KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

Hội thảo góp ý Kế hoạch Quản lý và Bảo vệ môi trường Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An giai đoạn 2023 – 2027 và định hướng 2030.

Căn cứ chương trình công tác tháng 12/2023, hôm nay ngày 18 tháng 12 năm 2023 Văn phòng Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Ban Triển khai Dự án BR tổ chức cuộc Hội thảo góp ý hoàn thiện Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An giai đoạn 2023 – 2027, định hướng đến năm 2030.
Hội thảo do ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bà Đào Thị Minh Châu - Phó Giám đốc Trung tâm môi trường và tài nguyên sinh học chủ trì. Cùng dự có đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban Quản lý dự án lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Các thành viên Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An và các đơn vị thuộc vùng dự án BR.

Ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An


Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận vào ngày 18/9/2007. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, phạm vi thuộc địa giới hành chính của 9 huyện miền Tây Nghệ An gồm: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Để vận hành và đi vào hoạt động hiệu quả, Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An cần phải có một khung kế hoạch quản lý thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đại phương.
Hội thảo nhằm Tăng cường vai trò của BQL KDTSQ Miền Tây Nghệ An trong chủ trì kết nối các bên liên quan để lập kế hoạch và triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường; Tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực và ứng dụng công nghệ để xây dựng và thực thi hiệu quả các dự án bảo vệ môi trường và bảo tồn ĐDSH; Tổng hợp, đánh giá các hoạt động gây tác động xấu lên môi trường và thiên nhiên trong Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An và đề xuất các giải pháp đa ngành để hạn chế; Tổng hợp và đánh giá các mô hình bảo tồn thiên nhiên, mô hình kinh tế sinh thái hiệu quả trong KDTSQ Miền Tây Nghệ An và đề xuất các giải pháp nhân rộng; Tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực và ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ hiệu quả phát triển du lịch thân thiện với thiên nhiên KDTSQ Miền Tây Nghệ An.

Các đại biểu tham dự hội thảo


Tại hội thảo các đại biểu đưa ra rất nhiều ý kiến nhằm tăng cường nâng cao năng lực quản lý Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo các sản phẩm mang thương hiệu Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An; Cần phối hợp chính quyền địa phương, các Vườn Quốc gia Pù Mát, các Khu Bảo tồn thiên nhiên để công tác quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây hiệu quả hơn; Huy động các nguồn lực và ứng dụng công nghệ để xây dựng và thực thi hiệu quả các dự án bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An.
Qua cuộc hội thảo, Đồng chí Nguyễn Danh Hùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu và yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện Dự thảo về Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, để trình với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Nghệ An nhằm kịp phê duyệt đưa vào hoạt động từ giai đoạn năm 2024 -2027. 

Nguyễn Thị Thu
Cán bộ kỹ thuật Văn phòng Ban quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An