KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN - NĂM 2022 CÁC KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI CỦA VIỆT NAM

Ngày 04/11/2022, tại Hội trường Vườn Quốc gia Cát Bà, Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) tổ chức Hội nghị thường niên các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam, tham dự có đầy đủ 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam, nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững của các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học, diện tích tự nhiên của 11 khu dự trữ sinh quyển là 4.866.009 ha chiếm khoảng 14,69% của cả nước, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm (Hình trên) và mẫu vật động-thực vật (Hình dưới) của Khu DTSQ Quần đảo Cát Bà .

Trước khi vào Hội nghị các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm thân thiên môi trường được sản xuất trong Khu Dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà. Tiếp đến tham quan mẫu vật động-thực vật Cát Bà tại Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng Cát Bà.

Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm (Hình trên) và mẫu vật động-thực vật (Hình dưới) của Khu DTSQ Quần đảo Cát Bà .

Thành phần tham dự Hội nghị, GS.TS, Nguyễn Hoàng Trí [Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam] cùng Ban Thư ký; Bà Nguyễn Thanh Hà (Phó Vụ trưởng, Vụ KHXH nhân văn và tự nhiên, PCT UBQG MAB Việt Nam); Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn (Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT); Ông Đào Quyền Trưởng (Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao; cùng trên 70 đại biểu đại diện của 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam;… Khu DTSQ Thế giới Kiên Giang tham dự với 3 đại biểu, trong đó TS. Nguyễn Xuân Niệm (PGĐ. Sở KH&CN, Phó trưởng BQL Khu DTSQ) làm Trưởng đoàn.

GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí (Giữa); Bà Nguyễn Thanh Hà (Trái); Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn (Phải) dãy ghế trước.

Vào phần Hội nghị, đầu tiên GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí [Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam] phát biểu khai mạc: Đánh giá cao các hoạt động của 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam, gồm: (i) Khu DTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ; (ii) Khu DTSQ Đông Nai; (iii) Khu DTSQ Quần đảo Cát Bà; (iv) Khu DTSQ Châu thổ sông Hồng; (v) Khu DTSQ Kiên Giang; (vi) Khu DTSQ Tây Nghệ An; (vii) Khu DTSQ Mũi Cù Lao Chàm - Hội An; (viii) Khu DTSQ Mũi Cà Mau; (ix) Khu DTSQ Langbiang; (x) Khu DTSQ Núi Chúa; (xi) Khu DTSQ Kon Hà Nừng), khu DTSQ thế giới không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận mà còn đang dần trở thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Nhiều khu dự trữ sinh quyển sau khi được ghi danh đã trở nên nổi tiếng thế giới, thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, nhờ đó tốc độ phát triển nhanh hơn gấp nhiều lần, điển hình như Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Cần Giờ, Đồng Nai, Langbiang, Kiên Giang, Nghệ An,... Đây không chỉ dự trữ sinh quyển cho nhân loại mà đây còn được xem là khu dự trữ nguồn sống, dự trữ tương lai sinh tồn và sự phát triển, gắn kết giữa con người và thiên nhiên cho quốc gia sở hữu. Việc bảo vệ các khu dự trữ sinh quyển chính là bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Chỉ có nguồn lực con người mới bảo vệ được thiên nhiên, và bằng con đường đó, các khu dự trữ sinh quyển thế giới Việt Nam đã, đang đi và tiếp tục thành công. Thời gian tới, mỗi khu dự trữ sinh quyển sẽ có những sáng kiến riêng để đạt được mục tiêu chung là phát triển bền vững.
Tiếp đến, Ông Đào Quyền Trưởng (Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao) phát biểu chào mừng bày tỏ: Việc xây dựng khu dự trữ sinh quyển nhằm giải quyết một trong những vấn đề thực tiễn quan trọng nhất mà con người đang phải đối mặt hiện nay, đó là làm thế nào để có thể tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sự thúc đẩy kinh tế - xã hội, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.

Phát biểu chào mừng: Ông Đào Quyền Trưởng (Hình trên); Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn (Hình dưới) 

Trong phát biểu chào mừng của Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn (Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT) cho biết: Quản lý và bảo vệ môi trường các khu dự trữ sinh quyển được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ các khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tại các khu dự trữ sinh quyển, đã có nhiều sáng kiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường được thực hiện và lan tỏa trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển và góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, đề nghị các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu dự trữ sinh quyển và các bên có liên quan phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các khu dự trữ sinh quyển đối với sự sống của con người và thiên nhiên, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các khu dự trữ sinh quyển tại địa phương.
Vào phần nội dung chính, Bà Vũ Thục Hiền, Thư ký Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam] trình bày 3 nội dung lớn: (1) Tổng kết một số sự kiện quốc tế nổi bật 2022; (2) Kết quả hoạt động nổi bật của MAB Việt Nam - Mạng lưới dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam; (3) Một số đề xuất khuyến nghị từ 11 bản báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và phương hướng hoạt động năm 2023 của 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam. Sau đó, Chủ tọa Hội nghị - GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí [Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam] mời lần lượt theo thứ tự thời gian thành lập của 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam, báo cáo kết quả, kế hoạch theo dạng tóm tắt, riêng phần khó khăn và khuyến nghị thì trình bày chi tiết. Trong phần của Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Kiên Giang, TS. Nguyễn Xuân Niệm (PGĐ. Sở KH&CN, Phó trưởng BQL Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Kiên Giang) làm rõ thêm bằng 11 đề xuất khuyến nghị.
Trước phần kết thúc Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí [Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam] tuyên bố Hội nghị thường niên năm 2023 sẽ diễn ra tại Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Kiên Giang và mời Chủ nhà Khu Dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà trao cờ luân lưu cho Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Kiên Giang. Dự kiến thời gian sẽ là ngày 03/11/2023, địa điểm là Đảo ngọc Phú Quốc và mời đại diện lãnh đạo hai khu chụp hình lưu niệm.

Các khu DTSQ Thế giới của Việt Nam chúc mừng Khu DTSQ Thế giới Kiên Giang và chụp hình lưu niệm.

Trước đó, ngày 03/11/2023, cũng tại Hội trường Vườn Quốc gia Cát Bà, Bộ TN&MT, phối hợp với UBND TP. Hải Phòng và Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển tại Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng). Đến tham dự có Ông Võ Tuấn Nhân (Thứ trưởng Bộ TN&MT); Ông Nguyễn Đức Thọ (Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Trưởng BQL Khu DTSQ Cát Bà); Ông Nguyễn Văn Tài (Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trưởng); Ông Dương Thanh An (Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học); Ông Đào Quyền Trưởng (Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao); GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí [Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam]; và đại diện 11 khu DTSQ thế giơi của Việt Nam;…

 

Ông Võ Tuấn Nhân (Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng thực hiện cam kết hành động bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam.

Các đại biểu bắt tay cam kết cùng thực hiện hành động bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam (TS. Niệm, thứ 8 bên trái sang)

Cùng với Lễ mít-tinh là Chương trình trồng cây để hưởng ứng và thúc đẩy thực hiện “Sáng kiến 1 tỷ cây xanh” tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam.
TS. Nguyễn Xuân Niệm 
(PGĐ. Sở KH&CN, Phó trưởng BQL Khu DTSQ Thế giới Kiên Giang) 
==================