KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

Đặc tính sinh thái các loài cây Hạt trần ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được thành lập năm 2013. Các nghiên cứu về thực vật nói chung và thực vật Hạt trần nói riêng tại đây còn rất hạn chế. Theo các số liệu cập nhật về danh lục thực vật, hiện nay KBT có 763 loài thuộc 427 chi, 124 họ. Trong đó ngành Hạt trần có 6 họ, 9 chi, 13 loài gồm: Bách tán (họ Bách tán); Bách xanh, Pơ mu, Trắc bách (họ Hoàng); Thiên tuế đá vôi, Thiên tuế lược, Vạn tuế (họ Tuế); Gắm núi (họ Gắm núi); Thông lông gà, Kim giao, Kim giao wallich, Thông tre lá dài (họ Kim giao); Sa mộc dầu (họ Bụt mọc). Việc bảo tồn thực vật Hạt trần tại Việt Nam nói chung và của khu BTTN Pù Hoạt nói riêng là hết sức cần thiết.
Dựa theo tài liệu: “Điều tra phân bố đặc tính sinh thái các loài cây Hạt trần làm cơ sở lập kế hoạch bảo tồn tại Khu BTTN Pù Hoạt” trên phạm vi 21 tuyến với tổng số chiều dài tuyến trên 207,18 km, và điều tra khoanh lô triên tuyến với tổng diện tích 2.000,72ha, đã ghi nhận được có 10 loài Hạt trần phân bố trong khu vực nghiên cứu; xây dựng được bộ tiêu bản cho 10 loài Hạt trần đã được ghi nhận với 59 tiêu bản.


Tất cả các loài phát hiện trong đợt nghiên cứu này đều là những loài Hạt trần quý hiếm có giá trị bảo tồn cao. Trong đó có 4 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam 2007 là: Pơ mu, Bách xanh, Sa mộc dầu và Du sam núi đất. Trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP có 5 loài: Pơ mu, Bách xanh, Sa mộc dầu, Du sam núi đất và Tuế lá dài. Tất cả các loài đều có trong Danh lục đỏ của IUCN, cấp EN 1 loài (Sa mộc dầu), cấp VU 3 loài (Pơ mu, Du sam núi đất, Dẻ tùng vân nam), cấp NT 3 loài (Bách xanh, Tuế lá dài, Kim giao), cấp Lc 3 loài (Thông nàng, Thông tre và Gắm núi). Trong Công ước Cites có 1 loài được ghi nhận trong Phụ lục 2 là Tuế lá dài.
 

Cây Sa mu dầu tại KBTTN Pù Hoạt
Cây Sa mu dầu tại KBTTN Pù Hoạt

Tổng hợp theo tài liệu nghiên cứu của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Thái Bá Thám
Văn phòng Ban Quản lý