Ngày 01 tháng 10 năm 2021
MỘT SỐ KẾT QUẢ VỀ XÂY DỰNG NĂNG LỰC
CHO CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI VÀ CỘNG ĐỒNG TRONG
GIÁM SÁT ĐỘC LẬP THAY ĐỔI RỪNG Ở NĂM THỨ NHẤT DỰ ÁN
Chương trình quốc gia về REDD+ (NRAP) được Thủ tướng phê duyệt ngày 05 tháng 04 năm 2017, là Chương trình REDD+ cấp vùng đầu tiên ở Việt Nam với mục tiêu giảm 32,09
triệu tấn CO2. Trong đó, giai đoạn 2019-2024 sẽ giảm phát thải 26 triệu tấn và Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 51,5 triệu đô la Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng đã cam kết với WB sẽ giới thiệu được một cơ chế Giám sát độc lập thay đổi rừng (FCIM) tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ mà các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) và các tổ chức cộng đồng (CBOs) làm nòng cốt nhằm đảm bảo quản trị rừng tốt, góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Để góp phần thực hiện Chương trình REDD+, Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” được Ủy ban châu Âu (EU) tài trợ nhằm mục tiêu tăng cường sự tham gia, xây dựng năng lực cho các CSO và các tổ chức cộng đồng (CBOs) trong lĩnh vực lâm nghiệp, giúp họ hợp tác với nhau và với các cơ quan lâm nghiệp tạo nên nền tảng cơ bản để tham gia hiệu quả vào giám sát các chương trình REDD+.
Hội thảo khởi động dự án (tháng 10/2020)
Dự án bắt đầu thực hiện từ ngày 01 tháng 09 năm 2021 cho đến nay đã tròn 1 năm, vùng dự án là 6 xã của 2 huyện miền núi, gồm Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Bước đầu, dự án đã hình thành được một mạng lưới FCIM từ cấp khu vực (Bắc Trung Bộ và Hà Nội) đến cấp cơ sở (18 thôn bản). Trong đó, lực lượng tham gia chính là 180 người thuộc 18 nhóm FCIM của 18 bản vùng dự án, thành viên các nhóm FCIM là những người có tinh thần tự nguyện, tích cực, uy tín, thông thạo địa bàn, thuộc các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trên địa bàn 6 xã, gồm Tam Thái, Tam Quang và Tam Đình (huyện Tương Dương), xã Hữu Kiệm, Tây Sơn và Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn). Trong năm qua, 102 thành viên thuộc các nhóm FCIM cấp huyện, cấp xã và thôn bản được tham dự 05 khóa tập huấn sử dụng công cụ Terra-i, GPS và điện thoại thông minh để giám sát thay đổi rừng. Ngoài ra, các đại diện nhóm FCIM còn tham dự các cuộc họp, thảo luận và đối thoại với các cơ quan quản lý rừng cấp xã và cấp huyện để chia sẻ thông tin, chất vấn tìm giải pháp quản lý rừng. Bên cạnh đó, họ còn được hường dẫn xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch làm việc, viết đề xuất dự án, xây dựng dự toán… để xin các gói tài trợ nhỏ cho các hoạt động giám sát rừng… Nhờ đó, năng lực và vai trò của họ được nâng cao trong quản lý rừng và đã có những đóng góp rất ý nghĩa cho hoạt động của mạng lưới FCIM.
Khóa tập huấn nâng cao năng lực sử dụng Terra-i cho các nhóm FCIM tại huyện Kỳ Sơn và Tương Dương (tháng 03/2021)
Sau các đợt tập huấn, các thành viên của các Nhóm FCIM cơ sở đã sử dụng thành thạo các thiết bị hỗ trợ (điện thoại thông minh, máy GPS, công cụ Terra-i), từ việc truy cập trang web và bản đồ Terra-i để nhận thông tin cảnh báo mất rừng, xác định vị trí và đặc điểm khu vực mất rừng, lập kế hoạch thực địa, sử dụng điện thoại và GPS để đến đúng điểm cảnh báo, kiểm tra tình trạng rừng và xác nhận quy mô, phạm vi, nguyên nhân mất rừng, sau đó báo cáo lên hệ thống Terra-i để hệ thông cập nhật và tiếp tục theo dõi, cảnh bảo. Kết quả, trong 4 tháng vừa qua, các nhóm đã thực hành thử nghiệm để thành thạo các kỹ năng và hoàn chỉnh hệ thống, đồng thời cũng đã kịp thời phát hiện một số vụ mất rừng và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp. Đặc biệt, nhóm FCIM bản Huồi Giảng 1 (xã Tây Sơn - Kỳ Sơn) và nhóm FCIM bản Quang Yên (xã Tam Đình - Tương Dương) đã hoạt động có hiệu quả và tích cực nhất, 2 nhóm này còn hỗ trợ, hướng dẫn cho các nhóm khác để cùng hoạt động tốt. Một số nhóm đã được dự án cấp các khoản tài trợ nhỏ phục vụ cho các hoạt động của nhóm.
