KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

Hội thảo tham vấn kiện toàn Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam

Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB – Man and Biosphere) ra đời năm 1971,  thuộc UNESCO là một chương trình khoa học liên chính phủ với mục tiêu xây dựng cơ sở khoa học cho việc cải thiện mối quan hệ giữa con người và môi trường sống xung quanh. MAB kết hợp các ứng dụng thực tế của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế và giáo dục để nâng cao đời sống con người, chia sẻ công bằng lợi ích và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và được quản lý, thúc đẩy cách tiếp cận sáng tạo để phát triển kinh tế phù hợp về mặt xã hội và văn hóa và bền vững về mặt môi trường (UNESCO, 2020).
Khái niệm Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) và các KDTSQ đầu tiên ra đời vào năm 1974. Theo định nghĩa của UNESCO, KDTSQ là “những khu vực có các hệ sinh thái trên cạn, biển và ven biển giúp thúc đẩy các giải pháp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững”. KDTSQ do chính phủ đệ trình, được UNESCO công nhận và thuộc Mạng lưới Toàn cầu các KDTSQ.
Mạng lưới Toàn cầu các KDTSQ (WNBR) được thành lập vào năm 1976. Tính đến tháng 6/2023, WNBR có 748 KDTSQ thuộc 134 quốc gia (trong đó có 23 KDTSQ xuyên quốc gia và 1 KDTSQ xuyên lục địa). Dưới Mạng lưới Toàn cầu có các mạng lưới khu vực như Mạng lưới KDTSQ Châu Âu - Bắc Mỹ (308 khu), Châu Phi (90 khu), Châu Á và Thái Bình Dương (172 khu), Các nước Mỹ Latin và Caribbean (132 khu) và các nước Arab (36 khu). Tổng diện tích của các KDTSQTG trên toàn cầu là 6.812.000 km2.
Mục tiêu của các KDTSQ thế giới là đảm bảo hài hòa giữa con người và thiên nhiên thông qua việc thực hiện ba chức năng chính là bảo tồn, phát triển và hỗ trợ. Cách tiếp cận quản lý các KDTSQ được thực hiện theo hướng mở, liên ngành và đa lĩnh vực. KDTSQ là “địa điểm học tập cho phát triển bền vững”. Đây cũng là khu vực thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành nhằm tìm hiểu và quản lý các thay đổi và tương tác giữa các hệ thống xã hội và hệ thống sinh thái, bao gồm ngăn ngừa xung đột và quản lý đa dạng sinh học.
KDTSQ Thế giới là di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ Việt Nam quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường.
Hiện nay, Việt Nam có 11 KDTSQ Thế giới được UNESCO công nhận với tổng diện tích hơn ba triệu ha bao gồm vùng biển và khu vực trên cạn. Trong đó, diện tích vùng lõi (chủ yếu là khu bảo tồn thiên nhiên) chiếm hơn 11% tổng diện tích của các KDTSQ Thế giới (hơn 450.000ha), là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với sự phong phú các hệ sinh thái tự nhiên.
Uỷ ban Quốc gia (UBQG) Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) được thành lập vào năm 1985 theo Quyết định số 5691.V10 ngày 6/11/1985 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về Chương trình MAB trực thuộc UBQG UNESCO Việt Nam, với các chức năng nhiệm chính bao gồm:
-Hỗ trợ điều phối Mạng lưới các KDTSQ Thế giới của Việt Nam;
-Phối hợp với cơ quan thường trực quản lý hệ thống KDTSQTG nhằm hướng dẫn KDTSQTG trong quản lý và triển khai hoạt động;
-Hỗ trợ chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các KDTSQ Thế giới trong mạng lưới các KDTSQTG;
-Hỗ trợ hợp tác quốc tế, thu hút nhà tài trợ;
-Tổ chức các hoạt động tổng kết, chia sẻ thông tin, các bài học kinh nghiệm cùng các thành công trong công tác quản lý KDTSQ Thế giới cho Mạng lưới các KDTSQ Thế giới của Việt Nam;
-Hỗ trợ tập huấn, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho cán bộ Mạng lưới KDTSQTG của Việt Nam.
MAB Việt Nam đã trải qua quá trình kiện toàn nhiều lần, lần gần nhất theo Quyết định số 02/BTK/19 của UBQG UNESCO Việt Nam ngày 14/8/2019 về việc bổ sung thành viên và gia hạn nhiệm kỳ các thành viên của Uỷ ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, các thành viên của MAB Việt Nam hoạt động theo nhiệm kỳ đến hết năm 2021.
Kể từ năm 2021, do nhiều nguyên nhân, MAB Việt Nam chưa được kiện toàn, kèm theo việc không có ngân sách hoạt động dẫn đến hoạt động điều phối và hỗ trợ mạng lưới các KDTSQ Thế giới của Việt Nam cũng như kết nối với Ban thư ký MAB quốc tế, Mạng lưới KDTSQ toàn cầu, khu vực và chuyên đề cũng như các hoạt động liên quan tới lĩnh vực sinh quyển gặp khó khăn, kém hiệu quả, đôi lúc đình trệ.
Ngày 24 tháng 01 năm 202 MAB Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án kiện toàn tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 30 đại biểu đại diện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học sư phạm 1 Hà Nôi, Ủy ban UNESCO và đại diện của 8 KDTSQ Việt Nam.

Qua quá trình thảo luận, cơ bản các đại biểu thống nhất với dự thảo Báo cáo kiện toàn theo Mô hình UBQG MAB Việt Nam trực thuộc Bộ TN&MT. Với vai trò hỗ trợ và tư vấn về mặt khoa học, UBQG MAB có thể đóng vai trò như một cầu nối vừa hỗ trợ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sinh quyển trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc gia và các quy định quốc tế một cách phù hợp với bối cảnh địa phương và đặc điểm của từng KDTSQTG vừa ghi nhận các phản hồi và đề xuất xem xét trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan. Với vai trò, chức năng cụ thể và nguồn lực đầy đủ, UBQG MAB Việt Nam có thể thực hiện hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp cho sự phát triển bền vững của Mạng lưới KDTSQTG của Việt Nam nói riêng và cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu nói chung; đồng thời đề nghị bổ sung Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và PTNT vào thành viên MAB Việt Nam./.

Nguyễn Tiến Hưng
Văn phòng BQL Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An