KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

KHU VỰC DÀNH RIÊNG (SET-ASIDE) CỦA KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI MIỀN TÂY NGHỆ AN

ngày 19 tháng 7 năm 2021
Xác định các Khu vực dành riêng (set-aside) là một phần của kết quả thực hiện trong chuỗi các hoạt động “Đánh giá tài nguyên thiên nhiên tại Khu DTSQ miền Tây Nghệ An” thuộc Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu Dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (gọi tắt là Dự án BR). Dự án BR do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trong 05 năm (từ 2019-2024) và do Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện. Địa điểm thực hiện dự án là Hà Nội và 3 khu dự trữ sinh quyển thí điểm là Cù Lao Chàm – Hội An (tỉnh Quảng Nam), Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) và Tây Nghê ̣An (tỉnh Nghệ An).

                                       Hoạt động ứng dụng công nghệ vào theo dõi diễn biến rừng tại Khu BTTN Pù Hoạt


Khu vực dành riêng (set-aside) là gì?
Khu vực dành riêng là khu vực được xác định có giá trị bảo tồn cao ĐDSH cao và môi trường sống quan trọng, nhưng đang nằm ngoài các khu bảo tồn, cần phải đưa vào khu vực ưu tiên cho công tác bảo tồn ĐDSH. Khu vực dành riêng có thể đang chịu các sức ép từ sinh kế hoặc các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, nên cần phải có can thiệp để giảm áp lực và đạt được mục tiêu bảo tồn ĐDSH. Các can thiệp này có thể là các các giải pháp về quản lý (chính sách, nguyên tắc, qui định…) và cách thức sử dụng tài nguyên (cơ chế chia sẻ, sử dụng không cạn kiệt, các mô hình kinh tế sinh thái,…) hoặc các hoạt động quản lý môi trường sống tự nhiên (phục hồi rừng, làm giàu rừng, kết nối các sinh cảnh…). 
Mục tiêu của việc xác định các khu vực set-aside là để tìm ra các khu vực có ưu tiên cao cho các hoạt động lồng ghép mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Để có thể bảo tồn ĐDSH hiệu quả và bền vững, cần tìm kiếm các giải pháp làm hài hòa các mục tiêu kinh tế xã hội với mục tiêu bảo tồn. Các giải pháp đó có thể dẫn đến các hành động: Cấp chứng chỉ rừng, Quản lý rừng bền vững, Sử dụng tổng hợp tài nguyên, Qui hoạch bảo tồn có trách nhiệm…

Tiêu chí xác định các khu vực dành riêng (set-aside)
Để xác định được các vùng set-aside, cần có hai tiêu chí và xác định được các lớp bản đồ đưa vào chống xếp, tổng hợp, gồm:
- Vùng set-aside là vùng có các giá trị ĐDSH cao và môi trường sống quan trọng, nhưng đang chịu sức ép lớn bởi sinh kế và sự phát triển KTXH 
- Vùng set-aside là vùng có vai trò gia tăng các giá trị ĐDSH bằng cách kết nối hoặc mở rộng các khu vực bảo tồn.

Khu vực dành riêng (set-aside) của Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An
Thông qua các kết quả số liệu phân tích và hoạt động điều tra, khảo sát hiện trường đã xác định được diện tích các khu vực dành riêng (set-aside) ở Khu DTSQ miền Tây Nghệ An  là 72.544,59 ha, trong đó có tới 31.419,8 ha là diện tích rừng do các UBND xã quản lý (chiếm 43,3%); 19.758,56 ha do các BQL rừng phòng hộ huyện Con Cuông, Kỳ Sơn và Tương Dương quản lý (chiếm 27,24%); có 10.9 89 ha do các hộ gia đình quản lý (chiếm 15,15%), các chủ rừng còn lại quản lý hơn 10.000 ha, đi qua địa giới hành chính của 23 xã thuộc 5 huyện của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An. Như vậy, hầu hết diện tích rừng của vùng set-aside hiện nay đang do 3 nhóm chủ rừng quản lý, diện tích rừng do BQL rừng phòng hộ và các UBND xã quản lý thường ít bị tác động hơn diện tích rừng do các hộ gia đình quản lý.

  

                       Bản đồ các khu vực dành riêng (set-aside) ở Khu DTSQ miền Tây Nghệ An (Vùng màu xanh dương đậm)

Sau khi xác định được Khu vực dành riêng của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, dựa vào phương pháp tổng hợp bản đồ, khả năng đáp ứng và nhu cầu địa phương, một khu vực ưu tiên nhất có diện tích khoảng 40.000 ha thuộc 10 xã liền kề nhau là: Châu Khê, Tam Quang, Lạng Khê, Tam Hợp, Tam Thái, Tam Đình, Nậm Càn, Lưu Kiền, Xá Lượng, Na Ngoi được xác định để xem xét việc lập kế hoạch sử dụng không cạn kiệt tài nguyên trong khuôn khổ của dự án BR
Các khu rừng thuộc vùng dành riêng đã được lựa chọn ưu tiên cho dự án BR. Hầu hết diện tích đều là rừng tự nhiên tái sinh trên núi đất, chủ quản lý là BQL RPH, Công ty lâm nghiệp, UBND xã và các hộ gia đình. Các khu rừng này có khả năng kết nối với các khu rừng hiện có để tạo thành 1 vùng liên tục, vừa giúp kết nối các khu vực quan trọng của hành lang đa dạng sinh học, vừa giúp mở rộng VQG Pù Mát về phía Khu vực núi cao Puxailaileng. Dân cư và các hoạt động sinh kế trong khu vực này đã hiện hữu, có sinh kế phụ thuộc vào rừng. Nhưng do mật độ dân số còn thấp, các hoạt động phát triển KTXH chủ yếu là nông nghiệp đơn giản (trồng trọt trên các mảnh ruộng ven khe, trên các vùng đồi núi là đất sản xuất, chăn nuôi chủ yếu theo hình thức chăn thả và khai thác các loại LSNG…) nên áp lực không quá lớn, có thể can thiệp giảm nhẹ áp lực bằng cách tăng cường quản lý dựa vào cộng đồng, các quy định khai thác không cạn kiệt LSNG, đa dạng hóa sinh kế và chuyển đổi các hình thức canh tác bền vững hơn.

                                                                                                                                                                     Phan Sỹ Ninh
                                                                                                                                                                         Dự án BR