Ngày 23 tháng 2 năm 2021
Người Ơ Đu hay còn có tên gọi khác là Người “ Tày Hạt” là một dân tộc ít người có vùng cư trú tại huyện Tương Dương phía tây tỉnh Nghệ An.
Theo nghiên cứu lịch sử, dân tộc Ơ Đu xa xưa sinh sống ở lưu vực sông Nậm Nơn, Nậm Mộ trải dài từ huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Tộc người Ơ Đu xưa có một xã hội khá phát triển. Họ sống bằng nghề làm ruộng, phát nương làm rẫy, đào đãi vàng, chài lưới và buôn bán trên sông.
Hiện nay, người Ơ Ðu sinh sống tập trung ở hai bản Xốp Pột và Kim Hòa, xã Kim Ða, huyện Tương Dương. Năm 2006, Nhà nước xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Đu di dời về tái định cư tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương.
Theo số liệu năm 2019, Đồng bào Ơ Đu khoảng 400 người họ sống xen kẽ cả đồng bào Thái, Mông và Khơ Mú, được xác định là 1 trong 5 tộc người có dân số ít nhất Việt Nam cần phải bảo tồn, lưu giữ.
Tiếng Ơ Đu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me, ngữ hệ Nam Á, nhưng các thế hệ người Ơ Đu còn lại đến giờ quên gần hết tiếng nói. Họ quên cả phong tục, tập quán, một số các già làng còn sử dụng ít tiếng Ơ Đu nhưng cũng có sự pha trộn của tiếng dân tộc Thái và Khơ mú. Vì thế, các già làng có dạy tiếng Ơ Đu, những tiếng chào hỏi, giao tiếp, mời ăn cơm, mời uống nước thì cũng được học và truyền dạy lại cho con cháu, để gìn giữ và bảo tồn lại bản sắc của dân tộc Ơ Đu.
Về trang phục người Ơ Đu, có nhìu nét tương đồng với người Thái. Váy, thắt lưng và khăn quấn đầu của người Ơ Đu đều được dệt bằng sợi tơ tằm, chân váy của người phụ nữ Ơ Đu thường thêu các hình khối zíc zắc và nhỏ bản hơn so với chân váy người phụ nữ Thái. Thân váy và áo của người phụ nữ Ơ Đu thường là màu đen. Áo của phụ nữ Ơ Đu có tay phải dài, không có áo tay ngắn. Tuy nhiên, chiều dài của áo thì chỉ quá ngực, vừa chạm đến phần eo. Áo không khuy, không cúc, mà dùng 4 sợi dây buộc chéo; thắt lưng và khăn quấn đầu không thêu hoa văn.
Trang phục dân tộc Ơ Đu ( nguồn: báo Nghệ an)
Trong hôn nhân, người Ơ Đu cùng một dân tộc không được lấy nhau. Bởi vậy, người con dâu, con rể của dân tộc này thường là người dân tộc khác. Chỉ có một trong số ít lấy nhau trong họ, nhưng họ phải vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, văn hóa tập tục để đến vơi nhau. Và trong gia đình người Ơ Đu người đàn ông toàn quyền quyết định mọi việc trong gia đình, đàn bà không được hưởng quyền thờ tự. Phụ nữ sinh đẻ thì đẻ ngồi góc nhà.
Người Ơ Đu sinh sống bằng nương rẫy. Lúa là nguồn lương thực chính, ngô, sắn, kê là lương thực phụ. Hái lượm và săn bắn vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của họ. Người Ơ Đu chăn nuôi trâu bò, lợn gà, dê cũng khá phát triển, trâu bò dung để nhằm lấy sức kéo. Gà, lợn nuôi thường để sử dụng vào mục đích nghi lễ, cúng bái và cải thiện bữa ăn, nhất là dịp có khách.Nghề phụ gia đình hầu như chỉ có đan lát đồ gia dụng, gần đây đã có một số gia đình có khung dệt vải.
Người Ơ Đu ở nhà sàn, kiến trúc nhà ở của họ thường có 4 mái, lợp bằng nứa hoặc tranh, đầu nhà quay vào núi, cột nhà chôn xuống dưới đất. Ngôi nhà thường có 4-8 cột, tương ứng với nhà từ 1-3 gian. Khi dựng nhà bao giờ người Ơ Đu cũng dựng cột chính trước. Theo quan niệm của họ thì đó là cột góc ma ở. Sau mới đến các cột góc khác theo thứ tự từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.
Nhà sàn đồng bào dân tộc Ơ Đu sinh sống
Trong nhà, bếp của người ơ Đu có 2 bếp. Bếp đặt ngoài là bếp tiếp khách, không được nấu nướng, kể cả rau củ quả, thịt… cũng không được nấu mà chỉ được phép nấu cơm, tiếp khách và sưởi ấm. Còn bếp trong là bếp nấu nướng phục vụ bữa ăn gia đình. Phía trên gác bếp thường hay để đồ đan lát, dụng cụ nứa, tre mang trên rừng mà chưa kịp chẻ, đan sản phẩm thì bó lại để trên gác bếp cho khô.
Đồng bào Ơ Đu có hệ thống lễ hội như Tết cổ truyền, Tết cơm mới. Ngày hội lớn nhất là lễ đón tiếng sấm trong năm. Ngày đó, cư dân khắp nơi đổ về mở hội tế trời, mổ trâu, bò, lợn ăn mừng tại bản Xốp Pột, xã Kim Ða. Trong tín ngưỡng, người Ơ Ðu tin rằng khi chết đi, linh hồn ngụ tại bãi tha ma, hồn gốc ở chỏm tóc ở lại làm ma nhà. Ma nhà chỉ ở với con cháu một đời theo thứ tự từ con trai cả đến con trai thứ. Khi các con trai đã chết hết, người ta làm lễ tiễn ma nhà về với tổ tiên…
Lễ hội đồng bào dân tộc Ơ Đu
Đồng bào dân tộc người Ơ Đu là một bản sắc dân tộc rất riêng trong 54 dân tộc anh em Việt Nam cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy, hỗ trỡ phát triển kinh tế, đời sống.
Nguyễn Thị Thu
BQL chương trình PTLNBV