KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

LỄ ĐÓN “ TIẾNG SẤM” CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC Ơ ĐU NGHỆ AN

Ngày 23 tháng 2 năm 2021
Đồng bào dân tộc người Ơ Đu là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất của Việt Nam, trú tại bản Văng Môn Xã Nga My huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An với dân số khoảng 400 người. Người Ơ Đu sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, săn bắt và chăn nuôi…

Lễ đón tiếng sấm theo tiếng Ơ Đu có nghĩa là “ Chăm phtrong” gắn với tục thờ “ thần sấm”. ... Đồng bào Ơ Đu quan niệm hàng năm cứ khi nào xuất hiện tiếng sấm đầu tiên thì họ lại tổ chức lễ hội để bắt đầu cho một năm mới đây là ngày Tết lớn nhất trong năm, và cũng là thời điểm bắt đầu một mùa rẫy mới. Vì thế, người Ơ Đu tổ chức Tết mừng tiếng sấm để tạ ơn trời đất và cầu cho một mùa bội thu, một năm mưa thuận gió hòa, thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắn. phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe, dân làng đoàn kết .

Tiếng sấm còn là mốc thời gian để đồng bào thực hiện những việc trọng đại trong gia đình, dòng họ và kể cả công việc chung của cộng đồng. Bản thân người Ơ Đu từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi cũng phải chờ tiếng sấm vì theo họ chỉ khi có tiếng sấm vang lên thì linh hồn họ mới được siêu thoát. Do đó, Tết mừng tiếng sấm đầu năm là một lễ tục quan trọng nhất đối với người Ơ Đu.
Nghi lễ đầu tiên trong ngày Tết Chăm Phtrong là phong sắc, phong tước cho các chức sắc trong bản như: Trưởng họ, già làng, các chức sắc trong giới thầy mo và đổi tên cho những người đàn ông đã trưởng thành. Những nhà có người chết trong năm thì mời thầy mo về nhà làm lễ tiễn linh hồn người chết về với tiên tổ, đồng thời tiến hành làm nghi lễ bỏ tang cho người góa bụa, sau lễ mừng tiếng sấm họ có thể đi bước nữa. Những đứa trẻ sinh trong năm, đến ngày Chăm Phtrong được các thầy mo đến nhà làm lễ nhập họ và chính thức đặt tên.

Với ý nghĩa quan trọng gắn với đời sống văn hóa, tâm linh cho nên người Ơ Đu tổ chức Tết mừng tiếng sấm trang trọng, linh đình với đầy đủ các lễ vật của núi rừng sơn cước. Dù muốn hay không thì phải có một con lợn, con gà, rượu cần 2 vò, bánh chưng, cơm lam, nếp cẩm, cá mọc, cá lạp, nhọoc chuột… Lễ vật được đặt lên chiếc mâm mây đã trải lá chuối rừng và do thầy mo đứng ra làm lễ trước sự chứng kiến của bà con dân bản.

                                         Thầy mo đọc lời khấn cầu thần sấm

Trong buổi lễ, thầy mo được thay mặt cho bà con cầu mong trời đất, tổ tiên, dòng họ và linh hồn người Ơ Đu phù hộ cho bản mường một năm mưa thuận, gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt, hái lượm. Lễ hội mừng tiếng sấm đầu năm còn là dịp để người Ơ Đu gửi gắm ước mong về một cuộc sống bình yên, no đủ, gia đình con đàn, cháu đống, bản mường ấm no, đoàn kết.

                                               Đồng bào dân tộc Ơ Đu giao lưu văn nghệ

Kết thúc phần lễ bản làng và du khách tổ chức ăn uống xen kẽ đó là hoạt động múa hát vui vẻ. Đồng bào Ơ Đu và du khách hòa mình vào trong tiếng nhạc, tiếng trống và đi quanh theo mâm lễ và dùng ống tre gõ vào đất để tạo ra âm thanh như tiếng sấm. Bà con còn sử dụng các gậy nhọn để gõ vào đất, tượng trưng cho hoạt động chọc lỗ tra hạt với mong muốn một năm mới mùa màng bội thu. Bên cạnh các điệu múa truyền thống của dân tộc Ơ trò chơi của các dân tộc như: đi cà kheo, tọ mạc lẹ, bắn nỏ,….góp phần làm cho lễ hội đón tiếng sấm càng vui tươi rộn ràng và giàu bản sắc.

                                                                                                                                                                        Nguyễn Thị Thu
                                                                                                                                                              BQL chương trình PTLNBV