22/4/2022
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cơ sở trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” được thực hiện thí điểm tại huyện Kỳ Sơn và Tương Dương (Tỉnh Nghệ An), Ban quản lý án thuộc Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học (CEBR) và Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI), phối hợp cùng Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đã tổ chức Hội thảo về ứng dụng công nghệ Terra-i nhằm tăng cượng hiệu quả giám sát bảo vệ rừng cho cho các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện cho chính quyền cấp tỉnh và chính quyền 2 huyện thực hiện dự án bao gồm Phòng Nông lâm tỉnh Nghệ An, Chương trình REDD+ Nghệ An, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Ngoại vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục kiểm lâm, Khu dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, PCT UBND huyện Kỳ Sơn, phòng NN & PTNT huyện Tương Dương. Tham dự hội thảo còn có đại diện chính quyền các xã Nga My, Yên Thắng, Yên Hoà, Tam Hợp, Lượng Minh, Yên Hoà huyện Tương Dương và Huồi Tụ, Phà Đánh, Nậm Càn huyện Kỳ Sơn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đinh Đức Thuận – Giám đốc dự án đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, đó là xây dựng Cơ chế Quản lý độc lập thay đổi rừng (FCIM) tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ cho Chương trình giảm phát thải tại 6 tỉnh duyên hải BTB (ERP, 2019 - 2025), và gần đây nhất là Tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 vào ngày 1/11/2021 tại hội nghị COP26 (Glasgrow).
Tại hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe bài trình bày của TS. Đào Thị Minh Châu – PGĐ Dự án về Vai trò của hệ thống giám sát độc lập của cộng đồng và các tổ chức xã hội (FCIM) đối với quản lý rừng trong chương trình REDD+, trong đó nêu rõ thiết kế hệ thống FCIM hiện đang được triển khai thí điểm tại 6 xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái của huyện Tương Dương và Na Ngoi, Hữu Kiệm, Tây Sơn của huyện Kỳ Sơn.
Trong phần chính của hội thảo, ông Phan Văn Trọng – chuyên gia của CIAT đã giới thiệu cho các cấp chính quyền về hệ thống Terra-i và ứng dụng của hệ thống trong cảnh báo sớm các điểm mất rừng được thực hiện tại các quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam. Tại Nghệ An, hệ thống Terra-i được cập nhật cho địa bàn 6 xã dự án của 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn.
Trong phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu tại Hội thảo đều ghi nhận và đánh giá cao vai trò của mạng lưới FCIM và mong muốn triển khai mở rộng mạng lưới này cho các địa bàn khác, góp phần tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương. Bên cạnh đó, hội thảo đã ghi nhận các câu hỏi và đóng góp ý kiến của các đại biểu về: Khả năng mở rộng hệ thống Terra-i cho các địa bàn khác tại 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn? Khả năng thay đổi, bổ sung các thông tin trên hệ thống, ví dụ chủ rừng, loại rừng, vv? Khả năng xây dựng hệ thống Terra-i như là một phần mềm app trên máy điện thoại để tiện cho người sử dụng? Khả năng tích hợp của hệ thống Terra-i với các phần mềm quản lý bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm? Khả năng xác định, khoanh vẽ diện tích mất rừng?. Ông Phan Văn Trọng đã làm rõ các yếu tố kỹ thuật của hệ thống Terra-i cho các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An, trong đó ông khẳng định trong một năm hoạt động của dự án, hệ thống Terra-i đã liên tục được cải thiện để đáp yêu cầu thực tiễn của địa phương, trong thời gian tới hệ thống sẽ tiếp tục hoàn thiện và bổ sung một số chức năng để tăng cường hơn nữa hiệu quả cho người sử dụng.
Ông Đinh Đức Thuận – Giám đốc dự án phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Hoàng Quốc Kỳ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến
Phan Sỹ Ninh - Ban quản lý Dự án BR