KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

LỢI ÍCH CỦA VIỆC DÁN NHÃN SINH THÁI TRONG CÁC KHU DTSQ THẾ GIỚI

Ngày 24/12/2021
Theo Chương trình Nghị sự 21, Kế hoạch Hành động của LHQ về Phát triển Bền vững, nhãn sinh thái được coi là một phương thức khuyến khích người tiêu dùng áp dụng các mô hình tiêu dùng bền vững hơn bằng cách chọn mua các sản phẩm tiết kiệm tài nguyên và năng lượng hơn. Phương thức này hỗ trợ sự bền vững môi trường thông qua lựa chọn mua sắm thay thế của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, từ đó dẫn đến thói quen tiêu dùng bền vững hơn (Horne, 2009). Phương thức này cũng khuyến khích người tiêu dùng nhận thức sâu rộng hơn không những thông tin về dịch vụ và sản phẩm mà còn hiểu rõ về vòng đời của các sản phẩm và vận hành dịch vụ, đồng thời tự đặt câu hỏi liệu lựa chọn của mình có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường hay không.
Sau khi xem xét 36 cơ chế dán nhãn khác nhau, Horne (2009) đã kết luận dán nhãn sinh thái có thể dẫn đến giảm dần các tác động tiêu cực đến môi trường. Ví dụ, người ta thấy rằng các tiêu chí nghiêm ngặt của nhãn hiệu Blue Angel (Thiên thần Xanh) của Đức đã giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường (ví dụ giảm lượng khí thải CO2 và nitơ oxit). Tuy nhiên, mức giảm này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển công nghệ tại cùng thời điểm (Eberle và Reuter, 2003, trong OECD 005). Do đó, khẳng định một cách chính xác hơn là mặc dù nhãn sinh thái góp phần quan trọng trong việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường nhưng mức giảm cũng có thể không đáng kể.
Theo Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD, n.d.), nhãn sinh thái mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng; trong đó bao gồm sự lựa chọn của người tiêu dùng trên cơ sở đầy đủ thông tin; khuyến khích phát triển thị trường theo hướng nhận thức môi trường tốt hơn; và khuyến khích phát triển liên tục. Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2005) đã thực hiện các nghiên cứu về nhiều khía cạnh và một trong số đó là tác động của nhãn sinh thái đối với các nhà sản xuất và đối với hành vi của người tiêu dùng. Đối với các nhà sản xuất, nhãn sinh thái được coi là một phương thức truyền thông hiệu quả trong việc thiết lập các tiêu chuẩn môi trường. Nhãn sinh thái cho phép các nhà sản xuất khẳng định uy tín của họ trước nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thân thiện môi trường, và các yêu cầu của nhãn sinh thái sẽ khuyến khích nhà sản xuất đặt ra các mục tiêu cải thiện sản phẩm cụ thể. Về hành vi của người tiêu dùng, nghiên cứu cho thấy nhãn sinh thái giúp tăng nhận thức của người tiêu dùng về môi trường. Kết luận này được ủng hộ bởi những phát hiện của một số nghiên cứu khác, trong đó cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm dán nhãn sinh thái. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là một số nghiên cứu kiến nghị rằng nhãn sinh thái có thể dẫn đến mức tiêu thụ tăng lên do quan niệm sai lầm rằng người tiêu dùng đang đóng góp cho môi trường bằng cách mua các “sản phẩm xanh”. Xét về khía cạnh môi trường, nhãn sinh thái đóng vai trò như là nhân tố thúc đẩy và sáng kiến tiên phong trong quá trình kiến tạo các quy định ràng buộc mới, khuyến khích người tiêu dùng có hành vi thân thiện với môi trường hơn và đặt ra các tiêu chuẩn mới trong phát triển và sản xuất sản phẩm (OECD, 2005).
Thêm vào đó, nhãn sinh thái giúp hỗ trợ các nền kinh tế địa phương vì chúng không chỉ đảm bảo nguồn gốc của một sản phẩm mà còn thúc đẩy sản xuất bền vững. Ví dụ, một sản phẩm được dán nhãn xuất xứ từ miền núi và khai thác từ một nguồn cụ thể sẽ là một công cụ marketing quan trọng vì nó có thể tạo ra lợi ích cho các cộng đồng vùng núi có truyền thống nông nghiệp lâu đời nhưng phát triển kinh tế còn kém.4 Tóm lại, nhãn sinh thái mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất, về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời đảm bảo tính bền vững về môi trường cho các khu DTSQ.
Dưới đây trình bày các lợi ích của việc áp dụng nhãn sinh thái tại Khu DTSQ Schorfheide- Chorin-Đức. 
Khu DTSQ này đã được hưởng lợi đáng kể, đặc biệt là về mặt kinh tế, thông qua việc triển khai cơ chế dán nhãn.
