Nhằm xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sinh thái cho vùng Set – aside, Công ty CP Khoa học - Công nghệ và Quan lý rừng bền vững-Đơn vị tư vấn thực hiện kế hoạch “Hỗ trợ các hoạt động tại Khu vực dành riêng (Set-aside) ở Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An” thuộc dự án BR đã triển khai khảo sát thực địa tại 10 xã của 3 huyện (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông) thuộc tỉnh Nghệ An để xác định những khu vực có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Trong những năm gần đây, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đang trở thành xu hướng phát triển mạnh và rộng khắp trong cả nước đặc biệt là các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí gắn với các khu rừng đặc dụng, phòng hộ gắn với cộng đồng người dân địa phương. Việc lập đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đã được quy định cụ thể tại Điều 14 và Điều 15 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản Số 1183/TCLN-ĐDPH V/v hướng dẫn xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để đảm bảo việc triển khai thực hiện xây dựng đề án được đầy đủ và thống nhất tại các đơn vị ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ.
Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An với tổng diện tích 1.299.795 ha là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Đây là khu vực có các rừng đặc dụng có giá trị hết sức đặc biệt về thiên nhiên, là mẫu chuẩn hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Năm 2021, dự án BR đã phối hợp với Ban quản lý KDTSQ Tây Nghệ An tiến hành đánh giá tổng thể tài nguyên, kinh tế - xã hội của KDTSQ TNA và đã xác định khu vực dành riêng (set-aside) thuộc KDTSQ Tây Nghệ An có diện tích hơn 40.000 ha, đi qua địa bàn của 10 xã vùng Tây Nam của Nghệ An, đây là khu vực kết nối giữa VQG Pù Mát với Khu vực đa dạng sinh học núi cao Puxailaileng và mở rộng hành lang ĐDSH về phía Khu BTTN Pù Huống.
Việc xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sinh thái cho vùng Set – aside sẽ góp phần giảm thiểu các mối đe dọa lên rừng và đa dạng sinh học, tăng cường sử dụng tài nguyên không cạn kiệt và sinh kế bền vững ở khu vực dành riêng của KDTSQ Tây Nghệ An.
Quý 4/2023, Đơn vị tư vấn đã phối hợp với chính quyền địa phương của 10 xã vùng Set-aside (xã Na Ngoi, Nậm Càn, Lạng Khê, Châu Khê, Tam Quang, Tam Hợp, Tam Thái, Tam Đình, Lưu Kiền và xã Xá Lượng) để tiến hành khảo sát các điểm, tuyến có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trong vùng. Kết quả khảo sát đã xác định được 16 điểm có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trong vùng. Đây là các điểm đã được người dân trong xã đã và đang phát triển du lịch nhỏ lẻ hoặc vẫn còn ở dạng tiềm năng chưa được đầu tư khai thác phục vụ du lịch. Danh sách 16 điểm bao gồm: Du lịch sinh thái Pu Xai Lai Leng (Thôn Pù Khá, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn); Du lịch Homestay (Thôn Tăng Phàn, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn); suối nước (Thôn Nậm Càn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn); Điểm du lịch Rày Đơn (Bản Xốp Nậm, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn); Du lịch sinh thái Văng Phột (Thôn Xóng Con, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương); Hang Thắm Cung (Bản Quang Yên, xã Tam Đình, huyện Tương Dương); Khu du lịch sinh thái Khe Cớ (Bản Quang Phúc, xã Tam Đình, huyện Tương Dương); Khu du lịch sinh thái rừng Săng lẻ (Bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương); Khu du lịch sinh thái Nậm Xán (Bản Tùng Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương); Du lịch sinh thái Đoọc Búa (Xã Tam Thái, huyện Tương Dương); Chợ phiên Tam Thái (Xã Tam Thái, huyện Tương Dương); Điểm du lịch Rừng Săng lẻ Yên Hòa (Bản Yên Tân, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương); Điểm du lịch vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương); Điểm du lịch vùng lòng hồ thủy điện Khe Bố (Khe Bố, xã Tam Quang, huyện Tương Dương); Điểm du lịch Đầm Sen (Xã Châu Khê, huyện Con Cuông) và Suối nước nóng (Xã Lạng Khê, huyện Con Cuông).
Nguyễn Tiến Hưng
Văn phòng Ban Quản lý