy Trường Sơn, vào mùa đông, sao la sẽ di cư xuống những vùng đất thấp hơn để tránh rét. Chưa một nhà khoa học nào nhìn thấy chúng trong tự nhiên.

      

                                                            Hình ảnh Sao La tại VQG Pù Mát (bẫy ảnh)


Giữ Lại Dấu Chân Sao La – hành trình bắt đầu

Mô hình Thực tế tăng cường (AR) 3D của Sao la trên Google


Ngày 9 tháng 7 năm 2021, Nhân ngày Quốc tế Sao la, Google phối hợp cùng WWF-Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, khởi động chiến dịch “Giữ Lại Dấu Chân Sao La” nhằm bảo tồn loài động vật quý hiếm này thông qua việc nâng cao nhận thức và kêu gọi công chúng hành động.
Đặc biệt, Google ra mắt mô hình Thực tế tăng cường (AR) 3D của Sao la trên Google Tìm kiếm để người dùng trên khắp thế giới có thể ngắm nhìn cận cảnh và chi tiết sinh vật tuyệt vời này ngay trên các thiết bị điện tử thông minh. Đây là lần đầu tiên Google số hóa một loài động vật hoang dã quý hiếm bậc nhất của Việt Nam dưới hình thức AR 3D.

                                                                                                                                                                                  NGUYỄN VĂN ĐIỆP

                                                                                                                                                                       BQL Khu DTSQ miền Tây Nghệ An