KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

Dự án Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây Mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng tại 2 xã vùng đệm ưu tiên Tam Quang, Tam Hợp huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An

Huyện Tương Dương, huyện Kỳ Sơn và huyện Quế Phòng là 3 huyện thuộc vùng đệm được Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (UNDP/GEF-SGP) đầu tư xây dựng các dự án. Đối với huyện Tương Dương, đây là lần thứ hai được dự án quan tâm hỗ trợ xây dựng các mô hình.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 17 xã, thị trấn, có 18.650 hộ và 77.818 người, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Ơ đu, Khơ Mú, Tày Poọng, Mông... Huyện có diện tích tự nhiên 280.778,18 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho Lâm nghiệp là 261.059,42 ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2021 đạt 79,14.%. Là đơn vị cấp huyện có quỹ đất lâm nghiệp, quỹ rừng lớn nhất cả nước.


Trong nhiều năm qua, việc bảo vệ và phát triển rừng, phát triển sinh kế từ nghề rừng tại huyện Tương Dương mặc dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn, kinh tế rừng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, việc phát triển sinh kế từ cây Mét vẫn còn nhiều khó khăn: Phần lớn diện tích rừng trồng hiện có được trồng từ nhiều năm trước đây do các Dự án Lâm nghiệp tài trợ. Hàng năm, việc trồng mới rất hạn chế, người dân chưa tạo được giống Mét để chủ động trong trồng rừng. Nguyên nhân do chưa được phục tráng, chăm sóc, khai thác hợp lý nên chất lượng rừng trồng Mét tại huyện Tương Dương ngày càng đi xuống, diện tích rừng Mét bị thoái hóa, chất lượng rừng Mét ngày càng suy giảm.Về khai thác người dân khai thác không theo kỹ thuật, không chăm sóc phát dọn rừng Mét sau khai thác dẫn tới những diện tích này trên địa bàn đang bị suy thoái, vì vậy nếu không có biện pháp kịp thời thì việc phục hồi sẽ rất khó khăn.
Nhằm nâng cao mô hình sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ môi trường. Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HU, ngày 20/7/2020 Đại hội Đảng bộ huyện Tương Dương khóa XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về Trồng rừng phấn đấu đạt 4.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng: Giữ vững 79,14% . Để đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ đã đề ra, UBND huyện Tương Dương đã ban hành Quyết định số 342/QĐ - UBND ngày 21/4/2021 về Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu Tre Mét trên địa bàn huyện Tương Dương, giai đoạn 2021- 2025”.
Thực hiện Chương trình Phối hợp giữa UBND và Hội Nông dân huyện Tương Dương năm 2022 và Công văn số 200101-BRTD, ngày 20/01/2022 của Văn phòng Điều phối Chương trình Quốc gia về việc Thông báo phê duyệt Dự án VNM/UNDP/2021/04 “Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây Mét theo theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng tại 2 xã vùng đệm ưu tiên Tam Quang, Tam Hợp huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An”, do Hội Nông dân huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đề xuất đã được ký kết. (Tên viết tắt: GEF4).

Hội nghị khởi động dự án

Mục tiêu của dự án là phát triển có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật và tổ chức sản xuất từ cây Mét để nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS, góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH tại hai xã vùng đệm ưu tiên Tam Quang, Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. 
Trong nhiều năm qua, để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng tự nhiên và phát triển tốt chức năng các hệ sinh thái khu DTST Tây Nghệ An, Nhà nước, tỉnh Nghệ An, huyện Tương Dương đã có nhiều chủ trương, chính sách, đầu tư cho công tác QL bảo vệ rừng và phát triển sinh kế cho nhân dân vùng đệm.
 Đối với xã Tam Quang có diện tích tự nhiên 37.517,78 ha, diện tích có rừng 33.697,84 ha, tỷ lệ che phủ rừng 89,82% , xã có 11 thôn bản, 1948 hộ với 7743 nhân khẩu, xã có tỷ lệ hộ nghèo còn 4,1%, là xã đạt chuẩn nông thôn mới tốp đầu của huyện Tương Dương; là xã có diện tích đất nông nghiệp ít, trồng rừng và phát triển chăn nuôi gia súc là thế mạnh của xã Tam Quang. Trong đó, phát triển cây Mét là loài cây lâm nghiệp chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài, ổn định trên địa bàn xã. Còn đối với xã Tam Hợp có diện tích tự nhiên 23.210,31 ha, diện tích có rừng 21.728,21 ha, tỷ lệ che phủ rừng 93,61%; xã có 5 thôn bản 524 hộ, với 2.487 nhân khẩu, xã có tỷ lệ hộ nghèo còn 30%. Đời sống kinh tế người dân chủ yếu là sản xuất nương rẫy, đời sống chủ yếu phụ thuộc tài nguyên thiên nhiên, khai thác tài nguyên rừng. 
 