Chúng tôi chắc chắn rằng, trong năm thứ nhất, năng lực của các nhóm FCIM cơ sở đã được nâng cao và đến năm thứ 2 các kỹ năng giám sát rừng cũng được hoàn thiện, cùng với việc hoàn thiện của công cụ Terra-i thì Mạng lưới FCIM ở vùng dự án sẽ hoạt động tốt và đóng góp có ý nghĩa cho chương trình REDD+ khu vực Bắc Trung Bộ.
XÂY DỰNG CƠ CHẾ CHIA SẺ THÔNG TIN GIỮA MẠNG LƯỚI GIÁM SÁT RỪNG ĐỘC LẬP (FICM) VỚI CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC BÊN LIÊN QUAN
Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” được Ủy ban châu Âu (EU) tài trợ nhằm mục tiêu tăng cường sự tham gia, xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) và các tổ chức cộng đồng (CBOs) trong lĩnh vực lâm nghiệp, giúp họ hợp tác với nhau và với các cơ quan lâm nghiệp tạo nên nền tảng cơ bản nhằm tham gia hiệu quả vào giám sát các chương trình REDD+.
Dự án bắt đầu thực hiện từ ngày 01 tháng 09 năm 2020 cho đến nay đã tròn 1 năm, vùng dự án là 6 xã của 2 huyện miền núi Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Bước đầu, dự án đã hình thành được một mạng lưới FCIM từ cấp khu vực (Bắc Trung Bộ và Hà Nội) đến cấp cơ sở (18 thôn bản).
Để các kết quả giám sát thay đổi rừng của các nhóm FCIM được sử dụng hiệu quả, có ý nghĩa hơn, các cuộc họp hàng quý giữa mạng lưới FCIM với chính quyền và các cơ quan quản lý rừng cấp xã, cấp huyện đã được thực hiện. Trong các cuộc họp, các bên bên đối thoại và thảo luận về cách thức sử dụng, trao đổi thông tin và công bố các kết quả giám sát… nhằm có các giải pháp quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tham dự cuộc họp hàng quý về giám sát độc lập diễn biến rừng, có sự tham gia của đại diện UBND các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, UBND 6 xã vùng dự án (Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Hữu Kiệm, Tây Sơn, Na Ngoi), Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các huyện, Đại diện các Ban quản lý Rừng phòng hộ và Hạt kiểm lâm Kỳ Sơn và Tương Dương, đại diện các Trạm kiểm lâm ở khu vực dự án và các cán bộ Kiểm lâm địa bàn. Về phía mạng lưới FCIM, có đại điện các CSO/NGOs tỉnh Nghệ An, đại diện các nhóm FCIM cấp huyện, xã và 18 bản thuộc vùng dự án, cùng Ban quản lý dự án.
Bà Đào Thị Minh Châu, Phó Giám đốc dự án, trình bày các báo cáo tại cuộc họp hàng quý giữa mạng lưới FCIM với chính quyền địa phương và các bên liên quan
Cuộc họp đã thảo luận và thống nhất nhiều nội dung, gồm: (1) mức độ hợp lý và độ tin cậy của mạng lưới giám sát độc lập thay đổi rừng (FCIM); (2) Các kết quả giám sát của mạng lưới FCIM; (3) Cơ chế chia sẻ thông tin giữa mạng lưới FCIM với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý rừng; (4) Các giải pháp hạn chế mất rừng, suy thoái rừng trong thời gian tới.
Sau khi đại diện mạng lưới FCIM báo cáo kết quả giám sát rừng ở khu vực dự án trong thời gian vừa qua, đại diện các Hạt kiểm lâm, Trạm kiểm lâm đã có nhiều ý kiến phát biểu. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao về vai trò và ý nghĩa của các tổ chức xã hội cấp cơ sở và cộng đồng khi họ tham gia vào mạng lưới FCIM và tham gia hiệu quả hơn trong công tác quản lý rừng nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ. Ông Hoàng Văn Huynh, Hạt trưởng Kiểm lâm Kỳ Sơn cho rằng, “Hệ thống Terra-i có nhiều ưu điểm, giúp cảnh báo sớm và cập nhật nhanh các thông tin thay đổi rừng (16 ngày/lần), nếu cộng đồng sử dụng được Terra-i thì sẽ hỗ trợ rất tốt cho lực lượng bảo vệ rừng”. Ông Lương Vĩnh Phước, Hạt phó Kiểm lâm Tương Dương cũng đồng tình, dự án thực hiện thí điểm chưa đầy 1 năm nhưng đã có những kết quả như vậy là tốt, giúp cho Kiểm lâm địa bàn kiểm tra giám sát các hoạt động vi phạm lâm luật nhanh hơn, nên mở rộng ra trên địa bàn lớn, để mọi người dân đều có thể tham gia. Tuy nhiên, ngoài việc phát hiện mất rừng còn cần phải xác định chính xác nguyên nhân và sớm có biện pháp, chế tài xử lý, răn đe thì rừng mới được bảo vệ. Vì thế, các hoạt động của mạng lưới cần phối hợp với Kiểm lâm”. Đại diện Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tương Dương, ông Dương Văn Chuẩn cũng đồng ý rằng, các nhóm FCIM duy trì hoạt động thường xuyên sẽ giúp quản lý rừng tốt hơn.
