Lễ hội được tổ chức vào ngày 14-15 tháng 4 âm lịch tại khu vực Cây đa Cồn chùa thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Tháng 4/1931, Chi bộ đảng Môn Sơn ra đời. Chỉ sau một thời gian ngắn, các tổ chức như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ đoàn được thành lập, thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân phát triển. Ngày 9/8/1931, chi bộ đảng Môn Sơn lãnh đạo 300 quần chúng nhân dân các dân tộc Thái, đan Lai, Lý Hà, Kinh tham gia biểu tình. Từ đây, phong trào cách mạng ở miền núi miền Tây Nghệ An cùng hòa nhịp vào làn sóng đấu tranh ở miền xuôi.
Lịch sử hơn tám mươi năm qua đã khẳng định vị trí của Chi bộ đảng Môn Sơn là một chấm son rực rỡ trong trang sử vàng của đảng bộ Nghệ An. Phong trào cách mạng của nhân dân Môn Sơn trong cao trào cách mạng 1930-1931 là biểu tượng đẹp đẽ về tinh thần quả cảm của đảng viên, quần chúng đi theo đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ được tổ chức hàng năm vào ngày 14 đến ngày 15 tháng 4 âm lịch là dịp để thế hệ trẻ, nhân dân và đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ tưởng nhớ tới các cán bộ tiền bối, những người con ưu tú của quê hương đã một lòng đi theo đảng làm cách mạng, vừa góp phần phát huy bản sắc văn hóa mà người dân nơi đây đã xây dựng, gìn giữ qua hàng ngàn năm.
Sau phần lễ được tổ chức long trọng là phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống như nhảy sạp,ném còn, đánh bóng chuyền, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, thi ẩm thực, thi thêu dệt thổ cẩm, thi “Người đẹp Môn Sơn”.
Phần thi ẩm thực diễn với nhiều màu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của 12 thôn bản. Những món ăn như Cơm lam, xôi nhuộm lá rừng, bánh sừng trâu, chẻo bón, món Phịa, Phắc nừng (một loại nộm), cá mát nướng…được chuẩn bị công phu và trình bày khéo léo đã trở thành những bông hoa ngát hương giữa núi rừng miền Tây xứ Nghệ, để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi du khách tham dự lễ hội.
Đậu Đình Cường
Cán bộ BQL Khu BTTN Pù Hoạt