23/4/2022
Trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cơ sở trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”, cuộc đối thoại thường niên về giám sát độc lập thay đổi rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được tổ chức tại Khách sạn Mường Thanh Cửa Đông, TP. Vinh.
Tham dự cuộc đối thoại thường niên lần thứ nhất có dại diện UBND tỉnh Nghệ An, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Nghệ An, Chương trình REDD+ Nghệ An, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục kiểm lâm Nghệ An; đại diện Hội KHKT Lâm nghiệp Nghệ An, Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học Nghệ An, Hội các ngành Sinh học Nghệ An, Hội KHKT Lâm nghiệp Nghệ An, Liên hiệp các Hội KH và KT Nghệ An; đại diện UBND Tương Dương và Kỳ Sơn; đại diện Ban Quản lý RPH huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương và Kỳ Sơn; đại diện Hội nông dân huyện Tương Dương và Kỳ Sơn; đại diện các nhóm FCIM xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Hữu Kiệm, Tây Sơn, Na Ngoi; các thành viên BQL dự án, tư vấn và chuyên gia truyền thông cho dự án.
Khai mạc cuộc đối thoại thường niên, bà Đào Thị Minh Châu, Phó Giám đốc dự án bày tỏ sự vui mừng và nhiệt liệt chào đón các đại biểu đại diên cho các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện và các tổ chức. Qua một năm thực hiện dự án (từ tháng 9/2020 đến tháng 11/2021), các CSOs và CBOs của 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đã được tập huấn và sử dụng cộng cụ Terra-i để hỗ trợ các hoạt động giám sát thay đổi rừng tại địa phương. Để các hoạt động này đi vào thực tiễn và có ý nghĩa hơn với các hoạt động quản lý bảo vệ rừng của tỉnh và Chương trình REDD+, BQL dự án mong cuộc hợp sẽ thống nhất được cơ chế chia sẻ, sử dụng và công bố các kết quả mà các nhóm FCIM đã ghi nhận. Đồng thời, trao đổi, góp ý và đề xuất được các giải pháp khả thi, hiệu quả, giúp nâng cao vai trò của các tổ chức cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng.
Các đại biểu tham dự cuộc đối thoại đã được nghe các báo cáo về kết quả hoạt động của dự án: (1) - Giới thiệu Chương trình REDD+ và vai trò của các tổ chức xã hội, cộng đồng trong Chương trình REDD+; (2) - Giới thiệu về Terra-i và ứng dụng của nó trong giám sát, quản lý bảo vệ rừng; (3) - Một số kết quả giám sát thay đổi rừng ở vùng dự án (6 xã của 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn); (4) - Một số kết quả đối thoại hàng quý về giám sát độc lập thay đổi rừng tổ chức tại 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Kết quả cho thấy, qua 1 năm thực hiện, dự án đã xây dựng được 01 mạng lưới giám sát độc lập thay đổi rừng (FCIM) từ cấp tỉnh đến huyện, xã và 18 thôn bản, hoạt động bước đầu hiệu quả và thu được các kết quả tin cậy, khẳng định vai trò của các tổ chức cộng đồng.
Trong phần đối thoại, các đại biểu đại diện cho các nhóm FCIM đã trao đổi thẳng thắng, cởi mở với đại diện các cấp chính quyền và các bên liên quan những nội dung quan trọng: (1) Mức độ hợp lý và độ tin cậy của mạng lưới giám sát độc lập thay đổi rừng; (2) Kết quả giám sát của hệ thống có hỗ trợ được gì cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của các chủ rừng tổ chức và cơ quan quản lý rừng?; (3) Kết quả giám sát của hệ thống có hỗ trợ được gì cho Chương trình REDD+ (PRAP), Chương trình giảm phát thải (ER-P), Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES)?; (4) Cơ chế chia sẻ thông tin giữa mạng lưới FCIM với Chính quyền, các cơ quan quản lý rừng và các chủ rừng tổ chức; (5) - Những giải pháp để mạng lưới hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. Kết quả, cuộc họp đã ghi nhận được 11 ý kiến phát biểu, trao đổi giữa các nhóm FCIM với chính quyền và các bên liên quan (BQL RPH, Kiểm lâm) để thống nhất, đánh giá cao vai trò của mạng lưới FCIM và mong muốn triển khai mở rộng mạng lưới này cho các địa bàn khác, góp phần tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương. Đặc biệt, để nâng cao năng lực cho thành viên các nhóm FCIM, dự án cần phối kết hợp với các chương trình của địa phương, các dự án khác để tận dụng nguồn lực, tiết kiệm chi phí, tăng sự trao đổi chia sẻ thông tin, tăng tính chính xác của hoạt động thực địa hiện trường. Mặt khác, cuộc họp cũng mong muốn tăng cường tính chính xác và cập nhập của hệ thống Terra-i, bổ sung các thông tin chủ rừng, loại rừng, hướng đến các đối tượng mục tiêu của chương trình REDD+, gắn với đường cơ sở cần bảo vệ, duy trì và phát triển. Cuộc họp cũng nhấn mạnh các kết quả do hệ thống Terra-i và mạng lưới FCIM thực hiện trong thời gian qua là trung thực, đúng với thực tế nhưng cần phân biệt, chính xác hóa lại các nguyên nhân mất rừng để kết quả đi vào thực tiễn.
Thay mặt BQL dự án, bà Đào Thị Minh Châu cam kết sẽ cải tiến hệ thống Terra-i đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của địa phương, hiệu quả cho người sử dụng, là một kênh để nhà tài trợ tham khảo và đối chiếu, mong các cấp chính quyền hỗ trợ để mạng lưới FCIM hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn.
HÌNH ẢNH CUỘC ĐỐI THOẠI THƯỜNG NIÊN VỀ GIÁM SÁT ĐỘC LẬP THAY ĐỔI RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Toàn cảnh cuộc đối thoại thường niên về giám sát độc lập thay đổi rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Ông Thò Bá Rê, PCT UBND huyện Kỳ Sơn, tham gia phát biểu tại cuộc họp
Ông Lê Hoàng - Phụ trách BQL RPH Kỳ Sơn phát biểu tại cuộc họp
Ông Hoàng Văn Huynh – Hạt kiểm lâm Kỳ Sơn, phát biểu
trao đổi với các đại biểu tham dự cuộc họp
Ông Nguyễn Huy Ninh – Dự án VFBC, phát biểu tại cuộc họp
Ông Nguyễn Thành Chung – Sở NN và PTNN tỉnh Nghệ An,
phát biểu về hệ thống Terra-i
Ông Đậu Quang Vinh – Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Nghệ An,
phát biểu đóng góp ý kiến cho hoạt động của mạng lưới FCIM
Ông Lô Văn Tiến – Đại diện nhóm FCIM xã Tam Quang, phát biểu
về một số hoạt động của mạng lưới FCIM tại địa bàn xã Tam Quang
Phan Sỹ Ninh - Ban dự án BR