Dự án Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây Mét có 3 mục tiêu trước mắt cần đạt được: 
Thứ nhất, nâng cao kiến thức năng lực phát triển sinh kế bền vững từ cây Mét cho đồng bào DTTS các xã Tam Quang, Tam Hợp huyện Tương Dương (a) Bảo vệ, phục tráng, khai thác hợp lý rừng trồng Mét hiện có; b) Trồng bổ sung cây Mét trên đất rừng tự nhiên nghèo đã giao cho các hộ gia đình gắn với BVR. Trồng rừng Mét trên đất rừng sản xuất chưa có rừng. d) Phát triển quỹ quay vòng phát triển sinh kế).
Thứ hai, nhân rộng thành công 4 loại mô hình sinh kế phát triển sinh kế bền vững cây Mét tại 2 xã vùng đệm ưu tiên Tam Quang, Tam Hợp thuộc huyện Tương Dương, Khu DTSQ Tây Nghệ An bảo vệ, phục tráng, khai thác hợp lý rừng trồng Mét đã có trên địa bàn. (a)Trồng bổ sung cây Mét trên đất rừng tự nhiên nghèo đã giao cho các hộ gia đình gắn với bảo vệ rừng, b) Trồng rừng Mét trên đất rừng sản xuất chưa có rừng, c) Phát triển Quỹ vay vốn quay vòng nhân rộng các mô hình).
Thứ ba, kết quả, kinh nghiệm về nhân rộng mô hình phát triển sinh kế bền vững từ cây Mét và phát triển Quỹ vay vốn quay vòng được sẻ chia trong cộng đồng, các bên liên quan, tư liệu hóa và đề xuất kiến nghị lên chính quyền các cấp, các sở ngành liên quan và đóng góp vào kết quả thành công chung của Dự án bảo vệ rừng.

           

   Hội Nông dân huyện cấp giống Mét cho các hộ dân tham gia dự án
Dự án được hỗ trợ hơn 1 tỷ 591triệu đồng bao gồm hỗ trợ trực tiếp và thành lập Quỹ vay vốn quay vòng. Xây dựng 4 loại mô hình sinh kế phát triển cây Mét theo chuỗi giá trị tại 2 xã vùng đệm ưu tiên được lồng ghép nhân rộng thành công:
a)    Bảo vệ, phục tráng, khai thác hợp lý 500,87 ha rừng trồng Mét đã có trên địa bàn.
b)    Trồng bổ sung 86,92 ha rừng Mét trên đất rừng tự nhiên nghèo đã giao cho các hộ gia đình gắn với BVR.
c)    Trồng rừng 44,12 ha Mét trên đất rừng sản xuất chưa có rừng.
d)    Phát triển Quỹ vay vốn quay vòng nhân rộng các mô hình của dự án.


Nhóm chuyên gia Dự án môi trường toàn cầu UNDP kiểm tra tiến trình thực hiện dự án

Để có thể đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian vừa qua, Ban Điều hành, Nhóm chuyên gia đã có rất nhiều loại hình hoạt động như: Tổ chức 06 cuộc tập huấn , 06 cuộc truyền thông, Hội thảo báo cáo, chia sẻ kết quả, kinh nghiệm Dự án về nhân rộng các mô hình sinh phát triển bền vững cây Mét, phát triển quỹ vay vốn quay vòng; Xây dựng quy trình, giải pháp kỹ thuật; đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho 333 hộ gia đình tham gia mô hình, cán bộ địa phương; Kết nối thị trường, xúc tiến hợp đồng bán cây Mét cho các hộ gia đình, tổ hợp tác với các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Dự án còn hỗ trợ công tác Quản lý như thành lập Ban giám sát cộng đồng, thành lập Tổ hợp tác để gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tổ chức liên kết ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cây Mét giữa Tổ hợp tác, nhóm cộng đồng với doanh nghiệp; Hỗ trợ đưa một số sản phẩm chế biến từ cây Mét dự thi OCOP tỉnh để nâng tầm thương hiệu,chất lượng sản phẩm từ dự án.
 

   


Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các hộ dân

Hy vọng trong thời gian tới mô hình nhân rộng sinh kế bền vững từ phát triển cây Mét, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với bảo vệ rừng tự nhiên của Dự án sẽ thành công, duy trì và phát triển bền vững góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia dự án và cộng đồng nhân dân các xã Tam Quang, Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An./

    Trần Thị Hải
Hội Nông dân huyện Tương Dương