Ông Hoàng Văn Huynh, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn, tham luận tại các cuộc họp
Khi bàn đến cơ chế chia sẻ thông tin, nhiều đại biểu cho rằng, các nhóm FCIM cần trao đổi thông tin với chính quyền cấp xã và Kiểm lâm địa bàn ngay khi phát hiện vấn đề để có các biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời (ý kiến của ông Phước - Hạt phó Kiểm lâm Tương Dương, ông Huynh – Hạt trưởng Kiểm lâm Kỳ Sơn, ông Mùa Bá Giờ –Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, ông Vừ Bá Rê – Phó chủ tịch UBND xã Tây Sơn…). Thống nhất với các quan điểm trên, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, thành viên Ban chỉ đạo dự án cũng cho rằng, thông tin/ kết quả giám sát rừng của các nhóm FCIM thôn bản cần được chia sẻ cho chính quyền cấp xã, Kiểm lâm địa bàn và chủ rừng, sau đó nhanh chóng xác minh làm rõ nguyên nhân và xử lý vi phạm kịp thời, nhưng thông tin không được bưng bít, thay đổi, cần tôn trọng kết quả giám sát của mạng lưới FCIM nếu đó là sự thật. Sau đó, thông tin phải được chuyển lên cho các cấp cao hơn và đưa lên hệ thống Terra-i để mọi người cùng truy cập, sử dụng. Quan điểm của ông Thò Bá Rê đã được cả 2 bên cùng đồng thuận.
Ông Mùa Bá Giờ, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, phát biểu tại cuộc họp
Về các giải pháp hạn chế mất rừng, suy thoái rừng trong thời gian tới, các đại biểu đã tập trung đề xuất các giải pháp sau đây: (1) Công cụ Terra-i hiện đang cảnh báo hàng ngàn điểm thay đổi rừng, nhưng các nhóm cần lọc dữ liệu trên trang web Terra-i để lựa chọn các điểm/ các khu rừng trọng yếu để ưu tiên kiểm tra trước, nên bỏ qua các khu vực làm nương rẫy hoặc đất sản xuất của người dân; (2) Còn tồn tại một số cảnh báo chưa chính xác, hệ thống Terra-i cần hiệu chỉnh sớm vì các nhóm FCIM đều đã qua thời gian hoạt động thử nghiệm; (3) FCIM là mạng lưới giám sát rừng độc lập, có trách nhiệm kiểm tra giám sát, xác nhận mất rừng tại hiện trường, báo cáo kết quả hiện trường hoặc chia sẻ thông tin với các bên liên quan, không có quyền hạn và trách nhiệm xử lý vi phạm lâm luật hoặc giải quyết các vụ việc.
Những kết luận chính của các cuộc họp đối thoại cấp huyện trong năm vừa qua như sau: (1) Chính quyền các cấp, các Hạt Kiểm lâm và các BQL rừng phòng hộ đều ủng hộ việc xây dựng mạng lưới FCIM từ cấp cơ sở đến cấp vùng, đề nghị mở rộng cơ chế FCIM ở khu vực Bắc Trung Bộ để phục vụ chương trình REDD+; (2) Năng lực của các tổ chức xã hội cấp cơ sở và cộng đồng đã được nâng cao giúp họ khẳng định vai trò của mình và tham gia hiệu quả hơn vào công tác bảo vệ rừng; (3) Thống nhất được cơ chế chia sẻ thông tin giữa 2 bên là thông tin cần được chia sẻ ngay từ cấp cơ sở (cấp xã) giúp xử lý vi phạm lâm luật kịp thời, đồng thời các bên liên quan cần tôn trọng kết quả giám sát rừng của mạng lưới FCIM.
Kết thúc 1 năm hoạt động, các kết quả của dự án và mạng lưới FCIM đã được chính quyền, các cơ quan quản lý rừng công nhận và đánh giá cao về vai trò và sự tham gia. Chắc chắn rằng, trong những năm tới, hoạt động của dự án sẽ góp phần có ý nghĩa vào công tác quản lý rừng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý bảo vệ rừng và đặc biệt là sẽ đề xuất được một cơ chế giám sát rừng độc lập và hiệu quả cho Chương trình REDD+ ở Việt Nam.
Nguyễn Huy Ninh- Dự án BR