KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

MÙA MĂNG ĐẮNG

Cập nhật ngày 08/04/2020, 15:42:18
Trong “bức tranh ẩm thực” của người dân miền Tây Nghệ An, măng đắng rừng là đặc sản không nơi nào có được. Thật lạ, vị đắng nào cũng đều khó nuốt nhưng măng đắng lại là món yêu thích của rất nhiều người. Chẳng vậy mà người miền núi xa quê luôn ngậm ngùi nhớ vị măng đắng, còn người thành thị đã ăn một lần lại muốn lùng mua cho kỳ được.

                                           Phiên chợ vùng cao bán măng đắng

Măng đắng là đặc sản của các huyện miền núi Nghệ An. Mùa thu hoạch măng đắng thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Ở Nghệ An, măng đắng tập trung nhiều nhất ở huyện miền núi cao Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn. 
Vào Cuối tháng giêng hàng năm, đồng bào các dân tộc ở các huyện vùng cao như Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn lại cùng nhau gùi bế lên rừng lấy măng đắng, Đầu mùa, măng đắng tuy ít nhưng ngon và ngọt hơn măng cuối mùa. Để lấy được những củ măng non và ngọt đầu mùa, người dân vùng cao phải dùng cuốc, thuổng đào sâu vào lòng đất, khi những búp măng chưa kịp nhú lên khỏi mặt đất. Về cuối mùa, măng nhú càng cao càng đắng. Măng đắng cũng có nhiều loại, có loại nhỏ như ngón tay, có vị đắng pha lẫn vị ngọt khi ăn. Loại măng đắng này mọc nhiều trong vùng rừng núi cao không phải đào bới như các loại khác. Còn loại măng to như bắp chân người lớn thì phải đào sâu xuống lòng đất mới lấy được. Loại này có đặc điểm càng lên dần phía trên ngọn càng đắng còn phần nằm trong lòng đất ngọt hơn. Hầu hết các loại này người Thái đều gọi là “nỏ khốm”. “Nỏ khốm” có vỏ màu tím thì ít đắng hơn còn loại vỏ màu vàng. Do vậy, khi mua măng, người mua tùy theo sở thích của mình để chọn măng, nhưng tốt nhất lúc mua nên hỏi kỹ người dân loại nào đắng, loại nào không. Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, măng đắng là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người dân nơi đây mùa giáp hạt. Với vị đắng nhạt pha lẫn vị ngọt giòn, hiện măng đắng đã trở thành đặc sản được nhiều người miền xuôi ưa chuộng. Đây cũng là mặt hàng được trao đổi mua bán trên thị trường mang lại thu nhập thời vụ cho người dân miền núi mỗi khi vào mùa.

                                          Những búp măng được người dân mang về bán

Những ngày này, từ trung tâm chợ huyện sầm uất đến các chợ cóc bên đường, măng đắng cũng được bày bán khá nhiều. Giá một kilogam măng đắng đầu mùa khoảng 10.000 đồng đến 15.000 đồng, ra đến trung tâm huyện giá bán thể đắt hơn từ 20.000 – 30.000 đồng nhưng vẫn được nhiều người mua.

Các món ăn chế biến từ măng đắng cũng khá đa dạng, như: xào, nấu canh, măng lộc chấm chẻo hoặc chấm ruốc, nhưng món măng đắng nướng lửa bếp giữ được mùi thơm đặc trưng của măng. 
Nói về măng rừng có nhiều loại, thế nhưng món măng đắng nổi tiếng tại một số xã thuộc huyện Quế Phong (Nghệ An) đang trở thành đặc sản hút du khách thập phương.

Người mới ăn món măng đắng lần đầu có cảm giác đắng gắt không chịu được. Tuy nhiên, khi nhai kỹ, vị đắng sẽ mất dần thay vào đó là vị ngọt cay nhẹ rất lạ khiến người ăn quen dần sẽ “nghiện”.

                                                                                                                                                              Nguyễn Thị Thu - Dự án FCPF2