KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI NÚI CHÚA

Ngày 15/4/2022
Khu dự trữ sinh quyển thế giới  Đây là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Đó là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.
Một khu vực hệ sinh thái để được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới thì cần hội tụ đủ 7 tiêu chí sau:
_ Có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những khu vực phát triển có các mức độ tác động khác nhau (gradiation) của con người.
– Có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao.
– Có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững ở cấp độ vùng.
– Có diện tích thích hợp để đáp ứng được ba chức năng của khu dự trữ sinh quyển.
– Có đủ những phân vùng thích hợp để thực hiện 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển thông qua: Vùng lõi có diện tích đủ lớn, được thiết lập bởi pháp luật, hoặc một vùng được dành riêng cho việc bảo tồn lâu dài; Vùng đệm được xác định rõ ràng, bao quanh hoặc kết nối với (các) vùng lõi, nơi dành cho các hoạt động hài hòa với bảo tồn; Vùng chuyển tiếp dành cho việc khuyến khích và tạo ra các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững.
– Có bố trí các cơ cấu quản lý để huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan, giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và khối tư nhân để thiết kế và thực hiện các chức năng của khu dự trữ sinh quyển.
– Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận, bao gồm: (a) các cơ chế quản lý các hoạt động và khai thác của con người tại vùng đệm; (b) có một chính sách hoặc kế hoạch quản lý cho toàn khu dự trữ sinh quyển; (c) có một cơ chế hoặc đội ngũ quản lý được thành lập để thực hiện chính sách hoặc kế hoạch đó; (d) có các chương trình nghiên cứu, quan trắc, giáo dục và đào tạo.
Hiện tại, Việt Nam đã có 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận. Trong đó, Tại Kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB/ICC) diễn ra từ ngày 13 - 17/9/2021 tại Nigeria, hai Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai) của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Như vậy, trong giai đoạn 2000-2021, Việt Nam đã được công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển thế giới đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia (19 khu dự trữ sinh quyển).
Sáng 14/4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa từ UNESCO. Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra hồi tháng 9/2021 tại Nigeria, hồ sơ đề cử được thông qua và chính thức được tổ chức UNESCO công nhận.

                                                     Hệ thực vật vùng lõi tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, có tổng diện tích 106.646 ha, bao gồm cả rừng, biển, bán sa mạc - nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Với vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa, nơi đây sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên đa dạng.

                                                                      San hô ở vùng biển Núi Chúa

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa hiện có 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Hệ động vật cũng đa dạng với 765 loài được biết đến, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Nhiều loài đang được ưu tiên bảo tồn như gấu ngựa, gấu chó, beo lửa, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, sơn dương, nai, gà tiền mặt đỏ, rùa núi vàng... Đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có quần thể Voọc Chà Vá chân đen quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam đang được bảo tồn, phát triển.Ngoài ra, vùng biển của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa còn có rạn san hô rất phong phú với 350 loài, trong đó có 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ, đặc biệt có 46 loài san hô mới được ghi nhận và phân loại tại Việt Nam. Đây còn là nơi có quần thể rùa biển đến sinh sản hàng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay với lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 700 - 800 mm, thời tiết quanh năm nắng nóng. Điều kiện khí hậu khô nóng đã hình thành nên một hệ sinh thái đặc thù với diện tích khoảng 10.600 ha, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. 

                                                                                                                                            Nguyễn Thị Thu - Khu DTSQ Nghệ An