KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

Đặc điểm khu hệ bò sát, ếch nhái tại Khu Bảo Tồn thiên nhiên Pù Huống

Khu hệ bò sát, ếch nhái tại Khu BTTN Pù Huống cũng đã được nhiều nhà động vật học quan tâm và thực hiện điều tra, nghiên cứu trong gần 30 năm trở lại đây
Một số chương trình điều tra về bò sát, ếch nhái đã thực hiện tại Khu BTTN Pù Huống bao gồm: FIPI (1994-1995), Trung tâm Môi trường và Phát triển nông thôn – Đại học Vinh (2003-2004), Hoàng Xuân Quang và cs (2005), Hoàng Xuân Quang (2008), Lê Thanh Dũng và cs (2009), Lê Vũ Khôi và cs (2011), Viện Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (2016) và gần đây nhất là kết quả điều tra, khảo sát của Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống (2017) đã ghi nhận được 78 loài bò sát thuộc 15 họ, 2 bộ và 43 loài ếch nhái thuộc 8 họ, 2 bộ tại Khu BTTN Pù Huống; trong đó có 18 loài bò sát và 5 loài lưỡng cư được xác định là nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, dẫn liệu về các loài bò sát, ếch nhái còn nhiều hạn chế và thiếu cập nhật về tình trạng theo các văn bản hiện hành gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo tồn. Vậy nên xBan Quản lý Khu BTTN Pù Huống đã thực hiện chương trình “Điều tra, nghiên cứu đặc điểm khu hệ bò sát, ếch nhái, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển các loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam”
Kết quả điều tra bò sát, ếch nhái tại Khu BTTN Pù Huống từ nhiều nguồn thông tin khác nhau đã ghi nhận được 123 loài, 76 giống, 23 họ và 4 bộ: Lớp bò sát có 79 loài, 52 giống, 15 họ, 2 bộ; Lớp ếch nhái có 44 loài, 24 giống, 8 họ, 2 bộ. Số loài bò sát, ếch nhái được ghi nhận tại Khu BTTN Pù Huống chiếm khoảng 14% tổng số bò sát, ếch nhái của cả nước nhưng đây cũng là số lượng bò sát, ếch nhái khá lớn trong một KBT.
Trong các họ bò sát được ghi nhận ở Việt Nam, họ Rắn nước là họ có sự đa dạng nhất (chiếm 35,05% tổng số loài) và nhiều loài phân bố rộng khắp trong phạm vi cả nước nên đây là nguyên nhân chính của sự đa dạng của họ bò sát này tại Khu BTTN Pù Huống. Họ Kỳ đà (Varanidae), họ Trăn (Pythonidae), họ Rùa đầu to (Platysternidae), và Rắn mống (Xenopeltidae) kém đa dạng nhất: mỗi họ chỉ có 1 giống và 1 loài.
Trong 8 họ ếch nhái được ghi nhận tại Khu BTTN Pù Huống, họ Ếch nhái (Ranidae) có sự đa dạng nhất về số loài (12 loài chiếm 27,3% tổng số loài ếch nhái), tiếp đến là họ Ếch cây (Rhacophoridae), họ Ếch nhái chính thức (Dicroglossidae). Bộ dữ liệu hình ảnh của 50 loài, bộ mẫu vật (73 mẫu) của 42 loài thu được tại Khu BTTN Pù Huống được lưu trữ, bảo quản tại Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống phục vụ trưng bày và nghiên cứu khoa học.

Nhái cây taylo - Kurixalus bisacculus
Nhái cây taylo - Kurixalus bisacculus
Ếch cây xanh đốm - Rhacophorus dennysi
Ếch cây xanh đốm - Rhacophorus dennysi
Rắn ráo k-ra-pe-lin - Boiga kraepelini
Rắn ráo k-ra-pe-lin - Boiga kraepelini
Rắn lá khô thường - Sinomicrurus macclellandi
Rắn lá khô thường - Sinomicrurus macclellandi

Tổng hợp theo tài liệu Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống
Thái Bá Thám
Văn phòng Ban Quản lý