Khu DTSQ Schorfheide-Chorin, trải dài trên các quận Barnim, Uckermark, Märkisch-Oderland và Oberhavel của Đức, đã giới thiệu một thương hiệu cấp vùng được gọi là Prüfzeichen. Nhãn hiệu này được thiết lập vào năm 1998 để khuyến khích các doanh nghiệp và các bên liên quan địa phương hỗ trợ công chúng tương tác với Khu DTSQ theo cách vừa thân thiện với môi trường, vừa duy trì cảnh quan văn hóa lịch sử của khu vực, vừa tăn g cường thu nhập của các doanh nghiệp tham gia (UNESCO và National Natural Landscapes, 2007; Blahy và Peil, 2010).
Logo do Khu DTSQ thiết kế nhằm mục đích cải thiện hiệu quả tiếp thị (marketing) các sản phẩm và dịch vụ địa phương cho cả người dân địa phương và khách du lịch, cũng như thúc đẩy nền kinh tế khu vực và nông nghiệp sinh thái đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm chất lượng cao. Nhằm đảm bảo chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ địa phương, các tiêu chí khác nhau đã được xây dựng và áp dụng tùy theo đặc thù của từng loại sản phẩm và dịch vụ. Ví dụ, các tiêu chí cho mật ong quy định trong thành phần mật ong không có dược phẩm, thuốc trừ sâu và các chất phụ gia nhân tạo khác.
Nhãn hiệu Prüfzeichen được sử dụng trong các lĩnh vực: nông nghiệp, làm vườn, nuôi ong, thủy sản, sản xuất thực phẩm, nghệ thuật/thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, các nhà nghỉ thân thiện với môi trường, du lịch bền vững... Các tiêu chí cụ thể hơn cho các sản phẩm lâm nghiệp và các sản phẩm động vật hoang dã hiện đang được chuẩn bị và đang trong quá trình xin chứng nhận quốc tế). Nhãn hiệu này cũng được áp dụng cho các doanh nghiệp tham gia các cơ chế dãn nhãn hiện có khác, ví dụ như Demeter trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, Viabono trong lĩnh vực ẩm thực và Forest Stewardship Council trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trên thực tiễn, các cơ chế chứng nhận hiện có và các cơ chế điều chỉnh của chúng đã được áp dụng tại Khu DTSQ Schorfheide-Chorin để giảm cả chi phí lẫn khối lượng công việc.
Các tiêu chuẩn dán nhãn của Khu DTSQ Schorfheide-Chorinđược phát triển bởi một ủy ban gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như chuyên gia marketing, các đại diện Khu DTSQ, các doanh nghiệp đã được chứng nhận và một hiệp hội đối tác khu vực. Các hồ sơ xin dán nhãn được đánh giá bởi những tổ chức độc lập, bao gồm các hiệp hội sinh thái, nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác, hoặc bởi một nhóm quản trị Khu DTSQ. Chứng nhận được cấp hai lần một năm cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng các tiêu chí bắt buộc. Hoạt động giám sát thường xuyên được thực hiện hai lần một năm, và có thể gia hạn chứng nhận bằng cách trả một khoản phí hàng năm được tính dựa trên doanh thu của doanh nghiệp.
Các bên sử dụng nhãn hiệu này đã được hưởng lợi từ việc thực hiện cơ chế dán nhãn. Theo một nghiên cứu năm 2009 được thực hiện bởi Popp (xem thêm Blahy và Peil, 2010), khoảng 15 đến 25 việc làm đã được tạo ra trong khu vực sau 11 năm thực hiện cơ chế dán nhãn. Nghiên cứu cũng cho thấy hình ảnh của các sản phẩm và dịch vụ địa phương được cải thiện trong nhiều trường hợp; tuy nhiên, nghiên cứu không cho thấy sự gia tăng đáng kể xét về mặt doanh thu. Đại diện Khu DTSQ Schorfheide-Chorin, bà Beate Blahy, cũng có cùng quan điểm với phát hiện này, bà đã quan sát thấy lợi ích của thương hiệu Prüfzeichen là không thể đo lường được bằng đồng Euro. Tuy nhiên, hầu hết những người sử dụng nhãn hiệu đều cho rằng nó cung cấp một số lợi thế nhất định ví dụ như sản phẩm và dịch vụ có sức hấp dẫn lớn hơn khi quảng cáo cho các thị trường mục tiêu.
Trong ngành du lịch, có một xu hướng phổ biến là du khách thường quan tâm đến các mặt hàng địa phương và thân thiện với môi trường. Nắm được xu hướng này, nhãn hiệu Prüfzeichen giúp tạo ra một phân khúc mới của thị trường du lịch và hỗ trợ các hoạt động kinh tế địa phương. Một vấn đề trọng tâm trong triển khai nhãn sinh thái là đảm bảo có đủ nhân lực để thực hiện giám sát liên tục, đồng thời đối chiếu phản hồi thường xuyên từ người tiêu dùng. Ngoài ra, một điểm khác không kém phần quan trọng là phải liên tục nâng cấp và cập nhận quy định dán nhãn theo nhu cầu hiện tại của thị trường

                                                                                                                     Phan Sỹ Ninh-Dự án BR Nghệ An