KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

PHÁT TRIỂN SAU COVID: CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÁC KHU DTSQ THẾ GIỚI CỦA VIỆT NAM

Ngày 20/11/2021
Nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Đây là quá trình phát triển tất yếu trên toàn cầu và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài lộ trình ấy. Để thích ứng với tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14-1-2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam”, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Áp dung công nghệ tại Khu BTTN Pù Hoạt

Thời gian qua, Ban quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An ít nhiều đều đã có những cảm nhận về những thay đổi mà công nghệ số, quá trình chuyển đổi số, nền kinh tế số đã tạo ra trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đã thể hiện qua nhiều lợi ích mà người dân được thụ hưởng. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, hầu như các hoạt động đời sống xã hội đều được thay thế bởi hoạt động trên môi trường số. Công nghệ số, các ứng dụng và nền tảng số đã gần như hiện diện trong tất cả các hoạt động, các lĩnh vực và các ngành nghề. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp cũng chuyển dần mô hình và phương thức quản lý hành chính, kinh tế, xã hội truyền thống sang nền tảng chuyển đổi số. Công tác điều hành, quản lý, hội họp được thực hiện trực tuyến, sử dụng các nền tảng internet...
Trong khi dịch COVID-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, gây xáo trộn tới đời sống xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội nói chung, thì các hoạt động quản lý và phát triển bền vững Khu DTSQ thế giới nói riêng cũng không nằm ngoại lệ. Nhận thấy chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức hoạt động như một trong những giải pháp để không chỉ thích ứng với tình hình khó khăn trước đại dịch, mà còn là hướng phát triển mới, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Ban quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An cũng đặt ra cho mình những mục tiêu và đề ra các kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình mới như sau:
- Đối với công tác điều hành quản lý bộ máy Ban quản lý: áp dụng hệ thống điều hành văn bản Ioffice, trang bị các phần mềm quản lý tài sản, phần mềm kế toán, sử dụng các thiết bị họp trực tuyền (Zoom, Google meeting,…) phục vụ tổ chức các hoạt động được liên tục và đạt hiệu quả cao.
- Hoạt động truyền thông quảng bá hình ảnh Khu DTSQ miền Tây Nghệ An: tăng cường nâng cấp đổi mới công thông tin điện tử (Trang website: http://sinhquyennghean.vn) phù hợp với tình hình mới; đa dạng hóa hình thức truyền thông đại chúng, đặc biệt là truyền thông kỹ thuật số như: báo điện tử, tuyền hình, internet, mạng xã hội
- Trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: cần tổ chức các lớp tập huấn nhận và trả lời văn bản, chữ ký số, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; quản lý cây xanh trên hệ thông phần mềm, sử dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh; phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng; áp dụng các công nghệ số vào hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng; trang bị các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại thông minh cho các cán bộ liên quan.
Để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số trong các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam, cần phải huy động và lồng ghép tối ưu các nguồn lực, đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn. Tập trung phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh hướng đến Chính quyền số; tích hợp, chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và với các cơ quan trung ương, tạo cơ sở phục vụ chuyển đổi số. Chú trọng phổ biến nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp trong xã hội và bồi dưỡng phát triển kỹ năng số cho các cán bộ, người dân, nhằm từng bước đáp ứng, thích ứng với công cuộc chuyển đổi số./.

                                                                                                                           Nguyễn Văn Mạnh-Khu BTTN Pù Hoạt