KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

HỘI THẢO TẬP HUẤN BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ KHAI THÁC BỀN VỮNG LÂM SẢN NGOÀI GỖ TẠI KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN

Nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ các Khu bảo tồn, nhà quản lý và cán bộ chính quyền, thanh niên địa phương, cộng đồng và các bên liên quan khác tại Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An về bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ thông qua việc cập nhập kiến thức, phương pháp và kĩ năng, Ban quản lý Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” ( Dự án BR) phối hợp với Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái ( Trung tâm ECODE) tổ chức Hội thảo tập huấn về Bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, từ ngày 27/9/2023 đến ngày 29/9/2023.

Các đại biểu về tham dự hội thảo


Tham dự hội thảo có 40 đại biểu tham dự gồm: Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An; Vườn quốc gia Xuân Thủy; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Thái Bình; cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, phòng Tài nguyên và môi trường huyện Quỳ Hợp, cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Hạt kiểm lâm huyện Quỳ Hợp; Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương; Hạt kiểm lâm Con Cuông; Lãnh đạo UBND các xã Nga My, Yên Hòa huyện Tương Dương; và các xã tại huyện Quỳ Hợp.

Đồng chí Võ Minh Sơn - GĐ Khu BTTN Pù Huống khai mạc hội thảo


Mục tiêu của Hội thảo tập huấn là giúp các cán bộ cấp địa phương, cán bộ Khu bảo tồn và cán bộ kiểm lâm nâng cao năng lực quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ và áp dụng có hiệu quả những kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác lâm sản ngoài gỗ trong thời kỳ biến đổi khí hậu trong quá trình tham mưu, thực thi các chính sách tại địa phương.
Các giảng viên của chương trình tập huấn là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về ĐDSH, biến đổi khí hậu và lâm sản ngoài gỗ như: TS. Hoàng Thị Ngọc Hà (Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng Sinh thái (ECODE), ThS. Tạ Thị Nữ Hoàng (Giảng viên, chuyên gia Lâm sản ngoài gỗ trường Đại học Lâm nghiệp). 

TS. Giảng viên Hoàng Thị Hà triển khai hội thảo


Tại Hội thảo các đại biểu đã được giới thiệu, chia sẻ, cập nhật các kiến thức về các chủ đề như: Thông tin về ĐDSH trên thế giới, Việt Nam cũng như của Khu BTTN Pù Huống; Các vấn đề thực tiễn trong nghiên cứu và quản lý ĐDSH, khai thác lâm sản ngoài gỗ; Các bài học kinh nghiệm trong bảo tồn ĐDSH và phát triển lâm sản ngoài gỗ; Khó khăn, thách thức và cơ hội đối với việc khai thác bền vững các giá trị lâm sản bền vững đối với địa phương; Biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của BĐKH và các giải pháp thích ứng 
Thông qua Hội thảo các đại biểu tham dự có sự trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm bằng nhiều hình thức như thảo luận nhóm, tham gia các trò chơi, xác định vấn đề - thách thức tại địa phương về bảo tồn ĐDSH, phát triển lâm sản ngoài gỗ và thích ứng BĐKH, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp thực tiễn. Trong chương trình hội thảo các đại biểu cũng đã có dịp trải nghiệm, tham quan thực tế một số địa điểm du lịch  tại Khu BTTN Pù Huống, tham quan nhà Bảo tàng thiên nhiên, Vườn thực vật ngoại vi … Các hoạt động này đã giúp các đại biểu hiểu hơn về các giá trị ĐDSH tại Khu BTTN Pù Huống cũng như Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An và tầm quan trọng của việc bảo tồn ĐDSH.
Cuối đợt Hội thảo các học viên được cấp chứng nhận đã hoàn thành khóa tập huấn về bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ.

Nguyễn Thị Thu – Khu DTSQ miền Tây Nghệ An